Chợ Phong Lưu Khâu Vai hay còn gọi là chợ tình Khâu Vai thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, diễn ra vào ngày 27/3 Âm lịch hàng năm. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang, chợ Phong lưu Khâu Vai (dân gian còn gọi tên khác là Háng Phúng Lìu) tồn tại cách nay trên 100 năm, với huyền thoại về chuyện tình của nàng Út - người dân tộc Giáy và chàng Ba - người dân tộc Nùng.
Hai người bị ngăn cấm do những quan niệm khắt khe của dòng tộc. Khi tình yêu của họ bị phản đối quyết liệt, chàng Ba dắt nàng Út lên sườn núi Khâu Vai quyết tâm bảo vệ tình yêu. Điều đó đã khiến mâu thuẫn giữa hai tộc người trở nên gay gắt. Không cam tâm nhìn cảnh tang thương xảy ra với những người thân yêu, hai người đã gạt nước mắt chia tay, hẹn nhau hàng năm đúng ngày 27/3 Âm lịch sẽ tìm gặp tại núi Khâu Vai. Sau khi chàng Ba và nàng Út mất, người dân trong vùng đã xây miếu Ông, miếu Bà và từ năm 1919, tổ chức phiên chợ tình đúng ngày này.
Tại phiên chợ này, nhiều đôi trai gái dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã nên duyên vợ chồng.
Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo. Chợ không chỉ lưu giữ chuyện tình yêu đẹp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa mà còn là không gian văn hóa sinh động, đặc sắc, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định về việc đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng chợ Phong Lưu Khâu Vai" vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Câu 5: Tên gọi đèo Mã Pì Lèng có nghĩa là gì?