Ngày 30/12, Thượng tướng Võ Văn Tuấn (nguyên Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) đến dự tọa đàm "70 năm hợp tác đào tạo Việt Nam - Liên Xô/Liên Bang Nga: Dấu ấn vượt thời gian" với một lẵng hoa cẩm chướng 48 bông.
Trao tặng hoa cho anh hùng Phạm Tuân, ông Tuấn nói, theo văn hóa của Liên Xô, cẩm chướng tượng trưng cho chiến thắng, và đây là hoa chúc mừng đàn anh - người đã điều khiển máy bay MiG-21, vũ khí của Liên Xô bắn rơi một máy bay B-52 trên vùng trời Hà Nội 48 năm trước.
"Nếu không có sự chí tình, chí nghĩa của những người thầy Liên Xô, sẽ không có những lớp phi công quân sự trở về phục vụ đất nước trong những năm tháng chiến tranh", Trung tướng Phạm Tuân nói.
Năm 1956, Việt Nam bắt đầu gửi lớp phi công đầu tiên sang Liên Xô học tập, chủ yếu là máy bay vận tải; năm 1961 gửi học viên sang học phi công chiến đấu. Trong 10 năm từ 1961-1972, Việt Nam gửi trên 1.000 cán bộ chuyên môn kỹ thuật sang đào tạo ở Liên Xô; trong đó 447 là phi công, 220 người tốt nghiệp phi công chiến đấu, còn lại là phi công phản lực và MiG-21.
"Đất nước còn chiến tranh nên đầu vào của chúng ta rất khó khăn, cả về trình độ văn hoá, kỹ thuật, thể trạng con người. Ngoài ý chí, tất cả tiêu chí khác đều kém so với nước khác", Trung tướng Phạm Tuân nói và cho biết, đa số phi công được gửi đi mới học xong lớp 7-8, số ít hết lớp 10 (hệ 10/10). Nhưng bằng lòng nhiệt tình, bằng tình cảm đặc biệt với Việt Nam, những người thầy Liên Xô đã tận tâm chỉ bảo, rèn giũa, giúp họ từng bước làm chủ bầu trời.
Từ tháng 2/1965, các chuyên gia Liên Xô còn sang Việt Nam, cùng phi công Việt lắp ráp máy bay, bay thử và huấn luyện chiến đấu. Những bài bay khó nhất ở các độ cao, mọi điều kiện thời tiết, ban ngày, ban đêm đều được họ truyền lại.
Dưới mưa bom bão đạn, ăn uống thiếu thốn, những vị chuyên gia Quân sự vẫn cùng bộ đội sửa chữa, hồi phục máy bay sau từng trận đánh. Một số người bay kèm phi công Việt Nam đã hi sinh, có người đến nay vẫn chưa tìm thấy.
"Mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô đặc biệt không chỉ vật chất, tinh thần mà tình cảm hết sức sâu sắc. Đến bây giờ, nửa thế kỷ trôi qua, chúng tôi vẫn không thể nào quên", Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Có 8 năm gắn bó với đất nước và con người Liên Xô với hai lần học cơ bản, ba lần học bay chuyển loại, Thượng tướng Võ Văn Tuấn không bao giờ quên được người thầy dạy bay đầu tiên - thầy Mikhail Fransevich Skuratovich.
Được cử đi đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện Không quân Liên Xô năm 1976, ấn tượng của Võ Văn Tuấn về thầy Skuratovich là người đôn hậu nhưng nóng tính. Thầy thường nghiêm khắc la mắng học trò mỗi khi thực hiện không đúng các thao tác kỹ thuật. Nhưng thuốc đắng dã tật, nhờ sự nghiêm khắc đó, các học viên Việt Nam đã tiến bộ nhanh chóng.
Võ Văn Tuấn và Lê Văn Phương là hai học viên được thầy tin tưởng cho thực hiện chuyến bay đơn đầu tiên của khóa học. Ngoài đáp ứng về trình độ, học viên được phép bay đơn phải vượt qua được tâm lý lo sợ do lần đầu tiên bay một mình trên bầu trời mà không có thầy giáo bên cạnh.
"Kết thúc thành công mỗi chuyến bay đơn, trong khi học viên các nước có quà tặng thầy giáo, thì những người lính nghèo Việt Nam tự tay làm một số món ăn truyền thống của quê hương như nem rán, mời thầy đến phòng ăn cơm để tỏ lòng biết ơn", Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể. Nhờ những bữa cơm ấm cúng, tình cảm thầy trò ngày càng khăng khít hơn.
Năm 1995, Võ Văn Tuấn là một trong sáu phi công đầu tiên được cử sang Liên Bang Nga huấn luyện chuyển loại Su-27. Đoàn được các thầy giáo phi công thử nghiệm của Liên Xô huấn luyện, như Anh hùng Liên Xô Viktor Pugachev, Anh hùng Liên bang Nga Sergey Melnikov, Vyacheslav Averyanov.
"Bay với các phi công thử nghiệm là diễm phúc của chúng tôi, là sự ưu ái mà nước bạn dành cho Việt Nam bởi đó là những phi công dày dạn kinh nghiệm bay thực tế, đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm đầy mạo hiểm", Tướng Võ Tuấn nói. Không chỉ truyền đạt kiến thức, họ còn giúp phi công Việt Nam có được những phương án xử lý tình huống sẽ gặp trong thực tế.
Khi Võ Văn Tuấn hoàn thành khóa học, trở về làm nhiệm vụ tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận), các thầy cũng về cùng, tham gia huấn luyện chuyển loại cho lớp phi công sau. Đi theo thầy Vyacheslav Averyanov là cậu con trai chừng 10 tuổi.
"Cậu ấy và con trai tôi thường chơi với nhau, cùng hẹn khi lớn lên sẽ làm phi công để được bay trên bầu trời giống cha mình. Lời hẹn của hai đứa trẻ đã trở thành hiện thực", Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể, cho biết con trai ông là Võ Tuấn Dũng đã là cơ trưởng trẻ nhất Vietnam Airlines khi mới 25 tuổi (năm 2011), còn con trai thầy Vyacheslav Averyanov là phi công thử nghiệm trong phi đội Su-30 mang tên "Hiệp sĩ Nga".
Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, thì khẳng định, các thành tích của Quân chủng Hải quân từ chiến thắng trận đầu cho đến gần đây đều có sự đóng góp quan trọng của hợp tác đào tạo cán bộ với Hải quân Liên Xô/ Liên Bang Nga.
Từ năm 1956, Liên Xô đã giúp Hải quân Việt Nam đào tạo khung cán bộ tàu phóng lôi. Phiên hiệu đoàn 140 gồm hơn 100 người sang Liên Xô học tập trở về là lực lượng nòng cốt của phân độ 3, tiểu đoàn 135 tham gia đánh tàu Maddox làm nên chiến thắng trận đầu của Hải quân năm 1964.
Hơn nửa thế kỷ qua, Liên Xô/Liên bang Nga đã đào tạo hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và cử chuyên gia sang giúp Hải quân Việt Nam. Các lĩnh vực đào tạo đa loại hình, từ ngắn hạn, dài hạn, nghiên cứu sinh đến thực tập sinh, về lĩnh vực tàu nổi, tàu ngầm, không quân Hải quân đến các chuyên ngành hẹp như tên lửa, radar, sona, khí tài điện tử...
Theo Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đội ngũ cán bộ Hải quân được đào tạo ở Liên Xô/Liên Bang Nga đều được tiếp cận những kiến thức hiện đại, trở về công tác tốt, giữ vị trí chủ chốt trong Quân chủng. Hải quân hai nước cũng đã phối hợp xây dựng chiến lược hợp tác đến 2030 và tầm nhìn 2045.
"Ấn tượng in sâu trong tôi là tình cảm của người Nga đôn hậu, trách nhiệm, thầy cô luôn tận tâm, tận lực, coi học viên như con. Khi là Đoàn trưởng học viên theo học tại nước bạn, thầy hiệu trưởng có nói với tôi rằng trường luôn chọn thầy cô tốt nhất, dành điều kiện tốt nhất cho học viên Việt Nam, để các em về bảo vệ Tổ quốc", Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà kể.
Bà Nguyễn Thị Thu Đạt - Giám đốc Phân viện Puskin tại Việt Nam, cho hay trong các nhà trường Quân đội đang có khoảng 70 giáo viên tiếng Nga. Ngoài ra, hiện nay mỗi năm Nga dành 1.000 suất học bổng cho học viên Việt Nam, trong đó nhiều học bổng được dành cho Quân đội và Công an đào tạo cán bộ.