Chị Nguyễn Bích Ngọc, sinh sống tại Hà Nội, khám phá Iran cùng nhóm bạn vào đầu tháng 5, với chi phí 40 triệu đồng mỗi người, gồm vé máy bay 18 triệu đồng, phí xin visa 2 triệu đồng, còn lại là chi phí lưu trú, ăn uống, thuê xe và hướng dẫn viên địa phương.
Trước chuyến đi một tháng, chị làm thủ tục xin visa "nhanh chóng và dễ dàng". Chị điền thông tin trên website https://evisa.mfa.ir/en/, phỏng vấn online với Đại sứ quán, sau 10-15 ngày có kết quả đạt mới phải nộp phí. Khi điền thông tin, chọn mục Place of Issue (nơi nộp bản cứng và đóng phí) là Đại sứ quán Iran tại Hà Nội, phí 80 euro, nếu chọn nộp tại sân bay ở Iran sẽ tốn 100 euro. Chị Ngọc chia sẻ nên nộp tại Đại sứ quán Hà Nội vì "chi phí thấp và ít rủi ro hơn", nếu gặp khúc mắc sẽ được nhân viên hỗ trợ trực tiếp.
Về vé máy bay, nhóm chị Ngọc bay chặng Hà Nội - Kuala Lumpur - Shiraz - Tehran - Hà Nội. Hiện từ Việt Nam chưa có đường bay đến các thành phố của Iran nên phải quá cảnh tại một điểm trung gian. Ngoài Kuala Lumpur, có thể chọn quá cảnh tại Bangkok hoặc Dubai. Sau khi khảo sát giá vé, đoàn chị Ngọc chọn Kuala Lumpur vì chi phí tiết kiệm nhất.
Quá trình lên kế hoạch chuyến đi của chị Ngọc mất thời gian hơn so với những chuyến du lịch nước ngoài khác vì thông tin chính thống về du lịch Iran "ít và khó tìm trên Internet". Đoàn của chị phải liên hệ với người bạn bản địa nhờ hỗ trợ và lựa chọn hình thức du lịch bán tự túc. Nhóm tự xin visa sau đó đặt land tour (tour bản địa) có hướng dẫn viên và thuê xe có người lái suốt hành trình.
Họ thuê ôtô 30 chỗ, thực hiện chuyến roadtrip dài hơn 1.800 km đi qua 17 địa điểm ở Iran trong nửa tháng. Chi phí thuê xe 140 USD mỗi ngày chưa bao gồm tiền xăng. Cung đường chính đi qua 6 thành phố lớn gồm Tehran, Kashan, Isfahan, Yard, Shiraz và Tabriz. Nhóm dành phần lớn thời gian ở miền nam Iran vì nơi này tập trung nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử hàng nghìn năm tuổi. Tabriz, thủ phủ của tỉnh Azerbaijan Đông, là điểm đến duy nhất thuộc phía tây bắc Iran.
Khi đến mỗi thành phố, nhóm thuê một tour guide bản địa do lần đầu đến Iran và muốn tìm hiểu sâu về lịch sử, văn hóa đế quốc Ba Tư cổ đại. Internet ở đất nước này bị hạn chế do tình trạng cấm vận. Người dân địa phương hầu như không nói tiếng Anh. Hệ chữ viết và số đều riêng biệt. Các tour guide thạo ngoại ngữ và lo mọi thứ cho đoàn suốt hành trình. Họ chỉ không can thiệp vào việc du khách mặc cả, chốt giá khi mua bán.
"Iran thực tế khác xa những gì tôi đọc và tìm hiểu trên mạng về một quốc gia bị cấm vận hơn 40 năm. Đất nước này còn nguyên hơi thở của của Đế quốc Ba Tư. Các công trình hàng nghìn tuổi như Nhà thờ Hồi giáo Nasir al-Mulk, tàn tích Persepolis ở Shiraz, quảng trường Naghsh-e Jahan ở Isfahan ở, đền thờ Hỏa Giáo Ateshkadeh ở Yazd hay làng cổ Abyaneh như đưa tôi lạc vào những câu chuyện nghìn lẻ một đêm", chị Ngọc nói.
Ngoài tìm hiểu về kiến trúc, văn hóa, tôn giáo, nhóm du khách còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên dọc đường chạy xe như hồ muối hồng Maharloo, sa mạc Maranjab hay đoạn đường từ Kashan tới Anyaneh.
Chị Ngọc vẫn nhớ như in buổi chiều hoàng hôn trên sa mạc Maranjab rộng lớn. Sau khi ngồi xe gần 250 km từ Tehran đến Kashan, trời đổ mưa lớn. Cả nhóm đãđã xác định "ngậm ngùi huỷ bỏ" chương trình chạy motor 60 km từ Kashan đến sa mạc Maranjab. Ngồi tiếp trên ôtô đến nơi vừa hay mưa tạnh, cầu vồng hiện lên trên những đụn cát khổng lồ. Giữa khung cảnh đó, đoàn khách dừng đun nước pha ấm trà, nghe nhạc và tận hưởng buổi chiều muộn trên sa mạc.
Trong suốt chuyến đi, họ chọn lưu trú tại các khách sạn boutique được cải tạo từ căn nhà truyền thống của người địa phương. Những ngôi nhà này thường có thiết kế tinh xảo đến từng viên gạch cùng cách trang trí nhiều màu sắc, họa tiết. Do tình hình cấm vận nên họ không thể tìm kiếm phòng nghỉ trên các trang phổ biến như Booking hay Agoda. Thay vào đó, du khách có thể tìm ở Exotigo, một trang chuyên cung cấp thông tin lưu trú tại Iran. Sau khi tìm phòng, họ đưa thông tin cho hướng dẫn viên kiểm tra một lượt mới đặt.
Chị Ngọc thấy giá thuê khách sạn, ăn uống ở Iran đầu tháng 5 khá rẻ. Mỗi người tiêu khoảng 40 USD một ngày, gồm lưu trú tại khách sạn 4 sao và dùng bữa ở nhà hàng. Giá áp dụng cho đoàn 10 người.
Do bị cấm vận, Iran chỉ sử dụng thẻ nội địa, không dùng thẻ thanh toán quốc tế, du khách buộc phải đổi và tiêu tiền mặt. Tiền tệ chính thức của Iran là Iranian Rial (1 Rial = 0.6 đồng). Ngoài ra họ sử dụng song song đồng Toman (1 Toman = 10 Rial) và mua bán bằng Toman nhiều hơn. Du khách nên đổi tiền sang USD hoặc Euro trước khi bay và đổi sang tiền Iran sau khi tới nơi, tại các cửa hàng hoặc cả trên phố.
"Đồng tiền nội tệ mất giá nên khi mang USD hay Euro sang sẽ đổi được hàng túi tiền rial địa phương và tiêu tiền theo quyển đúng nghĩa đen", chị nói. Tỷ giá thay đổi liên tục, theo giờ hoặc ngày, và có thể mặc cả. Hồi đầu tháng 5 là 1 USD tương đương 500.000 Rial.
Chị Ngọc cho biết hầu hết ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay các ứng dụng liên kết quốc tế đều bị chặn ở Iran, cần cài VPN để truy cập. Du khách cần mua sim tại quầy ở sân bay, dùng hộ chiếu đăng ký sim chính chủ. Internet ở Iran tốc độ không cao và wifi nhiều chỗ đặt giới hạn số thiết bị đăng nhập.
"Chuyến này không thể vừa đi vừa đăng ảnh nóng hổi vì Internet chập chờn. Khi đang ở Iran, bạn bè người thân nhắn tin hỏi thăm nhưng liên lạc thường xuyên bị ngắt quãng", chị Ngọc nói.
Ẩm thực Iran cũng bị nhiều người "chê khó ăn" vì ít lựa chọn, chủ yếu là các loại thịt gà, cừu nướng, tẩm ướp gia vị thảo mộc mùi nồng. Tuy nhiên, chị Ngọc "mê" món thịt cừu. Cừu được sơ chế loại bỏ hoàn toàn mùi hôi và chế biến theo kiểu nướng hoặc hầm. Thịt mềm và gia vị thơm mùi nhụy hoa nhuệ tây.
Sau hơn nửa tháng rong ruổi ở Iran, chị Ngọc vẫn muốn quay lại xứ nghìn lẻ một đêm nhiều lần nữa để khám phá sâu hơn về văn hóa, lịch sử nơi đây.
Bích Phương
Ảnh: NVCC