Tính đến 16h15 chiều nay, Công ty SJC Hà Nội công bố giá ở 28,40 - 28,60 triệu đồng, bán ra tăng 100.000 đồng và mua vào tăng 400.000 đồng so với lúc 9h30 sáng nay. Việc biên độ co hẹp từ 500.000 đồng vào đầu ngày xuống còn 200.000 đồng, và giá mua vào tăng cao cho thấy doanh nghiệp đã bớt dè dặt hơn và đang kích thích người dân đi bán vàng. Lúc 16h30, giá bán Vàng Rồng Thăng Long tăng lên mức 28,6 triệu đồng, mua vào đạt 28,31 triệu đồng, đắt hơn 200.000 đồng so với 10h sáng.
Trong khi giá vàng leo thang, tỷ giá ngoại tệ cũng nóng. Các điểm thu đổi niêm yết mỗi USD tại mức trung bình 19.650 - 19.750 đồng lúc 16h chiều, với giá bán ra tăng 100 đồng so với sáng nay và đắt hơn 350 đồng so với thứ sáu tuần trước.
Với tâm lý lo sợ đồng tiền mất giá, một số nhà đầu tư vẫn tiếp tục đi mua vàng, mặc bài học nhãn tiền về bong bóng giá vàng mới cách đây hơn một tuần. Tính đến 16h chiều nay, riêng doanh số bán lẻ của doanh nghiệp SJC Hà Nội đạt 2.080 lượng, trong khi chỉ thu mua được vài trăm lượng của những người đi bán. Mặc dù đà đi mua không qua dồn dập, nhưng khiến thị trường nóng lên sau một tuần sóng yên biển lặng. Một số doanh nghiệp khác dọc con phố buôn bán vàng nổi tiếng của Hà Nội là Trần Nhân Tông chứng kiến đà mua của khách hàng lấn át hoàn toàn so với bán ra trong ngày hôm nay.
Bất chấp bài học bong bóng giá vàng cách đây hơn 1 tuần khi giá rơi từ 29 triệu đồng xuống 25 triệu đồng một lượng, hôm nay, người dân tiếp tục đi mua vàng khi giá tăng. Trong ảnh, người dân chen nhau đi bán vàng khi bong bóng giá vỡ vào ngày 12/11. Ảnh: Hoàng Hà |
Giá vàng giao ngay thế giới không ngừng leo thang trong ngày đầu tuần. Tính đến 16h56 theo giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.164,90 USD, tăng 14 USD so với mở cửa. Trong phiên, có lúc biểu đồ vọt lên chạm 1.167 USD.
Giới phân tích nhận định trong tuần này, vàng đi lên chủ yếu do yếu tố kỹ thuật. Thị trường đóng cửa tuần trước ở mức cao 1.150 USD. Sau khi mức cản nhạy cảm này bị phá, các nhà đầu tư lập tức hướng đến những mức cản cao hơn, đặt lệnh mua tương lai ở 1.200 hay 1.300 USD. Ông Nguyễn Thế Hùng, trưởng đại diện của hãng tài chính MKS (Thụy Sĩ) cho biết giới đầu tư đang kỳ vọng thị trường đạt mốc 1.200 và 1.300 USD vào quý I năm sau. "Tuy nhiên, với đà tăng như hiện nay, khả năng này có thể xảy ra sớm hơn", ông Nguyễn Thế Hùng nhận định.
Đồng đôla Mỹ yếu cũng là tác nhân khiến vàng tăng giá. Hôm thứ 6, một euro đổi được 1,4848 USD, nhưng đến hôm nay tỷ giá euro/USD tăng lên 1.4913.
Từ đầu năm 2009 đến nay vàng tăng 32% giá trị và từ tháng 7 đến nay liên tiếp phá vỡ các kỷ lục, nhất là sau thông tin Ấn Độ mua 200 tấn vàng trong 403 tấn mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF rao bán. Các chuyên gia cho rằng hợp đồng giao dịch giữa IMF với một ngân hàng trung ương nào đó đàm phán nốt chỗ vàng còn lại cũng sẽ gây hiệu ứng tương tự.
Bên cạnh các yếu tố rủi ro lạm phát hay nguy cơ phục hồi chậm chạp, các nhà đầu tư lao đến vàng còn do họ cho rằng thị trường chứng khoán đã tăng trưởng quá nhanh nhưng không ổn định. Tốc độ đi lên của thị trường này còn nhanh hơn cả đà phục hồi kinh tế. Một số nhà phân tích nhận định có hiện tượng nguồn tiền từ chứng khoán chảy sang thị trường vàng trên thế giới.
Một nhà quản lý quỹ đầu tư từ Seoul thì đánh giá thị trường đang bị dẫn dắt bởi yếu tố tâm lý. "Người ta cứ đi mua vàng với lòng tin giá sẽ còn leo thang, ngay cả khi các mức đỉnh lần lượt bị phá. Những người có vàng vật chất cũng không vội bán vàng", ông nói.
Thanh Bình