Tôi học tập và sống xa gia đình đã gần 20 năm. Suốt tuổi thơ, tôi luôn háo hức chờ đến Tết. Đơn giản lắm, tôi thích vì dịp này bố mẹ sẽ mua cho áo mới, được gặp chị họ bằng tuổi sống ở Thủ đô khi bác về quê.
Quê tôi, từ 23 Tết, các mẹ rôm rả bàn về Tết. Nhà bác gói bao nhiêu bánh chưng, thịt lợn sẽ mua ở đâu, nhà nào mổ lợn... là những câu chuyện của người lớn. Như một thói quen, bố mẹ tôi thường gói bánh chưng vào 28 Tết.
Tôi thích nhất giây phút lũ trẻ chúng tôi ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, nghe ông bà kể chuyện. Bên bếp lửa hồng, bố mẹ chia sẻ về những vất vả trong năm qua, nói về những dự định trong năm mới, không khí gia đình lúc ấy thật ấm áp.
Tết ở thành phố có phần mới lạ hơn. Nhiều năm như vậy, mỗi khi nhớ lại giây phút ngồi cạnh bếp canh nồi bánh chưng tôi vẫn thấy thật bồi hồi, cảm giác lâng lâng khó tả.
Mới đây, tình cờ lướt Facebook tôi đọc được những dòng chia sẻ của ca sĩ Đan Trường về tập tục khai bếp. Anh bảo, dạo gần đây nhiều người kháo nhau Tết này nhớ khai bếp vì đầu năm bếp có ấm, nhà mới an, giàu sang mới đến nên các thành viên trong nhà cũng rần rần theo. Gia đình cũng phân công Tết ai khai bếp, khai giờ nào, nấu món gì.
Anh Bo nhớ, ngày xưa ông bà thường dặn con cháu, bếp là nơi nấu ăn, cái gốc cho một gia đình. Bếp có ấm thì trong nhà mới có hòa khí rồi vượng khí mới từ đó mà ra. Anh quan niệm rằng, ngày Tết mà để bếp nguội lạnh thì gia đình có thể gặp những trở ngại trong năm tới. Giọng ca bày tỏ sự vui mừng vì gia đình anh nhớ đến giá trị của gian bếp đỏ lửa, giọt dầu vàng.
Đọc những dòng này, tôi nghĩ đến bà nội của mình. Ngày còn bé, những đứa cháu như chúng tôi thường ngồi tụm ba tụm bảy để nghe bà kể chuyện, nói về những tập tục truyền thống của người Việt trong năm mới. Trong đó, tôi nhớ lời bà dặn về hoạt động khai bếp.
Vào ngày 30 Tết, người lớn trong nhà sẽ dậy sớm. Mỗi người một việc, để chuẩn bị mâm cơm tất niên. Đồng thời, gia đình tôi cũng sẽ tiến hành tập tục khai bếp.
Buổi sớm, bà dặn bố mẹ, nhóm bếp, khi lửa cháy đều thì bắc chảo lên. Bố sẽ chỉnh lửa ở mức vừa phải với ngụ ý mong muốn nếp nhà luôn êm ấm, thuận hòa. Sau đó, bố rót dầu đều trong chảo để tượng trưng cho năm mới sung túc, đầy ắp.
Bố mẹ sẽ dùng một chai dầu ăn mới vào lúc khai bếp. Bà nội bảo, vì dầu tượng trưng cho sự hanh thông, của cải, sự giàu có của gia chủ nên phải đầy ăm ắp.
Ngày đó, nhà tôi đun củi. Trong những ngày Tết, bếp lúc nào cũng đỏ lửa. Bởi bà quan niệm rằng, bếp ấm thì nhà mới an, gia đình gắn kết, mới nghênh đón nhiều tài lộc trong năm mới.
Cuộc sống có nhiều thay đổi, nhà tôi cũng không còn đun bếp củi. Thế nhưng, tập tục khai bếp vẫn được duy trì đều đặn. Không chỉ bà, bố mẹ tôi cũng thường xuyên nói về ý nghĩa của hoạt động này với những người trẻ tuổi khi đến nhà chơi.
Tết đã cận kề, dù chẳng còn bé, tôi vẫn thích không khí bận rộn, tất bật chuẩn bị cho việc dọn dẹp nhà cửa để đón nắm mới. Tôi và chồng cũng dành nhiều thời gian cho căn bếp nhỏ, sắp xếp lại đồ dùng, tiến hành khai bếp đầu năm.
Để khai bếp, chúng tôi chuẩn bị, kiểm tra bộ dụng cụ khai bếp đủ ngũ hành: Kim - chảo tròn, Mộc - đũa tre, Thủy - dầu vàng, Hỏa - bếp. Sau đó, tôi bật, chỉnh độ lửa ở mức vừa phải. Tiếp theo thì rót dầu đều trong chảo với mong muốn cầu mong cho năm mới sung túc, đủ đầy.
Phần tiếp, tôi cẩn thận lắc nhẹ chảo để dầu lan tỏa. Cuối cùng, tôi dùng đôi đũa gỗ để chế biến thức ăn, chuẩn bị mâm cơm tất niên ấp áp cho cả gia đình. Tôi vẫn luôn tin, không gian nấu nướng là nơi tạo ra những yêu thương tròn đầy, bếp ấm thì nhà mới an.
Thi