Ngày 29/4, thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Giang Văn Thành trở về thành cổ Quảng Trị sau 50 năm cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành. Đi thăm từng địa danh, ông Thành, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 6, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, lại nhớ về những ngày khói lửa năm 1972.
Sau khi bị mất căn cứ chiến lược tại Quảng Trị ngày 1/5/1972, nguy cơ mất tiếp tỉnh Thừa Thiên, đổ vỡ kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ bổ sung khí tài để quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công chiếm lại Quảng Trị, đặc biệt là thành cổ. Địa bàn này có vai trò quan trọng về mặt chính trị, ngoại giao, tác động trực tiếp tới vị thế các bên trong cuộc đàm phán ở Paris.
Để bảo vệ thị xã và thành cổ Quảng Trị, Sư đoàn 320B gồm trung đoàn 27, 64, 182; các tiểu đoàn 14, 47 địa phương ở hướng đông có nhiệm vụ tiêu hao, ngăn chặn quân Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa từ Thanh Hương, Mỹ Chánh tiến theo đường 68 và từ biển đổ bộ vào, bảo vệ huyện Hải Lăng. Giữ được Hải Lăng cũng có nghĩa là bảo vệ cho thị xã và thành cổ Quảng Trị, giảm áp lực cho các cánh quân đang chốt giữ phía trong.
Ngoài bố trí trận địa trấn giữ quanh thị xã Quảng Trị và các cứ điểm quan trọng, ông Thành nói việc tổ chức lực lượng luồn phía sau, tập kích đối phương là cách đánh sáng tạo, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh lực lượng hai bên không cân sức. Tổng lực lượng đánh chiếm Quảng Trị lúc đó của Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hoa tới 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn xe tăng và nhiều đơn vị công binh, không quân, hải quân.
Ông Thành nhớ mãi trận đánh ngày 13/7. Lúc 18h, từ chợ Sãi (xã Triệu Thành, Triệu Phong), ông Thành cùng đồng đội mang theo khẩu súng chống tăng B41, 4 súng tiểu liên AK, lựu đạn, tiếp cận sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến tại làng Bích La Hậu (xã Triệu Tài).
Nhiều tiếng luồn lách giữa đồng không trống trải, trốn tai mắt của đối phương, đến 3h sáng 14/7, tiểu đội tìm đúng mục tiêu. Nắm chắc đối phương đang ở trong ngôi nhà mái bằng và các nhà bên cạnh, 3 quả đạn B41 được bắn vào mục tiêu, theo sau là loạt lựu đạn, súng AK. Hoàn thành nhiệm vụ, tiểu đội nhanh chóng men theo sông Vĩnh Định rồi trở về điểm tập kết an toàn.
Bị bất ngờ, đối phương không kịp phản công. Đài kỹ thuật sau đó thông báo cuộc tập kích thắng lợi, hạ 23 binh lính đối phương, làm bị thương 7 tên, trong đó có tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó. Trận đánh này đã phá vỡ ý đồ tấn công vào đông bắc thành cổ ngày 14/7 của quân lực Việt Nam Cộng hòa.
"Từ thắng lợi này, Trung đoàn 64 thường tổ chức lực lượng nhỏ trang bị gọn nhẹ luồn sâu, tập kích vào đội hình phía sau quân địch, bảo vệ trận địa chốt rất hiệu quả", tướng Thành nói. Sau các trận đánh luồn sâu này, bộ đội còn thu giữ nhiều chiến lợi phẩm, vốn rất có ý nghĩa trong bối cảnh các đường tiếp tế bị hạn chế do quân Mỹ liên tục rải bom B52.
Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân lực Việt Nam Cộng hòa với sự hậu thuẫn của Mỹ đã giành giật từng mô đất, từng bức tường, góc phố ở thành cổ và thị xã Quảng Trị. Tổng cộng Mỹ đã rải 328.000 tấn bom đạn xuống thành cổ và thị xã Quảng Trị, khiến nhà cửa tan nát, cây cối bị phạt phăng.
Trong bối cảnh không cân sức, bộ đội thương vong nhiều, ngày 16/9/1972, quân giải phóng rút khỏi thành cổ, chấm dứt cuộc chiến 81 ngày đêm, hình thành tuyến phòng ngự mới về phía bắc thành cổ.
Đơn vị ông Thành về trấn giữ "chốt thép Long Quang" (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong). Khu vực này án ngữ trục đường từ thành cổ xuống biển Cửa Việt, ngăn không cho đối phương tiến công đánh chiếm về khu vực biển Cửa Việt.
Khác với thành cổ chật hẹp, phải đánh giáp lá cà, địa hình nơi đây trống trải, chỉ có đụn cát và những bụi cây lúp xúp, thưa thớt. Học tập hệ thống giao thông hào ở huyện Vĩnh Linh, đơn vị ông Thành xây dựng công sự, hầm hào kiên cố, liên hoàn từ phía trước về phía sau.
Nhờ hệ thống này, ngày 27/1/1973, hai tiểu đoàn đặc nhiệm với hơn 30 xe tăng, xe bọc thép của quân lực Việt Nam Cộng hòa liên tục đánh vào trận địa, nhưng bị chặn trước chốt Long Quang. Trong 4 tháng mùa mưa, các đơn vị vừa kết hợp phòng ngự trận địa, vừa luồn sâu tập kích vào ban đêm.
Tại hội thảo "Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển" ngày 29/4, thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, đánh giá thắng lợi trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, tác động đến tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Nhiều bài học quý báu đã được đúc rút, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Về phía ông Thành, hòa bình lập lại, năm nào ông cũng vào Quảng Trị rất nhiều lần, cùng đồng đội làm nhà bia ghi danh 700 liệt sĩ ở thôn Phương Lang (xã Hải Ba, Hải Lăng). "Các gia đình liệt sĩ, nhất là những thân nhân chưa tìm được phần mộ rất xúc động khi vào thăm bia ghi danh. Đây là nơi để họ có thể thắp hương, tưởng nhớ người thân", ông nói.