Đi bộ dọc Khu tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên tại Washington, Grace Jo nhớ lại kỷ niệm sâu đậm nhất về tuổi thơ ở Triều Tiên. Đói khát, cô và anh trai sốt cao, nằm bệt trên sàn nhà bê tông lạnh giá ở vùng nông thôn, thậm chí đã phải ăn sống 6 con chuột mới sinh vì quá đói, theo Reuters.
Jo hiện là công dân Mỹ. Cô tới đây năm 2008 theo diện tị nạn và là một trong khoảng 200 người Triều Tiên tái định cư ở Mỹ.
Nạn đói ở Triều Tiên trong thập niên 1990 đã ảnh hưởng sâu sắc tới gia đình Jo. Hai em trai cô chết đói. Bà nội cô cũng chết, khi ước muốn được ăn một củ khoai tây còn dang dở. Chị gái của Jo biến mất. Bố cô trốn sang Trung Quốc tìm thức ăn. Bị bắt, ông phải quay lại Triều Tiên và chết đói trong tù năm 1997.
Những người còn lại trong gia đình gặp may khi một mục sư người Mỹ gốc Hàn đã quyên tiền hối lộ các quan chức Triều Tiên để thả tự do cho họ. Năm 2008, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã đưa gia đình Jo từ Trung Quốc sang Mỹ theo diện định cư tị nạn.
Jo vừa học đại học ở bang Maryland, vừa làm trợ lý cho một phòng khám nha khoa, đồng thời giúp đỡ điều hành NKinUSSA, một tổ chức mà chị gái cô sáng lập nhằm giúp những người Triều Tiên đào tẩu.
Trong khi cả thế giới đang dồn sự chú ý vào cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Jo hy vọng những khó khăn của người dân Triều Tiên sẽ không bị bỏ quên trong chương trình nghị sự thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo.
"Dù các lãnh đạo đưa ra quyết định gì, tôi cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ đề cập đến vấn đề nhân đạo và nghĩ cho người dân Triều Tiên", Jo nói.
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump - Kim sẽ diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương chức gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo Triều Tiên.
Cuối tháng trước, Triều Tiên tuyên bố dừng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, tập trung vào "cải thiện" nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và mức sống của người dân.
Hồng Hạnh