Câu chuyện điều hành thị trường vàng nhận được nhiều sự quan tâm, khi có tới 3 tham luận tại diễn đàn bàn riêng về vấn đề này. Trong đó, báo cáo dài 17 trang của phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long danh phần lớn thời lượng để trao đổi xung quanh vấn đề liên thông giữa giá trong - ngoài nước cùng hoạt động đấu thầu bình ổn thị trường. Theo ông, hơn một năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24, thị trường vàng bước đầu ghi nhận những biến chuyển, đáng chú ý là hạn chế đầu cơ vào lĩnh vực vàng miếng. Song ông cũng nhìn thấy nhiều điểm bất ổn trong cơ chế quản lý và về cơ bản "hoạt động của thị trường vàng trong nước chưa đạt mục tiêu do chính Nghị định 24 đưa ra".
Thị trường vàng còn bất ổn, theo ông Long, có căn nguyên từ cơ chế chính sách. "Trong thời gian ngắn, nhiều quy định quản lý thị trường vàng đã thay đổi liên tục, theo chiều hướng ngược nhau. Hầu hết các quy định thay đổi chỉ nhằm giải quyết tình thế hơn là mang tính hệ thống, ổn định", ông nói. Tiến sĩ Long từng là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính và cũng là người giữ quan điểm khá khắt khe với cách thức bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua.
Trong tham luận gửi tới Diễn đàn lần này, ông Long chỉ ra 10 điểm bất cập trong chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay. Trước hết là nhầm lẫn về ý nghĩa và lạm dụng việc chống vàng hoá. Vàng hoá theo cách hiểu của tiến sĩ là hiện tượng dùng vàng để thanh toán, giao dịch và dự trữ thay vì sử dụng đồng nội tệ. Thực tế những năm gần đây vàng hầu như không còn là phương tiện thanh toán mà chỉ là công cụ tích trữ, bảo toàn tài sản trong bối cảnh kinh tế bất ổn, lạm phát tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, theo ông cần tăng cường sức mạnh của đồng nội tệ, đảm bảo bởi một nền kinh tế ổn định vững chắc, cán cân thương mại lành mạnh và chính sách tiền tệ có hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước chống vàng hóa bằng cách cấm và hạn chế nhiều nghiệp vụ, theo ông Long, cách làm này chưa phù hợp và có thể gây tác dụng ngược.
Chỉ ra sự mâu thuẫn trong điều hành thị trường vàng với Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013, ông Long cũng cho rằng chính sách quản lý vàng hiện nay theo kiểu "một mình một chợ", thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Theo ông, độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng mà không quan tâm tới yếu tố cung cầu đã dẫn đến bế tắc trong sản xuất và lưu thông, đẩy giá trong nước cách xa với thế giới, tạo điều kiện cho nhập lậu vàng gia tăng.
Đấu thầu vàng là vấn đề tiến sĩ Long quan tâm nhất. Gần 60 tấn vàng đã được Ngân hàng Nhà nước bán ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu từ 28/3 tới nay. Nhưng ông Long thắc mắc không biết số vàng này đi về đâu, người dân hưởng lợi gì
Về đấu thầu vàng, Tiến sĩ Long đặt câu hỏi "Liệu sân chơi đấu thầu vàng đã bình đẳng?". Thắc mắc được ông đưa ra với cơ sở là số lượng người được tham gia và người mua được vàng còn hạn chế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đặt ra yêu cầu tối thiểu quá cao đối với những người được tham gia. Khối lượng mua tối thiểu mỗi phiên có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng và phải thanh toán ngay, nên chỉ có các "ông lớn" ngân hàng và một số ít doanh nghiệp vàng miếng mới đủ tiềm lực trúng thầu. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là ai đã mua vàng và liệu có lợi ích nhóm trong phương thức đấu thầu hiện nay.
Tiến sĩ cũng đặt lại thắc mắc từng làm nóng nhiều diễn đàn trước đây, đó là việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng, thực chất là đi kinh doanh vàng, có vẻ không phù hợp với chức năng của một ngân hàng trung ương.
"Kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được, vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích. Trên thực tế không có một đơn vị kinh doanh nào chịu lỗ khi tham gia thị trường. Trong cuộc đấu thầu này, người được lợi lớn nhất là các ngân hàng, không phải người dân. Do vậy, mục tiêu bình ổn giá là không thực hiện được", Tiến sĩ Long nói.
Ngoài ra, vấn đề liên thông giá vàng trong và ngoài nước một lần nữa được nhắc lại trong bài phát biểu của các chuyên gia. Trong các phát biểu trước đây, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối cho rằng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi đấu thầu vàng miếng là bình ổn thị trường, không nhằm mục tiêu bình ổn giá.
Tuy nhiên, tiến sĩ Long cho rằng đây là một quan điểm "mơ hồ", không phản ánh đúng bản chất của mục tiêu bình ổn thị trường vàng, khiến giá SJC luôn đứng cao hơn vàng quốc tế. Quan điểm của ông, ổn định thị trường vàng trong nước có nghĩa là giá vàng trong nước phải luôn bám sát giá vàng thế giới.
Ông cũng cho rằng chính sách chọn độc quyền SJC là thương hiệu vàng quốc gia là nguyên nhân khiến vàng SJC giả, nhái xất hiện trên thị trường. Theo đó sẽ không xảy ra nếu trên cùng thị trường có nhiều thương hiệu vàng miếng. Việc chỉ công nhận một thương hiệu độc quyền đã gây ra tình trạng cùng chất lượng như nhau, nhưng các thương hiệu khác có lúc rẻ hơn tới 3 triệu đồng so với SJC.
Cũng có mặt tại Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân, Tiến sĩ Tô Ánh Dương đưa ra nhiều khuyến nghị tương tự đồng nghiệp về quản lý thị trường vàng, trong đó có việc thành lập sàn vàng quốc gia và cho phép tự do hóa xuất nhập khẩu vàng.
Các tác giả này đều điểm qua việc quản lý thị trường và của các nước lân cận như Ấn Độ, Trung Quốc để làm ví dụ, trong đó cho thấy việc quản lý thị trường vàng của Việt Nam đang phần nào có những điểm tương đồng với Ấn Độ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Tô Ánh Dương và Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết với việc thành lập Sở giao dịch Vàng cộng thêm cơ chế quản lý linh hoạt trong việc cho phép các đơn vị xuất hoặc nhập vàng khi có chênh lệch giá, Trung Quốc đã phần nào thành công trong việc liên thông giá trong và ngoài nước.
Phản biện sau bài phát biểu dài 17 trang nói trên, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho rằng lập luận của tác giả Ngô Trí Long đi ngược với chủ trương của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
Trả lời câu hỏi ai đã mua vàng đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong số gần 60 tấn vàng đã bán ra (tính đến ngày 25/9), có gần 30 tấn được các tổ chức tín dụng sử dụng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng. Phần còn lại được các đơn vị trúng thầu bán lại trên thị trường, trong đó chủ yếu bán cho khách hàng cá nhân.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước không phủ nhận về vấn đề chênh lệch giá hiện nay, nhưng cho biết nếu muốn giá trong nước về sát thế giới thì phải cho phép doanh nghiệp, người dân kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu vô điều kiện số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu.
Về việc chọn SJC làm thương hiệu độc quyền, Ngân hàng Nhà nước khẳng định hoàn toàn đúng quy trình pháp luật. Phản biện của Ngân hàng cho rằng sau một thời gian triển khai cho thấy lựa chọn này đã đem lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, Nhà nước đã sản xuất được ngay lượng vàng miếng cần thiết phục vụ cho thị trường với thời gian ngắn và chi phí thấp hơn so với việc Nhà nước tự sản xuất. Thứ hai là Ngân hàng đã tiết kiệm được chi phí lớn cho xã hội vì không làm phát sinh nhu cầu chuyển đổi phần lớn vàng miếng trên thị trường sang vàng miếng thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước. Hiệu quả thứ ba là ngăn chặn việc sản xuất vàng miếng từ nguyên liệu vàng nhập lậu.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước khẳng định sau hơn một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng hợp pháp của người dân được đảm bảo; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường được thiết lập, đã ngăn chặn được biến động của giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô... Đến nay, thị trường đã ổn định hơn, sự mất cân đối về cung cầu vàng trong nước đã được thu hẹp, chênh lệch với giá thế giới từ 6-7 triệu đồng, nay chỉ dao động quanh 2-3,5 triệu đồng, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước viết.
Khi phỏng vấn một số doanh nghiệp về chênh lệch giá vàng hợp lý, DOJI đưa ra con số một đến 2 triệu đồng. Công ty VietnamGold cho rằng một đến 1,5 triệu đồng là phù hợp. Còn Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam đưa ra con số 500.000 đến 700.000 đồng mỗi lượng. Còn theo tác giả Ngô Trí Long, chênh lệch giá vàng giữa trong và ngoài nước bao gồm bảo hiểm, chi phí vận chuyển, chi phí gia công, chi phí kinh doanh, rủi ro, thuế. Trong đó vận chuyển và bảo hiểm cao nhất là 200.000 đến 300.000 đồng mỗi ounce. Chi phí gia công 50.000 đồng một lượng. Các chi phí còn lại khoảng 300.000 đồng. Do đó chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước 500.000 đến 600.000 đồng là hợp lý. Để đảm bảo an toàn cho Ngân hàng Nhà nước và có lãi khi định giá đấu thầu, thì mức chênh lệch nên là một triệu đồng mỗi lượng. Mức lãi này cao hơn mức lãi của các nước nhập khẩu vàng khác từ 4 đến 5 lần tùy theo nhu cầu vàng của từng nước. |
Thanh Bình