Trong chương trình diễn tối 4/11, đa số khán giả thuộc lứa tuổi trung niên, có người diện áo dài xúng xính chụp ảnh tại các góc ở sự kiện - vốn được bài trí mang không khí thời bao cấp với quầy bán nước, gánh hoa, cửa hàng mậu dịch, phòng khách ngày Tết và một đám cưới xưa.
Sau khi chụp ảnh cùng quan khách, nhân vật chú rể Quang Trọng và cô dâu Yến My tiến vào sân khấu, bắt đầu show Chuyện phố thời bao cấp. Đám cưới của họ vốn suôn sẻ, đến khi gia đình hai bên mâu thuẫn vì không thống nhất được phần âm nhạc. Phía nhà gái thích những bài hát mang màu sắc Việt Nam, còn nhà trai lại muốn có các ca khúc phương Tây sôi động trong lễ cưới. Sự việc trở nên căng thẳng khi xảy ra xô xát giữa hai nhà. Bà của cô dâu tuyên bố hủy hôn, khiến đôi trẻ bối rối, thậm chí bất đồng khi nghĩ cách để được tổ chức đám cưới một lần nữa.
Show ít lời thoại, chú trọng phần dàn dựng, lồng ghép những chi tiết tái hiện một giai đoạn khổ cực, thiếu thốn. Dù vậy, chương trình không mang màu sắc bi lụy, thay vào đó là sắc thái hài hước, như cảnh người dân kêu than vì mất nước, hay mất sổ gạo.
Âm nhạc kết nối các tình huống trong show. Sau phân đoạn Yến My tiễn bạn trai đi bộ đội, hay cảnh sinh hoạt của người dân trong khu phố, nhiều ca khúc nổi tiếng của thập niên 1980 vang lên. Trong đó có các nhạc phẩm nổi tiếng, như: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ (Hồng Đăng), Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Thành phố buồn (Lam Phương), Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò (Trần Thiện Thanh), Như khúc tình ca, Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng), Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én (Trần Tiến), Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung).
Một số bài hát nước ngoài là dấu ấn thời điểm đó được đưa vào chương trình như: One Way Ticket (Jack Keller - Hank Hunter), Rivers Of Babylon (Brent Dowe - Trevor McNaughton). Kết show, khán giả cùng lên sân khấu, nhảy và hát theo ca khúc Bahama Mama (Boney M).
Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ánh Tuyết - đạo diễn của show - ấp ủ ý tưởng trong ba năm. Ánh Tuyết mong muốn thực hiện một chương trình có thể tái hiện không gian hoài niệm, khiến khán giả từng trải qua giai đoạn đó được quay lại ký ức và người trẻ có thể hình dung những khó khăn của thế hệ trước, từ đó trân trọng cuộc sống đủ đầy ngày nay.
Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến vận dụng nhiều câu chuyện cá nhân khi viết kịch bản show. Chị cho biết thời bao cấp dù không đủ cơm ăn áo mặc, tình thương, sự sẻ chia và nghị lực giúp con người vượt lên tất cả. Thông qua âm nhạc, Trần Lệ Chiến và êkíp muốn kể lại Hà Nội thập niên 1980 một cách nhẹ nhàng, khiến khán giả nhìn được những điều đẹp đẽ từ khó khăn, qua đó khơi dậy tình yêu đất nước.
Bà Nguyễn Xuân, 71 tuổi, cho biết xúc động với nội dung chương trình. Khán giả sống ở phố Hàng Đào, ấn tượng khi thấy cảnh sinh hoạt của người dân ở đây được tái hiện trên sân khấu. Còn Diệu Hân, 20 tuổi, qua chương trình có thể hiểu hơn về những vất vả, thiếu thốn mà thế hệ ông bà, bố mẹ trải qua.
Phương Linh