Tôi từng chiến đấu trong một đại đội pháo cao xạ 57 ly ở mặt trận Đông Nam Bộ trước 1975. Tôi suốt đời không quên được lễ truy điệu liệt sĩ, tổ chức ngay sau ngày chiến tranh kết thúc. Người con của Hà Nội, Nguyễn Thế Lượng, hy sinh tháng 3/1975 - chỉ ít ngày trước khi đại quân tiến vào Sài Gòn. Mộ anh đắp vội, phủ quốc kỳ. Những người lính dàn đội hình trước nấm mộ. Khi những dòng điếu văn ngắn ngủi kết thúc là loạt súng AK tiễn biệt vang lên.
Nhiều năm sau đó, chúng tôi cất công dồn sức tìm kiếm nhưng vô vọng, chỉ biết anh nằm trong số những ngôi mộ vô danh ở một nghĩa trang miền Đông.
Gần 50 năm trôi qua, gia đình anh hẳn mang nỗi đau còn lớn hơn chúng tôi. Mỗi năm vào dịp này, nếu không đủ điều kiện vào vùng chiến trường cũ, đến nghĩa trang thắp hương cho anh, chúng tôi lại tới bia tưởng niệm ở khu phố cũ của anh, mạn Thủ Lệ, để tưởng nhớ.
Nhớ đến anh và để nhắc nhở chúng tôi sống sao đó cho xứng với bạn bè mình đã nằm xuống.
27/7 nếu có dịp tới những nghĩa trang liệt sĩ, chúng ta sẽ chứng kiến dòng người tìm đến để thắp hương tưởng nhớ. Nghĩa trang Trường Sơn có lẽ là nghĩa trang lớn nhất đất nước. Đây là nơi có phân khu từng địa phương dành cho những người đã ngã xuống. Mỗi lần đi qua Quảng Trị, hiếm khi chúng tôi không dừng chân, vào nghĩa trang Trường Sơn và khu di tích Thành Cổ. Tôi tin nhiều người Việt Nam cũng thế. Ghé qua để lòng mình thanh thản hoặc để cầu mong sự may mắn. Khi ta không lãng quên, biết trân trọng những giá trị của quá khứ thì hiện tại và tương lai sẽ dễ dàng chấp nhận hơn những gì ta có. Tôi nghĩ giản dị là vậy.
Tôi ít viết tiểu thuyết trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình. Cuốn tiểu thuyết duy nhất "Tàn đen đốm đỏ" của tôi, in năm 1994, là về các liệt sĩ. Nhân vật của tôi là những vong hồn. Tôi dựng ra một thế giới vong hồn kẹt giữa trần thế và âm cung. Vong hồn là những người chết không mồ không mả, không tên không tuổi, không hương không khói, không được thừa nhận. Họ không thể siêu thoát. Những câu chuyện diễn ra trong một hang đá từ dạo chiến tranh giữa những người lính hai phía cho đến khi một đơn vị tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ tìm ra họ.
Viết cuốn tiểu thuyết này tôi chỉ muốn nói đến nỗi đau lớn nhất của chiến tranh Việt Nam trong các thời kỳ chính là nỗi đau từ những người chết vô danh, ở cả hai phía.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 10 năm, từ 2011 đến 2021, các đơn vị đã nhận được hơn 41.000 mẫu ADN; xác định danh tính gần 1.400 hài cốt. Hiện cả nước còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, trên 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Hơn nửa triệu gia đình chỉ nhận được thông tin về người thân của mình qua mảnh giấy báo tử. Nhiều người cha, người mẹ ra đi, mang theo nỗi day dứt khôn nguôi khi chưa kịp biết (những) đứa con của mình đã nằm lại nơi đâu trên đất nước này.
Vậy người sống còn có thể làm gì với những người đã nằm xuống vì đất nước. Ngoài chính sách chung, đã được duy trì khá tốt hàng chục năm qua với gần 10 triệu người có công, đặc biệt là với hơn 1,2 triệu liệt sĩ, tôi mong nhà chức trách dành nhiều tâm sức, tiền của hơn vào việc tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính của những liệt sĩ vô danh.
Chiến tranh đã lùi xa, càng để lâu, xương thịt các anh càng hòa sâu vào cát bụi, việc xác định sẽ càng khó khăn hơn. Thế hệ chúng tôi lên đường, thảy đều sẵn sàng nằm xuống vì quê hương. Nhưng năm nào, đến ngày này, lòng tôi cũng chùng xuống, canh cánh vì những đồng đội, như Nguyễn Thế Lượng, đang nằm lại đơn độc ở đâu đó.
Tìm lại họ là việc để an ủi chính những người đang sống, hơn là những người đã chấp nhận hy sinh.
Vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, còn những liệt sĩ vô danh là còn đó một nỗi đau, tôi nghĩ sẽ kéo dài nhiều năm nữa và đặt lên các thế hệ kế tiếp những ám ảnh về một thời chiến tranh đã qua.
Nửa tháng trước, Hùng - người con nuôi của tôi - nhắn tin: "Bố gửi cho con bài thơ về người lính Vị Xuyên của bố với. Hôm nay 12/7 giỗ trận. Tý con vào trong cao điểm 468".
Tôi xúc động. Lứa sinh sau đẻ muộn mà biết trọng xương máu ông cha thì phúc lộc đất nước mãi còn.
Bài thơ của tôi có những câu:
Trẻ quá các em ơi
Sinh sáu mốt, sáu hai, sáu tư, sáu nhăm...
Chết tám nhăm, tám bẩy, tám tư, tám tám...
Có tên và không tên
Tuổi đôi mươi tung cánh đại bàng
Làm lá xanh nằm nơi núi khuất.
Phạm Ngọc Tiến