Nhắc đến ẩm thực của người Thái ở vùng núi Tây Bắc, không thể không nhắc đến những món nước chấm lạ, hấp dẫn và mang nét đặc trưng rất riêng của họ. Có thể kể đến một số loại như sau: tương, mẳm, măng ớt, chẳm chéo.... Trong đó, chẳm chéo là một loại gia vị gần như không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái. Rất nhiều món ăn như xôi, măng, rau, thịt, cá... đều được dùng với nước chấm này.
Chế biến chẳm chéo khá đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, vài lá tỏi tươi, rau mùi, mắm, đường... và nhất là không thể thiếu bột mắc khén – loại gia vị đặc trưng của đồng bào Thái. Các nguyên liệu ớt, tỏi, lá tỏi, rau mùi rửa sạch, bằm nhỏ. Cho vào bát và trộn thật đều, đổ nước mắm vừa ngập các nguyên liệu, cho thêm đường, bột nêm, bột mắc khén cùng một chén nước lọc, dùng đũa khuấy đều, nêm lại vừa ăn là được.
Chẳm chéo thích hợp với nhiều món ăn khác nhau như xôi, thịt, cá... Nhưng thích hợp nhất và tạo sự hấp dẫn hơn cả là măng, cải bắp, cải làn luộc hay bắp cải. Bên bát chẳm chéo luôn luôn là một đĩa măng đắng hay măng lay (loại măng rừng chỉ có ở vùng Điện Biên và Sơn La, to bằng ngón tay cái người lớn) để nguyên củ, một đĩa cải làn luộc xanh mướt còn nguyên cây, một đĩa cải bắp để nguyên từng lá... Khi ăn mới dùng tay tách nhỏ mỗi thứ chấm chẳm chéo rồi thưởng thức.
Sẽ là thiếu sót nếu ăn chẳm chéo mà không thử với bắp cải cuốn nhót hay me ghém với củ đậu.... Mỗi món ăn khi ăn cùng chẳm chéo đều trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Đó là sự tổng hợp hương vị quen thuộc của món ăn khi quện với chẳm chéo thì lại có vị cay của ớt, vị nồng của tỏi, vị tê tê của mắc khén, vị ngòn ngọt của đường cùng mùi thơm của rau mùi và tỏi.
Lâu không ăn thì nhớ, ăn dần thành nghiện. Nghiện cái hương vị đặc trưng không loại nước chấm nào có và nhất là nghiện cái sự đậm đà, sự chân chất như chính những con người của núi rừng, sống với núi rừng. Vào mùa đông, bát chẳm chéo bao giờ cũng đỏ lựng ớt, nhón một chút xôi hay một miếng măng chấm vào bát chẳm chéo rồi đưa lên miệng thưởng thức, cảm nhận bao mùi vị lan tỏa nơi đầu lưỡi, xuýt xoa vì cay quá nhưng sao vẫn thấy hấp dẫn vô cùng. Cái vị cay cay, tê tê cứ dần ngấm vào mình, hơi ấm lan tỏa khắp cơ thể, xua đi cái giá rét của miền rừng núi trong những chiều đông.
Đào Tăng