Tết quê mẹ đã bao năm rồi xa xôi lắm với đứa con gái lấy chồng xa. Để mỗi độ xuân về, khi phố xá rộn ràng, sau tấm cửa kính ánh đèn màu lấp lánh trên những cây thông, những chiếc chuông nhỏ xinh, những băng rôn đỏ chào đón năm mới... tất cả lại gợi cho con gái mẹ niềm hoài niệm về Tết quê.
Tết quê mẹ giản dị mà thân thương biết nhường nào! Nhớ thời thơ ấu, gần giáp Tết là những ngày chúng tôi mong mỏi nhất. Ngày 25 chợ phiên, bọn trẻ con trong xóm í ới gọi nhau đi chơ quê sắm Tết, một đôi dép mới, một chiếc kẹp tóc có bông hoa đỏ xinh.... chỉ là những thứ nhỏ xinh mà cả mấy chị em cứ giữ cái niềm sung sướng mong mỏi Tết về để diện.
Những ngày nghỉ trước Tết, bọn trẻ con chúng tôi cũng rộn ràng chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Chúng tôi tỉ mẩn ngồi dán những quả cầu đỏ treo trong nhà, những chú thiên nga được xếp bằng giấy trắng để bày ở tủ trang trí, hay dán những chiếc hộp xinh xắn sặc sỡ sắc màu để bày bánh kẹo trong mấy ngày Tết. Những việc làm nhỏ bé ấy thôi cũng đủ để bọn trẻ chúng tôi mang mùa xuân vào nhà.
Đến ngày 29 Tết, nhà cửa đã sạch sẽ tinh tươm. Ông nội cẩn thận xếp mâm ngũ quả trên bàn thờ lúc này đã đủ sắc màu. Ông giảng giải rằng chuối xanh ứng với mùa xuân (hành mộc), phật thủ màu vàng tượng trưng cho hành thổ, hồng và các loại quả màu đỏ ứng với hành hỏa, các loại quả màu trắng (đào, roi...) ứng với hành kim, mận, hồng xiêm ứng với hành thủy.
Buổi sáng chúng tôi theo mẹ ra ruộng rau thơm, cắt những bó mùi già về nấu nước tắm trong hai ngày cuối năm. Men theo cả những thửa ruộng đã cày vỡ đất, chúng tôi đi nhặt những cây bánh khúc. Khúc có nhiều loại, có khúc nếp, khúc tẻ, tùy từng vùng và chất đất mà khúc có mùi khác nhau. Cái mùi của khúc hòa trộn với hương vị xôi nếp mới, có một chút đậu xanh và một miếng thịt mỡ nho nhỏ tạo cho người ta một cảm giác hấp dẫn. Mẹ tôi thường bảo muốn xôi khúc có hương vị thơm đặc trưng nên chọn rau khúc nếp có lá bản nhỏ, dày bụ, màu bạc, được hái lúc ra hoa là tốt nhất, bởi hoa khúc càng già hương vị xôi càng đậm.
Sáng 30 khi trời còn tờ mờ, những tiếng kêu liên hồi của chú lợn bị chọc tiết khiến bọn trẻ con chúng tôi không thể ngủ thêm được nữa. Làng tôi có tục đụng lợn cuối năm. Bọn trẻ con chúng tôi theo bố mẹ tới chỗ giết lợn. Mấy thằng con trai theo dõi chăm chú, chờ đợi háo hức để lấy được cái bóng lợn đem phơi khô rồi thổi lên làm bóng, đá rất dai và nẩy. Hôm thịt lợn "đụng" gia đình nhà nào cũng có một bữa tươi trước Tết khá thịnh soạn, trong đó không thể thiếu món lòng lợn, tiết canh. Phần tai và mũi được bố đem chế biến cuộn tròn bó bằng lá giềng tươi.
Mẹ tôi chuẩn bị gói bánh chưng. Mấy chị em chạy lăng xăng giúp mẹ cái này cái kia. Bánh mẹ gói rất đẹp, chặt tay và vuông vắn. Năm nào mẹ cũng gói cho chúng tôi mấy chiếc bánh tí hon không có nhân đỗ, vì cả mấy chị em đều chỉ thích ăn phần gạo trong bánh. Chị em tôi đứa nào cũng hớn hở buộc những chiếc bánh vào hai đầu một chiếc gậy, gánh và gồng, rồi cười như nắc nẻ chạy khắp sân nhà.
Bánh gói xong được mẹ xếp gọn gẽ vào một chiếc nồi khổng lồ. Cái bếp bố đắp mấy ngày trước củi lửa đã sẵn sàng. Chúng tôi đảm nhận nhiệm vụ canh nồi bánh. Mấy chị em tôi rủ thêm mấy đứa trẻ hàng xóm, kiếm thêm một cỗ tam cúc. Bên bếp bánh chưng, chúng tôi lại có một trò chơi thú vị - trò đánh tam cúc quệt nhọ nồi. Những hình mặt mèo, cái trán đen nhánh có hình mặt trăng giống ngài Bao Công và nụ cười lọ lem là một mảng ký ức, mà sau này mỗi khi nhớ về tôi đều bật cười một mình.
Trong căn bếp lụp xụp ấm áp, mấy đứa trẻ chúng tôi mặt lem nhem nhọ nồi, hà hít thổi những củ khoai lang nóng hổi vàng tươi, ngọt lịm được nướng từ than bếp. Những ngày cuối năm cứ trôi đi rộn ràng với những niềm vui như thế!
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã bao năm qua, tôi vẫn ao ước một cái Tết giản dị như Tết tuổi thơ. Lòng mong ngóng được một ngày không xa về với quê mẹ bên bếp lửa hồng ấm áp nồi bánh chưng, để tận hưởng những hương vị ngọt ngào nhất của ngày Tết Việt theo đúng nghĩa!
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
giang nguyen