Những ngày giáp Tết Quý Mão 2023, bà Võ Thị Hai, 65 tuổi, lo sắm thêm bánh trái, cắm lọ hoa tươi, mua bánh tét về chưng trong căn hộ chung cư Làng Cá rộng 50 m2 ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Nhắc lại chuyện nhà chồ, ánh mắt người phụ nữ từng 50 năm sống tạm bợ trên sông Hàn trở nên xa xăm.
Bà Hai là người làng Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, gia đình sống bằng nghề sông nước. Năm 15 tuổi, bà theo cha mẹ chèo thuyền ra Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội mới. Nhưng lúc đó, như hàng trăm gia đình nghèo khó khác, họ chỉ có thể dựng nhà chồ bên bờ đông, đoạn gần cửa sông Hàn làm chỗ trú mưa nắng. Còn người Huế dịch chuyển vào dựng nhà bên bờ tây.
Nhà chồ thực chất là những lán lợp tôn nằm xiêu vẹo trên những cọc gỗ tận dụng từ cột điện cây thông dầu thời Mỹ để lại, sàn lát bằng những miếng gỗ xẻ ra đủ kích cỡ. Vách nhà làm bằng tôn hoặc che chắn từ những vật dụng người ta bỏ đi. Lối vào nhà là cầu khỉ hoặc ghép ván gỗ chênh vênh. Rác thải và mọi sinh hoạt cá nhân xả thẳng xuống sông Hàn.
Trời bão, phụ nữ và trẻ em vào bờ tìm nơi trú tránh, thanh niên trai tráng ở lại gỡ ván giữ nhà, khi không chống cự được nữa thì xuống ghe nổ máy chạy lòng vòng. Nhưng nhiều trận bão khi họ về nhà chỉ còn lại những cọc gỗ, mái tôn, đồ đạc đều bị nước sông và gió cuốn đi. Mùa đông người dân đóng kín cửa để gió bớt lùa vào nhà, nhưng vẫn lạnh thấu xương, còn mùa hè nóng nực thì gỡ mấy miếng ván gỗ trên sàn, gác tạm xuống cọc gỗ sát mép nước để buổi trưa dọn cơm ăn cho mát, bất chấp mùi hôi từ khúc sông đặc quánh ô nhiễm.
Những hộ dân sống bằng nghề chài lưới, bữa cơm phập phù theo từng chuyến biển, không tích lũy được gì. Những ngày trong nhà không còn gạo, bà Hai phải ra cồn cát nơi cửa sông chặt cây xương rồng gai về gọt vỏ, thái bỏ vào nồi luộc lên rồi vắt khô, chấm với mắm ăn trừ bữa. Chuyện đuối nước với lũ trẻ diễn ra như cơm bữa với những căn nhà tạm bợ trên sông nước.
"Nghèo khổ, nhưng Tết đến ai cũng háo hức", bà Hai nhớ lại. Từ khoảng 20 tháng chạp, những người dân nhà chồ cùng nhau làm bánh in, trời nắng thì mang ra phơi, mưa thì bật bếp than lên hong. Bánh tét sau khi gói sẽ đem lên bờ, tìm chỗ đất trống để dựng bếp, đặt nồi nấu thâu đêm.
Người nhà chồ vẫn giữ phong tục cúng tất niên, mâm cúng là bánh tét vừa gói, đĩa xôi, bánh in, hoa quả. Nhà không có điều kiện thì có gì cúng nấy. Nhà chồ một thời không có điện. Ánh sáng trước giao thừa để tụi nhỏ chơi chủ yếu là từ ánh nến trên mâm cúng. Người lớn dùng đèn dầu, bóng đèn muội đen nhưng không dám tháo ra lau, sợ gió thổi tắt phải chèo ghe đi xin lửa.
Giây phút chờ đợi nhất là giao thừa. Bà Hai kể, thời đó Nhà nước còn cho nổ pháo nên bất kể giàu hay nghèo, dân nhà chồ đều dành tiền lên làng Nam Ô mua pháo nổ. Người có điều kiện thì mua băng pháo dài vài mét, nhà khó khăn thì sắm chừng một mét. Chờ lúc đồng hồ điểm 0h, những dãy nhà chồ đồng loạt châm lửa, những tràng pháo rền vang, rộn ràng và sáng rực cả khúc sông.
"Ngày đó chưa có pháo hoa. Nên khi đốt pháo nổ là vui nhất", bà Hai nói. Sau ít phút rực sáng, dãy nhà chồ lại chìm vào bóng đen. Những đứa trẻ thường sẽ háo hức với những tép pháo chưa nổ vừa mót được, cất lại để chơi những ngày Tết. Còn người lớn lại ngồi trầm ngâm, nhìn sang phía bờ tây bên kia sông chộn rộn ánh đèn điện và hy vọng về năm mới.
Đến sáng mùng 1, người dân giữ phong tục đi chúc Tết. Thông thường những nhà gần nhau sẽ hô hào để cùng xuống ghe, chèo hoặc nổ máy chạy sang những nhà khác ở khúc sông dài cả 2 km, đoạn từ gần cầu sông Hàn đến cầu Thuận Phước ngày nay. "Mọi người có gì ăn nấy. Còn lì xì thì không có, vì dân nhà chồ hầu hết không có tiền", bà Hai kể.
Nhớ lại tiếng pháo nổ đêm giao thừa, ông Lê Văn Ba, 67 tuổi, nói cuộc sống khi đó "nghèo nhưng vui". Mọi người sẵn sàng chia sẻ bữa cơm, chén mắm, không sa đà nhậu nhẹt vì không có tiền mua bia, rượu, chỉ đến nhà nhau chúc Tết, ăn cơm, nói chuyện. Buổi tối, ai về nhà nấy vì không có điện, đi lại không an toàn.
Cả sông Hàn dài hơn 9 km khi đó chỉ có một cây cầu vận tải thời Mỹ. Từ quận ba (Sơn Trà) sang quận nhất (Hải Châu) chơi Tết chỉ có thể đi phà ở đoạn cuối đường Trần Công Trứ, hoặc tự chèo thuyền. Người nhà chồ không có xe, nếu có tiền cũng không mua vì không có chỗ cất. Ngại đi bộ xa nên ngày Tết người lớn thường quanh quẩn ở nhà hoặc lên bờ chơi bầu cua tôm cá hoặc tài xỉu. Thanh niên rủ nhau qua quận nhất chơi công viên hay xem phim ở rạp.
Ông Ba kể khoảng mùng 2, mùng 3 Tết nếu tốt ngày, người dân xuống thuyền để mở biển đầu năm kiếm gạo cho con ăn. Những dây pháo được treo lên phía cột cao nhất của thuyền. Chờ khi cúng xong chủ tàu sẽ đốt pháo nổ để cầu may mắn cho năm mới. Những nhà có điều kiện hơn thì ở nhà chơi đến mùng 10 tháng giêng mới đi biển trở lại.
Năm 1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam thành thành phố trực thuộc Trung ương và bắt đầu tái thiết đô thị. Ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó đang làm chủ tịch thành phố, xuống những khu nhà chồ tạm bợ vận động người dân lên bờ để mở rộng tuyến đường Bạch Đằng Đông. Người dân đồng thuận khi thành phố xây sẵn những khu nhà. 8 năm sau, họ được chuyển lên nhà chung cư.
Những người như bà Hai, ông Ba nói được lên bờ, cuộc sống dù thiếu trước hụt sau vì hầu hết không tìm được công việc phù hợp, trong khi tuổi tác ngày một già, nhưng người dân thong thả hơn, không còn phải bồng con vào bờ đi gửi, những cây cầu dần mọc lên xóa đi cảnh "con gái quận ba không bằng bà già quận nhất", và nhất là những đứa trẻ được đến trường để có tương lai tốt hơn.
Nhà chồ bây giờ chỉ còn là ký ức của người dân Đà Nẵng. Bảo tàng Đà Nẵng nhiều năm qua đã phục dựng mô hình nhà chồ, ghi lại câu chuyện 350 hộ dân được lên bờ vào năm 2005 để khách đến tham quan. Đôi khi những vị khách lại là chính những hộ dân nhà chồ một thời. "Đó là phần ký ức, một phần lịch sử của thành phố", ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nói.