Ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước lần thứ tư tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Theo nguồn tin của VnExpress, cơ quan này công bố mức sàn để các đơn vị trả giá là 83,92 triệu đồng, cao hơn giá SJC mua vào từ người dân 900.000 đồng mỗi lượng và rẻ hơn giá doanh nghiệp này bán ra gần 1,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu tham dự, do đó phiên đấu thầu sáng nay tiếp tục bị hủy.
Như vậy, trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4 cũng chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho hai đơn vị.
Giá vàng miếng SJC đến giờ trưa nay tăng 400.000 đồng một lượng so với hôm qua, đồng thời cũng xác lập mức đỉnh mới 85,5 triệu đồng. SJC mua vào từ người dân với giá 83,2 triệu đồng. Còn tại DOJI, giá vàng miếng sáng nay giao dịch tại 82,6 - 84,9 triệu đồng.
Doanh nghiệp mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước không chỉ để bán ra thị trường dân cư mà còn phục vụ nhu cầu trên kênh bán buôn với số lượng lớn. Trên kênh bán buôn, biên lợi nhuận cũng thường thấp hơn so với giao dịch bán lẻ với người dân.
Do đó, theo chuyên gia, về mặt lý thuyết, mức giá sàn Ngân hàng Nhà nước chào cho doanh nghiệp chỉ cần xấp xỉ với mức giá doanh nghiệp mua vào trên thị trường dân cư, cũng đủ để doanh nghiệp có lợi nhuận.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định nhu cầu vàng miếng trên thị trường hiện có dấu hiệu chững lại. Thị trường vàng miếng đang lặng "sóng", đồng thời một bộ phận người dân đã chuyển qua giao dịch vàng nhẫn trơn.
Hiện, số lượng tối thiểu doanh nghiệp đặt cọc dự thầu trong mỗi phiên là 1.400 lượng. Việc bỏ ra lượng vốn hơn trăm tỷ đồng để "ôm" lượng vàng lớn trong khi không đảm bảo được đầu ra, cũng khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.
Quỳnh Trang