Hồ sơ của họ đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định, bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nhận cảnh báo từ bệnh viện ĐH Y Dược vào tuần trước, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ cơ quan chức năng địa phương xác minh, bước đầu kết luận "có dấu hiệu làm giả giấy tờ". Vụ việc đang được điều tra.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ câu chuyện này tại hội thảo tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người, diễn ra ở TP HCM ngày 22/3.
"Nhân viên y tế không đủ khả năng để xác minh giấy tờ có hợp pháp hay không. Vụ việc này đòi hỏi sự cảnh giác của người làm công tác hiến, ghép tạng", bác sĩ Thu nói.
Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết, số người hiến tạng khi còn sống tuổi dưới 30 chiếm trên 50% tổng số ca ghép mỗi năm tại đây. Nhiều trường hợp tiêu cực phát sinh từ người hiến tạng trẻ tuổi.
Nhận thấy sự phức tạp từ việc tiếp nhận hồ sơ cho và nhận tạng, cuối năm 2016, Bệnh viện Trung ương Huế thành lập Phòng điều phối ghép tạng, bắt đầu triển khai nhận hồ sơ về pháp lý. Trong hai năm, bệnh viện tự xác minh, thấy xuất hiện tình trạng giả giấy tờ, giả chữ ký, giả con dấu của cơ quan có thẩm quyền.... Từ cuối năm 2018, bệnh viện phải nhờ sự hỗ trợ của công an.
Nhiều vụ mua bán tạng trái phép thời gian qua đã bị phát hiện, trong quá trình xét xử.
Tháng 2/2021, Trần Xuân Hiệp và Nguyễn Duy Phương bị Công an quận Ba Đình khởi tố để điều tra vì thu của người mua thận 1,1 tỷ đồng, trả cho người bán 230 triệu đồng một quả thận. Theo điều tra, hai bị can từng đi bán thận nên biết các thủ tục và quy trình mua bán nên nảy sinh ý định kiếm lời.
Khám xét nơi ở, cảnh sát phát hiện thêm bốn trường hợp đang được nuôi và làm thủ tục chờ người mua thận. Hiệp và Phương khai nhận đã thực hiện trót lọt nhiều vụ mua bán thận. Vụ án đang được mở rộng điều tra.
Tháng 10/2018, cơ quan chức năng khởi tố Trần Văn Phương (29 tuổi) để điều tra về tội Mua bán mô và bộ phận cơ thể người. Phương được cho là làm môi giới, giao dịch mua bán thận với giá từ 250 triệu đồng đến 320 triệu đồng, "báo giá" với người cần ghép thận là 340-360 triệu đồng để hưởng chênh lệch. Cơ quan chức năng nhận định người này điều hành đường dây mua, bán thận thường hợp thức hóa việc mua bán nội tạng bằng các bộ hồ sơ hiến tặng.
Bác sĩ Tú kiến nghị, với người hiến không cùng huyết thống, nên quy định độ tuổi hiến tạng từ 30 trở lên. Những người hiến ở độ tuổi này có sự trưởng thành nhất định, suy nghĩ nhận thức chín chắn hơn, nhằm đảm bảo tính nhân văn cũng như hạn chế tình trạng mua bán tạng.
"Cần có hệ thống cập nhật để cảnh báo các trường hợp vi phạm bị từ chối trong cả nước", bác sĩ Tú đề xuất. Có nhiều trường hợp Bệnh viện Trung ương Huế từ chối hiến, ghép tạng khi có dấu hiệu nghi ngờ. Những người này sau đó đã đến hiến, ghép được ở trung tâm ghép tạng khác.
Giáo sư Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, cảnh báo về nguy cơ mua bán tạng trong hiến và ghép tạng tại Việt Nam. "Có những trung tâm, lãnh đạo giương cao ngọn cờ nhân đạo trong ghép tạng, nhưng nhân viên thì tìm cách này, cách khác, đưa ra giải pháp để lách luật, đồng thuận với việc buôn bán tạng", giáo sư Sinh chia sẻ.
Nạn buôn bán tạng có thể đe dọa những thành tựu ghi nhận được trong ghép tạng. Sự thiếu minh bạch dẫn đến không đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, mâu thuẫn giữa việc phải mua bán và chỉ định ghép. Buôn bán tạng còn bị lên án vì nạn người giàu bóc lột thân thể người nghèo, vi phạm nghiêm trọng về quyền con người.
Theo giáo sư Sinh, nạn buôn bán tạng có thể khiến tinh thần nhân đạo, cao cả của việc hiến tạng bị lu mờ. "Nhiều người sẽ suy nghĩ 'trong khi người ta hiến để lấy tiền, không có tội gì mà mình lại cho không'", giáo sư Sinh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết cần cảnh giác tình trạng mua bán nội tạng tại Việt Nam và xuyên biên giới dù luật pháp Việt Nam đã cấm và quốc tế có tuyên ngôn Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ trong chống buôn bán nội tạng. Hiện nay có tình trạng "du lịch ghép tạng", tức một người lúc đi lành lặn, lúc về chỉ còn một quả thận hoặc đã mất một phần gan.
Theo ông Quang, việc mua bán tạng còn liên quan đến nhiều khía cạnh như pháp lý, vô tình để lọt hồ sơ giả, bị các đối tượng lừa đảo... Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhân viên y tế biết nhưng nhắm mắt cho qua. Đây là mối quan hệ tay ba giữa người mua, người bán và cơ sở y tế.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết, Việt Nam triển khai ghép tạng từ năm 1992 đến nay, đã ghép hơn 5.500 ca ghép tạng, mô, bộ phận cơ thể và có hơn 40.000 người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não.
Hiện cả nước có 20 trung tâm ghép tạng, tạo cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận những cơ sở y tế chuyên sâu để ghép tạng. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, làm chủ nhiều kỹ thuật lớn, khó như ghép gan, khối tim phổi, thận - tụy...
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, số tạng được ghép của Việt Nam từ người cho sống là chủ yếu. Mỗi tháng chỉ 1-2 trường hợp người cho chết não, dù đã tận dụng tốt lấy nhiều cơ quan để ghép nhưng vẫn chưa đủ.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, lượng người tiềm năng hiến tạng chết não vẫn còn rất nhiều. Để tận dụng tốt cơ hội nhận tạng từ người hiến chết não, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế chẩn đoán chết não mở hơn, quy định về độ tuổi hiến tạng, cơ chế đảm bảo tài chính cho người được hiến tạng...
"Đây sẽ là nguồn tạng cho hàng ngàn người đang chờ ghép, là nguồn tạng sạch đúng nghĩa", ông Sơn nói. Tăng cường sử dụng nguồn tạng sạch từ nguồn hiến chết não là đúng với công ước Istanbul về chống buôn lậu, mua bán tạng và chống du lịch ghép tạng.
Dự kiến năm 2022, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sửa đổi.