Ngồi bần thần trong căn nhà ở đường Nguyễn Tri Phương (TP Đà Nẵng), ông Hồ Văn Quỳ vẫn không tin người đồng đội Nguyễn Văn Bảy của mình đã đi xa. Ba ngày trước, một vài người bạn báo tin, nhưng ông Quỳ không cho đó là sự thật bởi "Bảy nó khoẻ như thế, đang làm vườn ngon lành cơ mà". Phải đến khi con gái về mở báo điện tử đọc, ông Quỳ mới rưng rưng.
Ở tuổi 86 và sau lần phải vào viện điều trị bệnh tim, ông Quỳ không đủ sức vào miền Nam thắp hương tiễn biệt bạn chiến đấu từng cùng ông một thời vẫy vùng trên bầu trời. Người cựu binh già lật giở từng trang nhật ký ghi cẩn thận từng trận đánh, xem lại những bức ảnh chụp chung để ôn kỷ niệm.
Hơn ông Bảy hai tuổi nên khi chàng trai Đồng Tháp còn đang tham gia khoá đào tạo phi công bên Trung Quốc, ông Quỳ đã lái chiếc MiG-17 số hiệu 2312 cùng các phi công khác trong biên đội đánh thắng trận đầu lịch sử ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá), ngày 3/4/1965, tiêu diệt hai máy bay "Thần sấm" cường kích F-105 hiện đại bậc nhất của Mỹ lúc bấy giờ.
Khi Nguyễn Văn Bảy về nước, ông Quỳ đang là Đại đội trưởng Đại đội 1, Trung đoàn không quân tiêm kích 923. Việc tiếp nhận người mới cho biên đội bay diễn ra nhanh gọn và không có nhiều nghi thức bởi việc ưu tiên hàng đầu là sẵn sàng chiến đấu trước tình thế quân địch ngày càng đẩy mạnh hoạt động trên bầu trời miền Bắc.
Là chỉ huy trực tiếp nên ông Quỳ có cảm tình với chàng phi công miền Nam chất phác, thật thà. Những lần họp bàn phương án tác chiến, ông Bảy cũng luôn là người đưa ra những sáng kiến. "Giao nhiệm vụ là Bảy tức tốc lên đường, không nề hà. Bảy là một phi công giỏi", ông Quỳ nói.
Trong cuốn sổ nhuốm màu thời gian, chỉ huy Quỳ ghi lại những trận đánh có phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia mà đáng nhớ nhất là cuộc đối đầu ngày 16/9/1966. Khi đó, không quân Mỹ sử dụng 6 chiếc F-105 và 8 chiếc F-4C với lối đánh tầm thấp để "tàng hình" với hệ thống radar của ta.
"Địch đánh tầm thấp, ta cũng đánh tầm thấp", cả biên đội thống nhất phương án tác chiến bất chấp tương quan lực lượng chênh lệch khi chỉ có bốn chiếc MiG-17 do Hồ Văn Quỳ, Đỗ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Bảy và Võ Văn Mẫn xuất kích từ sân bay Gia Lâm.
Gặp địch ở vùng trời Phả Lại, ông Quỳ lệnh cho biên đội vứt thùng dầu phụ, lao vào công kích. Biên đội MiG-17 tách làm đôi. Trong khi ông Bảy và ông Mẫn quần nhau với tốp F-4 thì ông Quỳ và ông Hoàng bám theo tốp cường kích F-105. Những chiếc máy bay của hai bên bám nhau xen kẽ và khai hoả ở độ cao tầm 700m.
Do tốc độ của những chiếc MiG-17 không thể đuổi kịp những chiếc máy bay của Mỹ hiện đại và nhiều vũ khí hơn, biên đội đưa ra cách đánh bay vòng tròn, sau đó cắt bán kính để áp sát tấn công. Tốp F-4 phóng 8 quả tên lửa nhưng cả biên đội đều tránh được.
Bảo toàn được lực lượng, ông Quỳ và ông Bảy đeo bám quyết liệt. Khi máy bay địch đã nằm chắc trong tầm ngắm thì bắt đầu nhả đạn và mỗi người đều hạ được một máy bay F-4 ở ngay độ cao 200m. "Máy bay địch bị Bảy bắn trúng đã lao xuống gốc tre trên bờ sông Phả Lại và bốc cháy. Chúng tôi nhìn thấy hình ảnh người dân ra vỗ tay ăn mừng", ông Quỳ kể.
Mỗi chiến sĩ khi bắn hạ được máy bay Mỹ đều được đơn vị tuyên dương. Nhưng họ không có thời gian để ăn mừng chiến thắng. Họ không có ngày phép, ngay cả khi cưới vợ. Ngoài thời gian trực chiến đấu và xuất kích, các phi công lại ngồi lại bàn phương án tác chiến. Khi không xuất kích, ông Bảy lại tự tập ngắm, tập bắn.
Một kỷ niệm vui được ông Quỳ nhớ đến giờ. Bữa ăn của phi công đều phải qua bác sĩ dinh dưỡng định lượng để đảm bảo sức khoẻ. Ông Bảy thì vốn là người Nam Bộ, thích nhậu. Trong đợt sơ tán, ông Bảy rủ một nhóm đồng đội đi bắt ốc bươu rồi ngồi uống rượu ở bờ sông Đa Tốn, Gia Lâm.
Bị đơn vị phát hiện, cả nhóm phải viết tường trình. "Bị phê bình nhưng ai cũng cười xoà. Là đại đội trưởng, tôi phải gương mẫu và nhắc nhở cấp dưới. Nhưng cũng hiểu tâm lý của anh em. Chiến đấu quanh năm, không có thời gian cho riêng tư hay những sở thích cá nhân", ông Quỳ nói.
Thân thiết với nhau sau những trận đánh, ông Quỳ nhận xét ông Bảy là người sống đơn giản, không sâu sắc nhưng rất chân tình.
Trực tiếp chiến đấu trên vùng trời miền Bắc trong hai năm 1966-1967, ông Bảy tham gia gần 100 trận đánh, bắn rơi 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105, 5 chiếc F-4), trở thành người bắn được nhiều máy bay nhất của không quân Việt Nam lúc bấy giờ và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Bảy về tiếp quản sân bay Cần Thơ, tham gia điều hành sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hoà. Còn ông Quỳ về làm Sư phó, Tham mưu chính trị ở Sư đoàn không quân 370, rồi chuyển sang làm Tổng Giám đốc Cụm cảng hàng không miền Trung.
Thường xuyên đi công tác, hai người đồng đội có nhiều dịp hội ngộ và gần gũi nhau hơn thời gian ở quân ngũ. Khi biết tin ông Bảy về quê nhà ở ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) làm nông dân, ông Quỳ không bất ngờ bởi "môi trường ở quê phù hợp với tính cách chất phác, nông dân của Bảy".
Dù cách nhau hơn 1.000km, ông Quỳ vẫn thường theo dõi đời sống của người đồng đội và biết ông Bảy vẫn vui sống khoẻ mạnh cùng với ruộng vườn nên "không nghĩ nó lại đi trước mình".
"Bảy sống giản dị, thân tình với đồng đội. Khi nghỉ hưu chọn về sống giữa dân nên được dân ca ngợi", ông Quỳ tâm niệm.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (tên thật là Nguyễn Văn Hoa) qua đời tối ngày 22/9 ở tuổi 84, sau thời gian bị đột quỵ. Ông là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.
Lễ viếng đại tá Nguyễn Văn Bảy diễn ra trong hai ngày 24 và 25/9. Lễ truy điệu và di quan linh cữu được tổ chức ở quê nhà ông Bảy tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) từ 5h ngày 26/9. Lễ viếng tại đây diễn ra từ 12h ngày 26 đến 10h30 ngày 27/9. Lễ an táng diễn ra trưa cùng ngày.