Chiếc lá nhân tạo của Julian Melchiorri được thiết kế theo dự án Silk Leaf. Nó có màu xanh sáng hơn so với lá cây thật, nhưng mang đặc điểm tương tự là chức năng quang hợp để tạo ra khí oxy, bằng cách hấp thụ ánh sáng, nước và carbon dioxide.
Lá nhân tạo có lục lạp được chiết xuất từ nhiên liệu protein trong sợi tơ. Do đó, khi được tiếp xúc với ánh sáng và nước, quá trình quang hợp và sinh oxy sẽ diễn ra bình thường. Với khả năng quang hợp, lá nhân tạo có thể được ứng dụng trong thiết kế nội thất, hệ thống thông gió ở các tòa nhà lớn, giúp bầu không khí trong lành hơn.
Ngoài lợi ích trong đời sống thực tế, các chuyên gia cho rằng lá nhân tạo có thể phù hợp với cuộc sống của phi hành gia trên vũ trụ. Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa thể khẳng định rằng cây có thể tồn tại và phát triển trong môi trường không trọng lực.
"Cơ quan Vũ trụ Hàng không Mỹ (NASA) đang tìm kiếm giải pháp nhằm tạo ra khí oxy cho các nhiệm vụ không gian trong thời gian dài. Loại nguyên liệu này có thể cho phép chúng ta khám phá lâu hơn so với khả năng hiện nay", RT dẫn lời Melchiorri cho hay.
Linh Anh