Bơ chính vụ bán rẻ, trong khi bơ trái vụ giá bán cao gấp 3-4 lần. Chính vì vậy hiện nay, việc lựa chọn cây bơ nghịch vụ, rải vụ, sớm vụ… đã và đang thu hút đông đảo bà con nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc…
Năm 2008, ông Nguyễn Văn Minh ở Tổ dân phố 5, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) quyết định tìm mua 150 cây bơ nghịch vụ về trồng trên 3 sào đất rẫy của mình. Sau 4 năm chăm sóc, chờ đợi, đến nay 150 cây bơ của ông đã cho thu đều, giá bơ bán cao gấp 3-4 lần so với bơ chính vụ. Vì bơ mới bói quả năm thứ 2 nên sản lượng còn thấp, năm 2012 này mỗi cây đã cho thu hoạch khoảng 0,6-0,7 tạ quả, với giá bán trung bình 30-40 nghìn đồng một kg, ông cũng thu về gần 200 triệu.
Ông Minh cho biết thêm "Bơ trái vụ bán dễ, nhiều thời điểm không có mà bán, riêng thời gian trước và sau tết giá bơ lên tới 30-40 nghìn đồng một kg, trong khi đó bơ chính vụ bây giờ bán may ra được 10 nghìn một kg, còn không chỉ được 5-7 nghìn một kg…”.
Vườn bơ của gia đình chị Lê Thị Vân, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) hiện đang trồng 3 dòng bơ trái vụ và 1 dòng bơ chính vụ ở năm thứ 5. Nhờ vậy, vườn có bơ trái quanh năm, trong điều kiện chăm sóc khá đơn giản, những dòng bơ sớm, bơ rải vụ/tứ quý đã và đang thu hoạch với giá bán tại vườn là 30.000 - 32.000 đồng một kg (ở thời điểm sau tết) trong khi những dòng bơ muộn đang nở hoa và bắt đầu điểm trái. Theo chị Vân ước tính, với lượng trái và hoa như thế, thu nhập từ bơ có thể đạt được hơn 65 triệu đồng trong năm nay và hơn 150 triệu đồng/5.000 m2 vào năm thứ 8, các năm sau năng suất sẽ tiếp tục tăng cao và ổn định sau năm thứ 10.
Việc trồng bơ trái vụ không nhất thiết phải chuyên canh, bà con nông dân có thể trồng xen canh trong vườn cà phê, điều này giúp nhà vườn tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất. Ảnh minh họa. |
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Đức ở thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Cuin (Đăk Lăk), vườn bơ trái vụ với 15 cây, vậy mà hàng năm ông cũng thu về gần 100 triệu đồng. Ông Đức cho biết, "trong vườn nhà tôi có một cây bơ "vàng” trái vụ, tuổi thọ khoảng 25 năm rồi, có năm cho thu tới trên 28 triệu đồng. Ngoài ra, trong vườn, tôi còn có 14 cây bơ trái vụ nhỏ đã cho thu trái năm thứ 5, trung bình hàng năm những cây này cũng cho thu khoảng 3 triệu đồng một cây”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Tư, Phó giám đốc Công ty MTV Dak Farm, đơn vị chuyên định hướng, cung cấp cây giống và tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật miễn phí cho các vườn bơ trái vụ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cho biết, việc trồng bơ trái vụ cho hiệu quả kinh tế rất cao, tuy nhiên phải lựa chọn đúng giống bơ có chất lượng…
Việc trồng bơ trái vụ không nhất thiết phải chuyên canh, bà con nông dân có thể trồng xen canh trong vườn cà phê, điều này giúp nhà vườn tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, vừa có thu nhập ở nhiều thời điểm mà không ảnh hưởng đến cà phê. Cây bơ tiếp nhận ánh sáng ở tầng cao, khai thác dinh dưỡng ở tầng sâu hơn, cây bơ còn che bóng, chắn gió phù hợp cho cà phê (ưa ánh sáng tán xạ), giảm nước tưới và các nguồn ký chủ sâu bệnh hại gần như không tương thích, rất phù hợp trong việc phát triển cây cà phê bền vững.
Cây bơ được người Pháp du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 40 của thế kỷ trước và được chọn trồng ở vùng đất đỏ bazan màu mỡ Tây Nguyên. Từ đó cho đến nay, diện tích bơ đã liên tục phát triển nhưng do có độ thích ứng về thổ nhưỡng và khí hậu khá hẹp nên chủ yếu vẫn tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên và chỉ có rải rác ở một số vùng khác có chất đất và khí hậu phù hợp như vùng núi của các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ...
Trong đó, tỉnh Đăk Lăk đã có diện tích bơ trên 4.200 ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’Gar, Krông Pắk, Krông Búk, Krông Năng, Ea H’Leo, Cư Kuin. Đây cũng là địa phương có diện tích, sản lượng bơ quả nhiều nhất so với cả nước.
(Theo Đại đoàn kết)