Có 4 người Malaysia sống ở bang Texas, Mỹ, dù chỉ quen biết nhau qua Facebook, đã "sát cánh" chạy khắp sân bay quốc tế ở thành phố Houston để kịp nhận phiếu bầu gửi qua đường bưu điện từ quê nhà. Sau đó, họ tức tốc bầu ngay tại sân bay và nhờ một hành khách chuẩn bị bay tới Malaysia cầm hộ các lá phiếu về quê nhà trước thời điểm cuộc tổng tuyển cử ngày 9/5 kết thúc, Quartz đưa tin.
4 người này cầm quốc kỳ Malaysia và chầu chực gần quầy làm thủ tục lên máy bay của hãng hàng không Eva, hãng có chuyến bay cuối cùng trong ngày tới thủ đô Kuala Lumpur. "Mọi người lảng tránh ánh mắt chúng tôi", cô Kristina Mariswamy, một trong 4 công dân Malaysia sống ở Mỹ, cười lớn. "Chẳng phải người ta hay khuyên nhau rằng sân bay là một trong những nơi ta tuyệt đối không nên cầm bất cứ thứ gì từ người lạ sao!"
Chỉ còn vài phút quầy làm thủ tục lên máy bay đóng lại, nhóm 4 người gần như đã hết hy vọng. Đúng lúc đó phi hành đoàn tiến đến. Eva Liew, mới chỉ đến Mỹ 6 tuần trước, nhìn thấy một phi công có vẻ ngoài giống một người đồng hương. Liew ra hiệu cho cả nhóm. Họ tập trung lắng nghe giọng nói của người phi công và để ý màu hộ chiếu để chắc chắn đây là đồng bào của mình. "Tôi mạnh dạn hỏi có phải anh ấy sắp bay tới Malaysia không?" Liew kể lại. "Khi nghe thấy câu trả lời 'đúng', chúng tôi gần như hét lên vì mừng và dụi vội mấy lá phiếu vào tay của anh phi công".
Lá phiếu của 4 công dân Malaysia này dự kiến hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur chỉ vài tiếng trước khi cuộc tổng tuyển cử kết thúc. Tuy nhiên, hành trình chưa dừng lại ở đó.
Lá phiếu của cô Mariswamy sẽ phải trông chờ vào lòng tốt của một người tình nguyện nhận phiếu bầu của cô tại sân bay và vượt quãng đường gần 300 km tới bang miền bắc Penang để bỏ phiếu.
Vấn đề là khi máy bay cất cánh, Mariswamy vẫn chưa tìm được người sẵn sàng giúp cô. Không bỏ cuộc, nữ giám đốc tiếp thị làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Houston lùng sục các nhóm trên mạng xã hội liên quan đến cuộc bầu cử ở Malaysia với hy vọng "hiệp sĩ áo trắng" cuối cùng sẽ xuất hiện.
Một trong những nhóm Facebook mà Mariswamy tham gia thuộc sự điều hành của Alex Yap, một giám đốc thương mại điện tử đang làm việc ở Hong Kong. Nhóm của Yap mới thành lập hồi cuối tháng tư nhưng đã thu hút hơn 3.000 người tham gia, hầu hết là công dân Malaysia đang sống ở nước ngoài và muốn gửi phiếu bầu qua đường bưu điện về quê nhà.
Bắt đầu từ năm nay, Ủy ban Bầu cử Malaysia cho phép công dân được phép bỏ phiếu qua đường bưu điện với điều kiện phải có người làm chứng và xác nhận vào một mẫu đơn cam kết.
Theo Yap, do phiếu bầu bị gửi tới muộn nên nhiều người Malaysia sống ở Hong Kong phải đến thẳng kho hàng của các công ty chuyển phát nhanh để điền vào phiếu bầu rồi gửi trở lại quê nhà ngay lập tức. Anh Yap miêu tả trung tâm giao nhận tại quận Kowloon của tập đoàn chuyển phát nhanh DHL, nằm ở phía bắc Hong Kong, biến thành "một điểm bỏ phiếu thu nhỏ".
Trên mạng xã hội Twitter và Facebook, dân Malaysia tập hợp nhau lại để chia sẻ chi phí di chuyển đến các điểm bỏ phiếu, đề nghị đi chung xe ôtô đến chỗ bầu cử, nhiều người tình nguyện làm nhân chứng giúp đồng hương bỏ phiếu qua đường bưu điện hoặc tự tay bỏ giúp các lá phiếu của những người sống xa quê hương tại các điểm bầu cử địa phương.
"Mạng xã hội đã cho chúng tôi cơ hội để thực hành quyền dân chủ thực sự", cô Liew ở thành phố Houston nói. Tổ chức giám sát bầu cử Bersih ước tính có khoảng 2,7 triệu người Malaysia đang sống ở nước ngoài và hầu hết đều đăng ký đi bầu cử.
Còn đối với cô Mariswamy, dù không dám chắc lá phiếu của mình sẽ được bỏ vào hòm phiếu kịp lúc, chỉ nghĩ đến việc lá phiếu có thể về đến quê hương cô cũng cảm thấy mãn nguyện. "Việc này còn hơn cả cất lên tiếng nói", cô cho biết. "Dù việc bỏ phiếu có phức tạp thế nào, khó khăn ra sao, bất chấp mọi trở ngại, tôi muốn chứng minh rằng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mức có thể, cố gắng đến giây cuối cùng để bỏ lá phiếu của mình. Đừng đùa với chúng tôi".
Cựu thủ tướng Mahathir Mohamad, 92 tuổi, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/5. Chiến thắng lịch sử này đánh dấu sự trở lại chính trường của ông Mahathir, người từng lãnh đạo Malaysia suốt 22 năm đồng thời đặt dấu chấm hết cho 61 năm cầm quyền của liên minh Barisan Nasional.
An Hồng