Sáng 7/12/1996, cảnh sát thành phố Toleo, bang Ohio nhận được tin báo từ nhân viên đưa thư về tình trạng bất thường tại nhà của Gertrude Thompson (69 tuổi) và Edward Kowalczk (72 tuổi).
Cảnh sát gõ cửa trước nhưng không ai ra mở nên vòng ra cửa sau thì thấy không khóa. Bước vào trong, cảnh sát phát hiện thi thể của bà Gertrude và cụ ông Edward nằm trên phòng khách giữa đống đồ đạc ngổn ngang. Hai người đã chết được vài ngày.
Hiện trường không có dấu hiệu dùng vũ lực đột nhập, hung thủ có thể quen biết với nạn nhân nên được mở cửa cho vào. Áo khoác của Edward bị vứt gần lối đi, đế giày găm kính vỡ từ bóng đèn. Từ đó, cảnh sát nhận định Gertrude gặp nạn trước, Edward về sau, nghe thấy động nên chạy vào cứu bạn gái.
Qua giải phẫu tử thi, cảnh sát được biết hai nạn nhân tử vong do bị đánh mạnh vào đầu bằng vật tày. Dựa trên vết thương, giám định viên xác định hung khí là hai chiếc đèn pha lê nhưng hung thủ không để lại dấu vân tay. Trên thi thể bà Gertrude còn có một số vết đâm nhỏ không chí mạng, có vẻ là dấu hiệu tra tấn để biết chỗ giấu tiền.
Tại hiện trường, chuyên viên phát hiện có hai loại vết máu. Một loại có hình thuôn dài là máu bắn ra khi hung thủ vung tay đánh đập. Loại còn lại tròn xoe, gồm hai giọt dính ở mặt trong mảnh gốm vỡ, một giọt trên mảnh giấy trong ngăn kéo. Vì vết máu tròn thường xuất hiện khi rơi thẳng đứng từ trên cao xuống mặt tiếp xúc, cảnh sát nhận định kẻ gây án bị đứt tay khi cầm đèn pha lê đánh nạn nhân và sau đó đã đứng yên một chỗ để lục lọi.
Nếu động cơ là cướp tài sản, hung thủ dường như không đạt được mục đích vì quanh nhà, cảnh sát vẫn tìm được tiền mặt giấu trong những chỗ khó tìm. Tuy nhiên, người thân cho biết mặt dây chuyền vàng có hình hai con voi mà Gertrude được bố tặng từ nhỏ và luôn đeo mỗi ngày đã biến mất.
Vì mặt dây này đặc biệt, cảnh sát đăng ảnh chụp lên báo địa phương với hy vọng chủ hiệu trang sức cũ hoặc hiệu cầm đồ từng nhìn thấy món đồ tương tự. Sau nhiều ngày, cảnh sát vẫn không nhận được phản ánh của người dân.
Qua tìm hiểu, cảnh sát được biết bà Gertrude và ông Edward đã sống chung được vài năm, cùng kinh doanh cho thuê nhà trọ với khách là người thu nhập thấp và sinh viên. Gertrude được phản ánh có cá tính mạnh, thường tranh cãi với khách thuê nhà nên cảnh sát bước đầu đặt giả thuyết động cơ gây án do mâu thuẫn giữa chủ nhà trọ và khách thuê trọ.
Theo hướng này, cảnh sát phát hiện điện thoại bàn của hai nạn nhân có nhiều khách trọ để lại tin nhắn thoại, chủ yếu để phản ánh tình trạng phòng. Trong số này có một người gọi rất thường xuyên là Ethan Walls.
Khi được hỏi, Ethan nói ngày 3/12/1996 từng tới trả tiền trọ thì thấy hộp thư bên ngoài nhà hai nạn nhân đầy. Bấm chuông không ai trả lời, Ethan bỏ tiền vào phong bì, nhét vào hộp thư rồi đi về. Hai ngày sau, Ethan quay lại lấy tiền đem tiêu. Lời khai này khiến cảnh sát nghi ngờ Ethan vì anh ta đã có mặt tại hiện trường hai lần trong khoảng thời gian xảy ra án mạng.
Một vài ngày sau, một phụ nữ gọi điện báo tin trông thấy Ethan đi chơi tiệc tại nhà kẻ bán ma túy trong khoảng thời gian án mạng xảy ra, trên người mặc chiếc áo dính máu. Lời khai của người phụ nữ này được cảnh sát cho là đáng tin sau khi chị ta vượt qua bài kiểm tra nói dối. Ethan bị bắt giữ vào tháng 4/1997.
Khám nhà Ethan, cảnh sát thu giữ mọi con dao trong nhà mang đi giám định nhưng không thấy có vết máu. Đế giày của Ethan cũng không trùng khớp với dấu giày dính máu tại hiện trường.
Cảnh sát tiếp tục đối chiếu ADN của Ethan với ba giọt máu khả nghi tại hiện trường nhưng cả hai không trùng khớp. Dù vậy, cảnh sát vẫn không loại Ethan khỏi diện tình nghi vì cho rằng có thể có hai hung thủ gây án.
Tuy nhiên, ngay trước khi Ethan bị đưa ra xét xử, người phụ nữ tại bữa tiệc thừa nhận đã nói dối và không muốn làm chứng buộc tội Ethan. Tuy vậy, chị ta không nói rõ lý do nói dối. Cuối cùng, Ethan được trả tự do vì không đủ chứng cứ.
Hai năm tiếp theo, cuộc điều tra vụ án mạng của Gertrude và Edward vẫn diễn ra nhưng không có tiến triển.
Tháng 7/1998, cảnh sát nhận được tin báo từ một chủ hiệu cầm đồ. Người này kể trong lúc dọn dẹp đã lấy ngẫu nhiên tờ báo ra đọc và nhìn thấy mẩu tin về vụ án mạng cùng mặt dây chuyền vàng hình hai con voi. Trong két sắt cửa hàng của người này có món đồ tương tự.
Biết tin, cảnh sát tới gặp chủ cửa hàng cầm đồ và xác nhận đây là mặt dây chuyền cần tìm. Theo sổ sách giao dịch, cảnh sát được biết mặt dây chuyền này được cầm đồ với giá 20 USD, do một nam giới tên Gordy Candie mang tới vào ngày 3/12/1996, bốn ngày trước khi thi thể được phát hiện.
Gặp cảnh sát, Gordy khai không biết nguồn gốc món đồ và chỉ được người tên James Jordan nhờ mang đi cầm hộ, tiền thu được chia đôi. Gordy không còn gặp lại James từ lúc ấy.
Qua tìm hiểu, cảnh sát được biết trong năm 1992-1996, James là thợ sửa chữa vặt cho hai nạn nhân. Vài tuần sau án mạng, James thực hiện vụ cướp và phải ở tù từ đó tới nay.
Gặp cảnh sát, James phủ nhận giết người. Tuy nhiên, kết quả giám định ADN cho thấy vết máu trên mảnh gốm sứ vỡ và trong ngăn kéo tại hiện trường thuộc về James. Hắn ta bị khởi tố về tội Giết người vào tháng 10/1998.
Công tố viên cáo buộc động cơ giết người là cướp tài sản. Do quen biết, James được nạn nhân mở cửa cho vào nên không có dấu vết phá cửa. Hắn ta dùng đèn bàn pha lê giết hại hai nạn nhân nên bị đứt tay, máu nhỏ giọt tại hiện trường.
Tại tòa, James từ chối quyền có luật sư và tự bào chữa. Để giải thích cho vết máu, James cho rằng có thể trong một số lần chuyển đồ cho nạn nhân đã bị đứt tay và phải lục ngăn kéo vì đây là nơi nạn nhân cất bông băng y tế. James còn nói có mặt dây chuyền vì đây là thù lao mà Gertrude trả công cho mình.
Tuy vậy, lập luận của James không thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Hắn bị kết án Giết người có tình tiết nghiêm trọng vào năm 2000 và lãnh án tử hình. Năm 2004, James chết trong tù vì suy thận chỉ một tháng sau khi bị bác kháng cáo. Người thân không nhận thi thể của James.
Quốc Đạt (Theo Toledo Blade, Findlaw, Filmrise)