Thứ tư, 14/9/2022, 00:00 (GMT+7)

Ký ức về đội cứu hoả dập vụ cháy 2.000 tấn 'thuốc nổ' ở cảng Hải Phòng

Năm 1968, để cứu Hải Phòng khỏi vụ nổ 2.000 tấn phân đạm có nguy cơ "san phẳng" 1/3 thành phố, hai cảnh sát cứu hỏa đã ngã xuống, hàng chục người lính bị thương.

Khoảng 21h30 ngày 5/8/1968, oi bức bao phủ thành phố cảng Hải Phòng, tiểu đội trưởng Nguyễn Mạnh Cường cùng 5 anh em ở Phân đội Cứu hỏa đang hóng mát trên sân thượng của trụ sở làm việc thì chuông điện reng reng inh ỏi, đèn báo động đỏ rực sáng giữa sân. Tin gấp báo về: Có tàu hàng của Liên Xô đang cháy ngoài cảng.

Chưa đến một phút sau, hơn 20 người lính nhanh chóng tập hợp ở sân, trong đó có cả tiểu đội của Cường. "Hôm nay các cậu có phải trực đâu", Đội trưởng Nguyễn Đình Thành quay sang hỏi. Ông Cường đáp: "Bọn em ở nhà nóng ruột, xin phép đi hỗ trợ anh em". Ba chiếc xe hú còi băng màn đêm, lao ra cổng.

Lực lượng cứu hỏa Hải Phòng trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, năm 1966.

Cảng Hải Phòng cách đó chưa đến một km, bên kia đường Hoàng Diệu. Bên này đường, cả khu dân cư đã chìm vào giấc ngủ. Khi xe chưa kịp dừng, những người lính cứu hoả lập tức nhận ra sự bất thường.

"Trước mắt chúng tôi khi ấy là cột khói như cái nấm khổng lồ màu nâu, bốc cuồn cuộn. Mùi khói vừa tanh vừa hắc. Tôi còn tưởng đó là mùi máu trong họng mình, tìm chỗ sáng để cố khạc ra nhưng vẫn thấy nước bọt mình màu trắng. Lúc đó, tôi mới vỡ lẽ, cột khói kia chắc chắn là từ một chất độc khủng khiếp", ông Cường chia sẻ với VnExpress, 54 năm sau sự kiện năm ấy.

Sau khi tiến sát hiện trường, ông Cường nhận ra hàng chục thủy thủ Liên Xô đang nằm la liệt dưới đất, một số ngất xỉu.

"Những người còn khỏe mạnh chạy lại chỗ chúng tôi, ra sức can ngăn, xua tay. Tôi không biết họ nói gì, nhưng hiểu là khuyên đi về", Thượng tá Lê Văn Lưu, 73 tuổi, hồi tưởng.

"Nhưng lính cứu hoả thấy đám cháy lại quay ra thì vô lý. Chúng tôi cứ ùa vào", ông Lưu kể.

Tàu Alexander Grin trong trận hỏa hoạn ngày 6/8/1968.

Lịch sử lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Hải Phòng, giai đoạn 1955-1975, ghi tàu Alexander Grin cập cảng Hải Phòng với 6.500 tấn hàng viện trợ cho Việt Nam, trong số đó có hơn 2.000 tấn phân đạm, amoni nitrat. "Nếu tàu nổ, 1/3 nội thành Hải Phòng sẽ bị đổ sập, tràn ngập khói độc", cuốn sách nêu lo ngại của một số chuyên gia.

Theo phân loại của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), amoni nitrat (NH₄NO₃) là "vật liệu giàu năng lượng" có thể tự tạo nhiệt và bốc cháy, sản sinh ra oxy khiến hỏa hoạn càng lan rộng. Đây cũng là thành phần chính của chất nổ công nghiệp, dùng trong khai mỏ, phá đá và xây dựng.

"Thực tế chứng minh, trong những vụ nổ liên quan amoni nitrat, mọi nỗ lực cứu chữa là bất khả thi", đại tá Phạm Gia Dân, cựu Trưởng phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC& CNCH) TP Hải Phòng, người lính cứu hoả năm xưa tham gia chữa cháy tàu Alexander Grin, nhận định.

Theo gợi ý của thuyền trưởng phía Liên Xô khi đó, lựa chọn khả thi nhất là kéo con tàu ra biển, xa Hải Phòng nhất có thể, để giảm thiệt hại người và tài sản, và chịu mất toàn bộ hàng hóa.

"Lựa chọn đó không nằm trong dự liệu của anh em cứu hỏa. Chúng tôi muốn cả con tàu và Hải Phòng đều bình an vô sự. Nhưng đây gần như một 'kế hoạch điên rồ'", ông Dân kể.

Cuộc chữa cháy tàu Alexander Grin tháng 8/1968. Video: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Hải Phòng
 
 
Cuộc chữa cháy tàu Alexander Grin tháng 8/1968.

"Vòi cứu hỏa rất mạnh, thêm áp suất nước lớn, nếu không giữ chặt và không có người đứng đỡ phía sau, nước phun ra có thể quật ngã người điều khiển. Do đó, anh Thành giao ba tiểu đội chọn 6 người khỏe mạnh nhất để giữ ba vòi này, và 6 người khác đứng đỡ phía sau", ông Ngô Thanh Xuân, người được phân công cùng ông Lưu điều khiển vòi cứu hỏa đêm đó nhớ lại.

Họ chạy men theo thành tàu, giữ chặt vòi đang bơm nước từ sông Cấm, chĩa thẳng xuống tàu, nơi cột khói lớn nhất đang bốc lên.

Những người còn lại chạy sang trợ giúp phía thủy thủ đoàn Alexander Grin, vừa cứu hỏa vừa khiêng những người bị thương ra khu vực an toàn.

Cả 3 phân đội cứu hỏa còn lại của Hải Phòng đang đóng ở Cát Cụt, Thuỷ Nguyên và Kiến An cũng lập tức được huy động đến, khoảng 50 người.

Được nửa giờ, khi đã dồn lực cùng lực lượng của Liên Xô phun nước dập lửa, thấy tình hình không thuyên giảm, Đội trưởng Thành nóng ruột quay sang bảo ông Cường ròng dây cứu hộ. "Tớ với Thịnh sẽ xuống hầm tàu trinh sát, chứ cứ tù mù chữa trên đây không biết thế nào. Trên này có gì, hoặc dưới kia sao, tớ sẽ giật dây, cậu kéo tớ lên", ông Cường kể lại cuộc trao đổi của ông Thành.

Chưa nói dứt câu, ông Thành leo lên thành tàu, móc sợi dây cứu hộ vào lưng rồi lấy đà nhảy xuống. Ông Cường tần ngần mất nửa phút, nhìn cuộn dây bị kéo tuột xuống hơn 10 mét mới dừng. Ông ước chừng, từ chỗ mình tới chỗ ông Thành, khoảng cách bằng ngôi nhà ba tầng.

Hơn 23h, con tàu vẫn chìm trong khói. Những chiếc mặt nạ dưỡng khí bắt đầu cạn oxy. Hàng chục lính cứu hỏa phía Việt Nam bắt đầu "mặt trần, tay bo" đối mặt với khói lửa. Phía Liên Xô, hơn 30 người ngất xỉu, được chở vào bệnh viện.

Video bài chữa cháy Hải Phòng
 
 

Khi này, đến lượt ông Cường nóng ruột. Đã hơn 20 phút trôi qua không thấy sợi dây trong tay động đậy, ông lo lắng nên bảo anh em dồn sức kéo Đội trưởng Thành và Thịnh lên.

Khuôn mặt đã đen kịt ám khói, da bắt đầu tái nhợt, ông Thành thều thào nói với đồng đội: "Bên dưới hàng còn đầy, mà cháy như đống trấu". Sau khi cùng ông Thịnh cố gắng khoanh vùng xác định cho đồng đội vị trí hầm tàu đang cháy mạnh nhất, ông Thành lết người, ngồi tựa lưng vào cột điện.

"Anh ấy vẫy tôi lại, bảo thay mặt chỉ huy chữa cháy. Tôi hứa 'anh cứ yên tâm, chúng em sẽ hoàn thành nhiệm vụ'. Anh ấy nghe xong, chạm nhẹ vào tay tôi hai lần, rồi ngất đi", ông Cường vừa khóc vừa kể.

Khi vị đội trưởng được đưa ra xe cứu thương, ông Cường mới về vị trí "chiến đấu" mà không biết đó là cuộc trò chuyện cuối cùng.

"Cuộc chiến" với lửa kéo vẫn tiếp tục. Trong ánh đèn vàng mờ mờ, tiếng còi tàu cứu hộ, tiếng những vòi phun nước, tiếng nổ máy của hơn chục chiếc xe cứu hoả đang bơm nước đã át hết tiếng người nói. Ông Dân kể khi đó mới 18 tuổi, nặng chưa đến 50 kg, nhưng chạy như con thoi ôm dụng cụ để vá những đoạn ống cứu hỏa đang rò nước, được chỗ này thì chỗ kia lại rách.

Toàn thân rã rời, lồng ngực đã thở ngày một nặng nề và bàn tay rớm máu, nhưng họ biết cột khói trên tàu đang thu nhỏ dần. Càng về cuối, nồng độ của hơi độc càng đậm đặc. Những người lính tuổi đôi mươi bắt đầu thấy ngực tức, đầu óc choáng váng.

Gần 5h ngày 6/8/1968, đám cháy được dập sau hơn 8 tiếng. Khi tiếng Đài phát thanh Hải Phòng bắt đầu phát đi bài hát quen thuộc khắp các phố phường: "Khi xuân sang trên bến cảng/Đàn hải âu tung cánh bay rợp trời...", các cảnh sát cứu hỏa sau ít phút nằm vật xuống đất để nghỉ đã lập tức thu dọn đồ, chất lên xe về đơn vị.

Người dân đất Cảng bắt đầu một ngày mới như bao ngày, không biết rằng thành phố thân yêu vừa thoát nguy cơ bị "san phẳng" trong gang tấc. Cả Hải Phòng và tàu hàng đều "bình yên".

"Một lúc sau, thành phố cử một xe lớn chở bánh trứng đến bồi dưỡng, chúng tôi mới nhớ ra là đang rất đói", ông Cường kể.

Nghe tiếng nhắc "để phần anh Thành, anh Thịnh một ít nhá", ông liền chạy vào phòng lấy hai mũ sắt, bốc đầy bánh rồi đặt ở đầu giường hai người đang vắng mặt.

Chỉ khi vào bệnh viện khám sức khỏe sáng hôm đó, các đồng đội được thông báo cảnh sát Thành và Thịnh đã hy sinh trên đường đi cấp cứu.

Ba chục cảnh sát tham gia chữa cháy đều được chẩn đoán nhiễm độc máu nặng. Ông Xuân và ông Lưu ngất ngay sau khi hỏa hoạn được chế ngự, là hai trường hợp nguy kịch nhất. Hai ông được đưa lên tàu hỏa về Hà Nội, điều trị lọc máu tại Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức), hơn 10 ngày sau mới tỉnh lại.

"Ngày đưa tang hai anh, Hải Phòng mưa tầm tã", ông Cường ngậm ngùi.

Những người lính cứu hỏa sau "trận chiến lịch sử" này có người ở lại với "mặt trận khói lửa" đến lúc về hưu, có người làm nhiệm vụ khác trong ngành công an. Nhưng vào tháng 8 hằng năm, họ đều hẹn gặp lại nhau trong chuyến thăm mộ hai đồng đội.

Bốn cựu lính cứu hỏa trong "trận chiến" cứu tàu Alexander Grin tại Phòng truyền thống lực lượng PCCC& CNCH TP Hải Phòng. Từ trái qua: ông Phạm Gia Dân, ông Ngô Thanh Xuân, ông Nguyễn Mạnh Cường và ông Lê Văn Lưu.

"Chiến công này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, ngoại giao, mà còn là bài học về ý chí, nghị lực, lòng yêu nghề và bài học nghiệp vụ mà những thế hệ chiến sĩ trong ngành còn được học đi học lại nhiều năm nữa", Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng PCCC và CNCH thành phố Hải Phòng, chia sẻ.

Cuộc chữa cháy có sự chung tay của 142 thủy thủ Liên Xô, đại diện Đại sứ quán và Cơ quan Thương mại nước này. 60 người trong số này bị ngộ độc khí, 5 người hy sinh tại bệnh viện vào hôm sau. Những thủy thủ này sau đó đều được phía Liên Xô trao tặng huân, huy chương. Tên của thuyền trưởng Valentin Khutorsky đã được đặt cho một con tàu mới của Liên Xô, sau này cũng thực hiện nhiều chuyến chở hàng hóa viện trợ đến Việt Nam.

Lịch sử thế giới ghi nhận nhiều "thảm họa" từ các vụ nổ amoni nitrat, không loại trừ các nước siêu cường. Ngày 21/9/1921, vụ nổ phân bón nitrat tại nhà máy Oppau ở Đức tạo thành một miệng núi lửa rộng 125 m, sâu 19 m, tiếng nổ có thể được nghe cách đó hơn 300 km. 565 người chết, 80% nhà cửa của thành phố bị san bằng khiến 6.500 người Oppau thành vô gia cư.

Năm 1994, nước Mỹ suy sụp trước vụ nổ tàu hàng Grandcamp chứa lượng amoni nitrat tương đương tàu Alexander Grin, hơn 2.000 tấn. Tài liệu thư viện lịch sử Texas ghi nhận, vụ nổ gây thiệt hại bán kính trên 5 km. Với gần 600 người chết, hơn 5.000 người bị thương và tổng thiệt hại tài sản ước tính 5 tỷ USD ngày nay - tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Gần nhất, năm 2020, vụ nổ amoni nitrat trong kho chứa tại cảng Beirut, Lebanon khiến hơn 300 người chết và 6.000 người bị thương.

Hơn nửa thế kỷ sau vụ cháy ở Hải Phòng, bốn người lính cứu hỏa năm xưa đã gặp mặt trong phòng truyền thống của lực lượng công an PCCC& CNCH thành phố. Đứng trước những tấm di ảnh đồng đội, nhớ về trận chiến lịch sử của mình thời đôi mươi, ai cũng ngấn lệ.

"Ngày đó, nếu biết đó là tàu chở amoni nitrat, các bác có lao vào không, trước câu hỏi này, bốn người cựu lính cứu hỏa không chần chừ đáp: "Không cần biết. Là gì thì chúng tôi cũng "chiến đấu" hết sức mình để bảo vệ thành phố".

Thanh Lam - Phạm Dự

Ảnh, video tư liệu: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH TP Hải Phòng