Sách là tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận, nối tiếp loạt sách như Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập), Hồn đô thị, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ. Tiếp tục khai thác đề tài đô thị, ông tập trung vào một khu vực đặc thù là Chợ Lớn.
Không chỉ khái quát toàn cảnh lịch sử hình thành và phát triển, sách khắc họa đời sống thường nhật, văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Hoa qua nhiều thế hệ nơi đây. Từng trang sách tái hiện không gian nhộn nhịp của những con hẻm, gánh hàng rong, quán ăn với hương vị thơm lừng, và cả những con người làm nên linh hồn vùng đất này.
Tác giả ghi chép lại quá trình tìm hiểu, tiếp xúc với cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Những mẩu chuyện đời thường tạo nên góc nhìn toàn cảnh về cuộc sống thị dân, từ những người buôn bán nhỏ lẻ, lao động chân tay đến các tri thức, nghệ sĩ, doanh nhân.
Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của vùng đất. Tác giả giới thiệu những món đặc trưng của đường phố, như bột chiên, bánh hẹ, chè, hay những món cầu kỳ, tinh tế trong các hàng quán sang trọng, như nhà hàng Ái Huê Đệ Nhất Tửu Lâu, Bách Hỉ.
Tác giả giải thích những khác biệt trong văn hóa của các nhóm người Hoa, như người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, người Hẹ, giúp độc giả có cái nhìn cụ thể hơn về văn hóa Chợ Lớn.
Sách còn nói về sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa. Phạm Công Luận cho rằng quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, hài hòa, làm phong phú thêm đời sống của cả hai cộng đồng. Tác giả chỉ ra những điểm tương đồng, khác biệt, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng, học hỏi lẫn nhau.
Chẳng hạn, ở phần Những từ ngữ nổi trôi, ông viết: "Đến giờ, tôi vẫn thấy khi nói thằng 'phì lũ' sướng hơn là gọi thằng mập hay thằng béo, 'láng coóng' nghe đã hơn sáng trưng. Những từ gọi tên món ăn như phá lấu, há cảo, hoành thánh, xí quách... thì không từ tiếng Việt nào thay thế được, vì nó đã được dung nạp vào tiếng Việt, trong ngôn ngữ nói của người Việt miền Nam. Khi nhắc đến những từ này, không ai nghĩ mình đang nói tiếng Hoa...".
Ở phần Rẫy Tiều, tác giả viết về thói quen chăm chỉ lao động của người dân: "Kinh Tàu Hủ có một nhánh phía bên phải ngả sang khu vực nay là bệnh viện Chợ Rẫy tạo thành một vùng lầy lội. Tại vùng này, người Tiều nghèo khổ đã tận dụng những khoảnh đất cao để trồng rau làm rẫy. Nhờ tính cần cù của họ, vùng đất lầy lội này được cải tạo thành một khu trồng rau lớn cung cấp rau xanh cho cả Chợ Lớn và Bến Nghé...".
Tác giả Phạm Công Luận, 64 tuổi, sinh ở TP HCM. Ông là tác giả nhiều cuốn sách như Những sắc màu Nhật Bản, Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy), Chú bé Thất Sơn, Đường phượng bay. Không chỉ nổi bật ở thể loại tản văn, Phạm Công Luận còn mang đến nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký như Sài Gòn - Chuyện đời của phố (2014), Sài Gòn Phong vị báo xuân xưa (2018), Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm (2021), Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (2022, in chung với tranh của họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm).
Mai Nhật