Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) hướng tới một liệu pháp nhằm tăng cường các kháng thể trong cơ thể người, thường được tạo ra khi nhiễm một căn bệnh nào đó, ví dụ như Covid-19. Các kháng thể giúp "né" được virus corona.
Nó được coi như một "lá chắn" trị liệu có thể được sản xuất hàng loạt để bảo vệ con người khỏi đại dịch Covid-19, giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho đến khi điều chế thành công vaccine. Điều này cũng làm chậm sự tiến triển của virus, góp phần giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y tế và các bệnh viện.
Các nhà khoa học sẽ tiến hành nghiên cứu mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân Covid-19 vừa khỏi bệnh. Họ phối hợp cùng các chuyên gia của Chương trình Nền tảng phòng chống đại dịch (P3) của DARPA , sắp xếp các tế bào B từ một bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Còn được gọi là tế bào lympho B, các tế bào này tạo ra kháng thể để giúp hệ thống miễn dịch gắn kết với phản ứng với nhiễm trùng.

Nhân viên phòng thí nghiệm tại Mỹ làm việc với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế Công cộng Mỹ
Nếu thành công trong việc xâu chuỗi và liên kết các tế bào B, họ hy vọng có thể tạo ra liệu pháp giúp xây dựng một "lá chắn" kháng thể sẵn sàng chống lại Covid-19 trước khi virus xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, theo Defense One, liệu pháp này có thể chỉ hữu dụng cho những người đã bị nhiễm bệnh.
Để đối mặt với tình trạng dịch bùng phát ở nhiều quốc gia, chìa khóa để giảm tỷ lệ tử vong là công tác chuẩn bị sẵn giường bệnh chăm sóc tích cực và máy thở ôxy. Số lượng bệnh nhân quá đông mà cơ sở y tế không đáp ứng kịp đồng nghĩa với nguy cơ tỷ lệ tử vong tăng cao. Nếu bất cứ nơi nào rơi vào tình trạng trên, một liệu pháp giúp kéo dài quá trình lây nhiễm để tránh quá tải là vô cùng cần thiết.
Mặt khác, liệu pháp này nếu được phát triển thành công cũng có thể gây tranh cãi. Theo Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR), lý do là bởi các liệu pháp tương tự mới chỉ được thực hiện trên hàng chục đối tượng tình nguyện trong các thử nghiệm lâm sàng, chứ chưa được tiến hành trên quy mô lớn. NPR cũng trích lời người đứng đầu Chương trình P3 khẳng định rằng, nghiên cứu này mang tính khoa học cao và quá trình đang được đẩy nhanh. Dự kiến, liệu pháp này sẽ được công bố trong 3 tháng tới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine Covid-19 sẽ sẵn sàng sau khoảng 12-18 tháng. Trong thời gian chờ đó, liệu pháp trên của DARPA được kỳ vọng có thể trở thành công cụ trong việc chống lại sự lây lan của virus ở Mỹ và thậm chí là trên toàn thế giới.
Minh Ngân (Theo Popular Mechanics)