Tác hại của cách phạt bằng đòn roi hay bạo lực thể chất đối với trẻ là chủ đề được thảo luận sôi nổi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực từ hành vi la mắng trẻ vẫn chưa được quan tâm đúng mực.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Child Development gần đây, các nhà khoa học chứng minh la mắng làm gia tăng các vấn đề về hành vi và triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên.
Phụ huynh thường quát tháo khi mất bình tĩnh. Do không tự chủ, họ có thể đưa ra những bình luận có tính xúc phạm hoặc miệt thị. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của trẻ về bản thân. Nghiên cứu kéo dài hai năm đã đi đến kết luận tác hại của việc kỷ luật trẻ bằng lời nói cay nghiệt một cách thường xuyên có thể so sánh tương đương với hình phạt thể xác.
Khi bước vào lứa tuổi dậy thì, giai đoạn muốn khẳng định bản sắc riêng, trẻ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi lời nói của bố mẹ và nhiều khả năng giải tỏa tâm lý qua hành vi hung hăng, bạo lực.
Bất chấp hậu quả đáng lo ngại này, hầu hết phụ huynh không tránh khỏi phạm sai lầm. Một nghiên cứu công bố năm 2003 trên Journal of Marriage and Family chỉ ra 90% phụ huynh thừa nhận từng quát mắng con trong những năm trước đó. Trong số các gia đình có trẻ trên 7 tuổi, tỷ lệ là gần 100%.
Không chỉ gây hại, la mắng còn là một chiến lược kỷ luật kém hiệu quả. Dưới đây là một số lý do bạn nên cân nhắc trước khi to tiếng với con.
1. Bố mẹ càng la mắng, trẻ càng cư xử tệ, khiến bố mẹ la mắng nhiều hơn nữa. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn mà bạn chỉ có thể thoát ra bằng cách thiết lập những biện pháp kỷ luật thay thế.
2. Lần đầu bạn la mắng, biện pháp này có khả năng thu hút sự chú ý của trẻ. Nhưng bạn càng to tiếng, nó càng kém hiệu quả. Khi sống trong một căn nhà đầy tiếng quát tháo, trẻ sẽ quen dần và xem đó như tạp âm.
3. La mắng khiến cảm xúc của bạn trở nên tiêu cực. Đôi khi sự việc không quá nghiêm trọng nhưng việc to tiếng khiến cơn tức giận bùng nổ và khó kiểm soát. Càng to tiếng, bạn càng dễ bị kích thích để nói ra những lời không nên nói.
4. Trẻ sẽ hiểu rằng la hét là cách tốt để xử lý xung đột. Khi quát tháo, bạn đang làm gương cho con rằng đây là phương pháp đối phó với cơn giận dữ. Trẻ sẽ bắt chước hành vi của bạn khi đối xử với anh chị em hoặc bạn bè.
5. Khi la mắng, bạn không dạy trẻ điều gì ý nghĩa. Thay vì hét "Đừng làm thế nữa!", bạn nên chỉ cho trẻ biết cần phải làm gì. Trẻ cần được dạy kỹ năng giúp chúng điều chỉnh cảm xúc và quản lý hành vi để không lặp lại sai lầm tương tự.
6. Bố mẹ mất kiểm soát đồng nghĩa mất đi sự tôn trọng dành cho trẻ. Ngược lại, trẻ cũng khó tôn trọng và tin tưởng người luôn la mắng mình. Do đó, trẻ sẽ không còn để tâm đến ý kiến của bạn và không có nhu cầu làm bạn hài lòng.
Thùy Linh (theo Verywell Family)