Marcus Erikson, giám đốc nghiên cứu kiêm nhà đồng sáng lập Viện 5 Gyres, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào giảm ô nhiễm nhựa, chia sẻ gần đây ông và cộng sự bắt gặp hơn 300 con lạc đà ở Dubai chết sau khi ăn rác thải nhựa từ con người. Trong số đó, có một con lạc đà đặc biệt nuốt chửng khoảng 2.000 túi nylon. Dù đã nghiên cứu ô nhiễm rác thải nhựa suốt hàng chục năm, Erikson nhận xét cái chết của những con lạc đà vẫn khiến nhà khoa học bàng hoàng.
Theo Erikson, cái chết do ăn rác thải của lạc đà là một phần của xu hướng rộng hơn xảy ra do ô nhiễm rác. "Hãy tưởng tượng có 50 chiếc túi nylong trong bụng mà bạn không thể tiêu hóa, gây viêm loét và khó chịu cũng như cảm giác đầy bụng mọi lúc, khiến bạn không thể ăn bất kỳ thức ăn nào. Đây là những gì xảy ra với lạc đà. Kết quả là chúng bị chảy máu, nghẽn ruột, thiếu nước, suy dinh dưỡng và tử vong.
Nhựa hay chất dẻo tổng hợp là sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên mà do con người tạo ra. Chúng có thời gian phân hủy rất lâu, có thể kéo dài hàng trăm hoặc hàng nghìn năm (ví dụ chai nhựa mất tới 450 - 1000 năm mới phân hủy). Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm cả thế giới có khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa từ nhiều nguồn khác nhau như rác sinh hoạt và công nghiệp. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nylon và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Từ năm 1969 đến nay, lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và sẽ có tăng nhanh theo cấp số nhân trong tương lai.
An Khang (Theo Futurism)