"Hãy đào chiến hào nếu muốn sống", đó là câu mà binh sĩ Ukraine sống sót qua hơn ba năm chiến sự với Nga thường nói. Chiến hào càng sâu sẽ giúp những người trong đó tránh mảnh văng và đạn súng bắn tỉa của đối phương tốt hơn.
Yevhen, một binh sĩ Ukraine ở mặt trận miền đông, khẳng định "điều này vẫn đúng". "Chúng tôi giờ phải đào sâu, đào nhiều chiến hào hơn nữa nếu không muốn mất thêm lãnh thổ", Yevhen nhận định.
Khoảng hai tháng sau khi quân đội Ukraine phải rút khỏi Avdeevka, bỏ lại thành trì ở tỉnh Donetsk sau nhiều tháng cố thủ, họ đang gấp rút củng cố phòng tuyến trong lúc Nga tiến công trên nhiều khu vực.
Lực lượng Nga không còn càn quét trên khắp chiến trường như tháng 2/2022, thay vào đó tập trung tiến từng bước và ổn định ở miền nam và miền đông. Họ tận dụng lợi thế về đạn dược khi kho dự trữ của Ukraine cạn kiệt.
Ukraine thiếu phòng tuyến nhiều lớp và vững chãi. Đây là lý do khiến quân đội Nga có thể tiến lên vững vàng và liên tục kiểm soát thêm các khu vực có diện tích nhỏ dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đầu tháng 3 tuyên bố Ukraine sẽ xây dựng công sự dọc theo ba phòng tuyến với tổng chiều dài 2.000 km vào cuối mùa xuân. Ông Zelensky hồi cuối tháng 3 đã tới thị sát một khu vực ở phía bắc Sumy và kiểm tra tiến độ thiết lập phòng tuyến ở đây.
Nhiều người từng bày tỏ lo ngại việc Ukraine không có phòng tuyến kiên cố quanh thành trì Avdeevka. Một số chuyên gia và nhà báo Ukraine chỉ trích các lãnh đạo chính trị cùng chỉ huy quân đội Ukraine vì không chuẩn bị công sự tốt hơn cho các binh sĩ để họ rút lui khi Nga áp sát Avdeevka.
Bom lượn Nga thách thức phòng tuyến Ukraine
Valentyn Badrak, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân đội và Giải trừ Vũ khí có trụ sở tại Kiev, cho biết giới chỉ huy Ukraine "từng tin rằng hỗ trợ quân sự từ phương Tây sẽ không bao giờ dừng lại", cho phép quân đội nước này tiếp tục tiến lên. Do đó, họ cho rằng xây dựng phòng tuyến phía sau tiền tuyến là không cần thiết.
Theo Badrak, giới chức Ukraine đáng lẽ phải ra mệnh lệnh mạnh mẽ hơn về thiết lập phòng tuyến vào cuối năm 2022, thời điểm áp lực dữ dội lên Bakhmut bắt đầu. Nỗ lực cố thủ tại Bakhmut trong 10 tháng khiến Ukraine mất hàng nghìn binh sĩ giàu kinh nghiệm và tiêu tốn lượng đáng kể đạn dược.
Quân đội Ukraine từ tháng 11/2023 gấp rút xây dựng phòng tuyến mới để ngăn cản lực lượng Nga với quân số đông và trang bị tốt hơn. Một nhóm chuyên trách mới thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đang điều phối nỗ lực này.
Phòng tuyến đầu tiên gần tiền phương do các đơn vị quân đội Ukraine đảm nhận xây dựng. Phòng tuyến thứ hai và thứ ba do Cơ quan Tái thiết và Phát triển Hạ tầng Ukraine phối hợp với các nhà thầu tư nhân triển khai.
Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết Ukraine phân bổ khoảng 800 triệu USD để xây dựng phòng tuyến trong năm nay. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng chỉ diễn ra rầm rộ sau khi thượng tướng Oleksandr Syrsky trở thành Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine hồi tháng 2 và thông báo lực lượng nước này chuyển từ tấn công sang chiến lược phòng thủ chủ động.
Chiến lược này đồng nghĩa Ukraine phải tìm cách giữ vững vị trí, đồng thời thăm dò điểm yếu của đối phương, dùng tên lửa tầm xa và phương tiện không người lái để tập kích Hạm đội Biển Đen hoặc các cơ sở dầu khí nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Các quan chức phương Tây nhận định chiến lược phòng thủ chủ động sẽ giúp Ukraine xây dựng lực lượng trong năm nay và chuẩn bị cho năm 2025 khi có cơ hội phản công tốt hơn.
Tổng thống Zelensky cho biết trọng tâm của chiến lược là nỗ lực củng cố phòng tuyến ở các điểm nóng, trong đó có khu vực Avdeevka, Bakhmut và Lyman ở tỉnh Donetsk, Kupyansk ở Kharkov và làng Rabotino ở Zaporizhzhia.
Tại các khu vực này, máy xúc và công nhân Ukraine đang tất bật dựng nhiều kiểu chướng ngại vật, cài mìn để ngăn lực lượng Nga đột phá. Các khối chướng ngại vật răng rồng bằng bê tông, hào chống tăng, chiến hào ngoằn ngoèo với công sự bê tông có thể làm chậm đáng kể đà tiến của đối phương.
Yaroslav Slyesarenko, lãnh đạo cơ quan phụ trách xây dựng của tỉnh Chernihiv, cho biết họ đang xây phòng tuyến "ở những nơi mà đối phương từng tiến vào dễ dàng hồi năm 2022".
Còn Oleksandr Lomako, thị trưởng thành phố Chernihiv, nhận định điều quan trọng không chỉ là xây dựng phòng tuyến gần tiền tuyến hiện tại mà còn ở những vùng giáp biên giới với Nga.
Trong lúc lực lượng Nga đang tiến lên, nhiều quan chức và chuyên gia Ukraine lo ngại họ có thể mở đợt tiến công quy mô lớn vào cuối xuân hoặc mùa hè. Thị trưởng Lomako nói nhiều người thấy lo lắng và muốn nhanh chóng xây dựng phòng tuyến tốt hơn. "Các nhà máy bê tông của chúng tôi đang bận rộn với việc đúc chướng ngại vật".
Slyesarenko nói tỉnh Chernihiv đã nhận khoảng 20,5 triệu USD cho giai đoạn đầu của nỗ lực xây dựng phòng tuyến, dự kiến hoàn tất vào cuối mùa xuân. Ngân sách cho giai đoạn hai sẽ được phân bổ vào cuối năm và dự kiến nâng tổng số tiền dành cho phòng thủ tại tỉnh Chernihiv lên khoảng 40,7 triệu USD.
Hệ thống phòng tuyến của Ukraine tương tự những gì Nga xây dựng vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhằm ngăn chặn đợt phản công của đối phương. Chỉ sau thất bại trong nỗ lực xuyên thủng phòng tuyến Nga, "Ukraine mới được thuyết phục rằng làm điều tương tự là xứng đáng", cựu chỉ huy đại đội Ukraine Yevhen Dykyi nói.
Dmytro Lykhoviy, phát ngôn viên bộ chỉ huy miền đông của Ukraine, cho biết một số phòng tuyến đang được xây dựng ở phía tây Avdeevka, nơi binh sĩ Ukraine rút về sau khi bỏ thành trì ở tỉnh Donetsk và tìm cách bám trụ để ngăn đà tiến của Nga.
Phát ngôn viên quân đội Ukraine Illia Yevlash nói họ đang củng cố khu vực thành phố Chasov Yar, nằm ở phía tây Bakhmut. Nếu kiểm soát được Chasov Yar, lực lượng Nga sẽ có điểm tựa để tiến công các thành trì quan trọng khác của Ukraine gần đó như Konstantinovka, Slavyansk và Kramatorsk.
Ukraine vẫn hy vọng có thể ngăn đà tiến của quân đội Nga. Andriy Cherniak, quan chức thuộc Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR), nhận định dù Nga đạt những thành công gần đây trên chiến trường, nước này "chỉ đạt được lợi ích chiến thuật trên vài km mỗi ngày".
Cherniak cho biết cả quân đội Ukraine lẫn Nga đều đối mặt thách thức từ nhân lực mệt mỏi, thiếu vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định vấn đề của Nga ít nghiêm trọng hơn vì nước này vẫn chiếm thế thượng phong về cả nhân sự lẫn vũ khí so với Ukraine.
Trung tướng Oleksandr Pavliuk, tư lệnh lục quân Ukraine, cho rằng Nga "đang điều tân binh chưa qua đào tạo" tới mặt trận tây Avdeevka, khu vực Lyman và Kupyansk để áp đảo đối phương.
"Các trận đánh dữ dội diễn ra hàng ngày, song binh sĩ Ukraine vẫn cố gắng bám trụ", tướng Pavliuk nói. "Chúng tôi sẽ ổn định tình hình trong thời gian tới và làm mọi cách để giành lại thế chủ động".
Nguyễn Tiến (Theo FT, AFP, Reuters)