Jonathan Schell
Jonathan Schell, tác giả cuốn Ký ức không quên sinh năm 1943. Ông là một giáo sư và cây bút nổi tiếng với rất nhiều bài báo đăng trên The Nation, The New Yorker. Ông được trao giải Văn chương phi tiểu thuyết Lannan (Lannan Award for Literary Non-Fiction) và nhiều giải thưởng khác vì tinh thần đấu tranh cho hòa bình thế giới và chống chiến tranh hạt nhân. Trong lần đầu tiên cuốn sách này xuất bản tại Mỹ vào năm 1968, tác giả đã viết: "Cuốn sách này viết về những gì đang xảy ra ở miền Nam Việt Nam - đối với con người và đất đai ở đó - do sự hiện diện quân sự của Mỹ gây ra. Tôi sẽ không bàn về những khía cạnh đạo lý của sự có mặt ấy. Đơn giản tôi chỉ nêu lên những điều tai nghe mắt thấy trong những tuần lễ tôi đi cùng các đơn vị Mỹ ở miền Nam Việt Nam vào mùa hè năm 1967. Những điều tôi nghe và thấy - phần lớn liên quan đến sự hủy diệt đang được xúc tiến ở miền Nam Việt Nam - đã giúp tôi phát hiện ra đặc điểm kỳ lạ của cuộc chiến tranh này. Theo thời gian, tôi hiểu ra đó chính là cách đối phó của quân đội Mỹ trước những thực tế đặc thù hết sức đa dạng của cuộc chiến: sự chênh lệch rất xa về quy mô và sức mạnh giữa hai đối thủ; thực tế là người Mỹ đang đánh nhau ở một nơi cách xa nước mình hàng chục nghìn dặm; thực tế là người Việt Nam là một dân tộc châu Á và sống ở một đất nước chưa công nghiệp hóa; thực tế là người Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam còn người Bắc Việt Nam lại không thể ném bom nước Mỹ; thực tế là người ta chỉ chống trả việc chúng ta ném bom ở miền Nam bằng vũ khí nhỏ; thực tế là binh sĩ Mỹ thường không thể phân biệt giữa thù với bạn hoặc dân thường; thực tế là tình trạng kém cỏi và thối nát của chính quyền Sài Gòn, là vai trò thứ yếu của Quân đội Nam Việt Nam - những kẻ đang nghĩ rằng chúng ta đến đây là để hỗ trợ họ; thực tế là đối phương đang tiến hành một cuộc chiến tranh du kích còn chúng ta thì đang tiến hành một cuộc chiến tranh cơ giới hóa; và cuối cùng, một thực tế bao trùm và kỳ quặc là: bề ngoài thì có vẻ như không cố tình, nhưng kỳ thực chính chúng ta đang tàn phá đất nước mà chúng ta cứ nghĩ là đang đến để bảo vệ nó. Như nhiều người Mỹ khác, tôi phản đối chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Khi tôi nói chuyện với những lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy đau buồn về những điều người ta ra lệnh cho họ làm và về những điều họ đã làm. Mặt khác, tôi không thể quên được sự thật là những người lính ấy cho rằng họ phải thực thi nhiệm vụ, rằng không có sự lựa chọn nào khác. Tôi cũng không quên được sự thật là họ đang phải sống trong trạng thái căng thẳng khủng khiếp, và cũng giống như mọi chiến binh trong mọi cuộc chiến, họ đang cố níu lấy sự sống và cố giữ cho tinh thần được tỉnh táo. Nếu như đất nước chúng ta sẩy chân sa vào cuộc chiến vì sai lầm, thì đó không phải là sai lầm của họ. Nếu như việc chúng ta tiếp tục leo thang chiến tranh là tội lỗi, thì tội lỗi đó chắc chắn không chỉ là của riêng mình họ. Nếu như hết thảm họa này đến thảm họa khác ập lên đầu nhân dân Việt Nam, thì những thảm họa đó chính là hậu quả tất yếu của cuộc can thiệp của chúng ta. Đã có hàng chục nghìn lính Mỹ thiệt mạng hoặc bị thương ở Việt Nam, có nhiều người trong số đó tin rằng họ đã chiến đấu vì chính nghĩa, và một số binh sĩ mà tôi vừa quen biết ở Việt Nam rồi cũng ngã xuống hoặc bị thương trong cùng một niềm tin như thế. Một số binh sĩ của chúng ta đã bị chiến tranh biến thành những kẻ tàn bạo. Tôi cũng có thể bị biến thành như thế nếu như tôi chiến đấu bên cạnh họ, cũng như những người thuộc bên này hoặc bên kia chiến tuyến trong mọi cuộc chiến tranh đã từng bị biến thành những kẻ tàn bạo. Tuy vậy, một số trong bọn họ đã thực thi nhiệm vụ nhưng không khỏi động lòng trắc ẩn đối với thường dân Việt Nam và ngay cả đối với kẻ thù trong chiến đấu. Trong cuốn sách này, tôi không chủ yếu viết về những người lính trong quân đội Mỹ. Tôi viết về một phần giới hạn của cuộc chiến, viết về sự hủy diệt do quân đội Mỹ gây ra như tôi đã tận mắt nhìn thấy (phần lớn từ trên máy bay) đối với một khu vực nông thôn của miền Nam Việt Nam. Tất cả người Mỹ chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh này, chứ không phải chỉ các binh sĩ cầm súng. Tôi không có ý muốn phê phán những cá nhân người Mỹ chiến đấu ở Việt Nam. Tôi chỉ muốn ghi nhận những điều tôi chứng kiến, với hy vọng rằng điều đó sẽ giúp tất cả người Mỹ hiểu được tốt hơn điều chúng ta đang làm". eVăn trích đăng Ký ức không quên của nhà báo Jonathan Schell. |
Vào cuối tháng Tám năm 1967, tôi đến Đức Phổ và Mộ Đức là hai huyện cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi và ở đó mấy ngày. Đây là khu Trách nhiệm Chiến thuật của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4.
Trước hết tôi đến thăm sở chỉ huy Lữ đoàn ở căn cứ Đức Phổ để hỏi sĩ quan và binh lính của Lữ đoàn về tình hình chống phá của địch, về hiệu quả của các cuộc hành quân và cũng để hỏi về số phận của 200.000 người dân đã sống ở hai huyện này trước khi làng xóm của họ bị hủy hoại.
Trong một thông báo vắn tắt, một sĩ quan nói với tôi rằng mặc dù chỉ một số ít đơn vị Mỹ bị thương vong nặng nề trong từng trận đánh riêng lẻ, nhưng nếu tính chung trong mấy tháng, qua hàng trăm cuộc chạm trán nhỏ với quân địch thì quân Mỹ đã bị tổn thất nặng. Anh ta nói tính từ ngày 22/4 đến giữa tháng Tám, một lực lượng gồm 800 quân chiến đấu trực tiếp với đối phương đã phải chịu đến 610 chết và bị thương, trong số đó có 120 chết.
Một sĩ quan khác có mặt lúc đó đã nói thêm: "Một trung sĩ chỉ huy trung đội chiến đấu trong vòng ba hoặc bốn tháng thì hầu như chắc chắn sẽ bị ăn đạn địch". Viên sĩ quan này nói tiếp rằng cũng trong thời gian nói trên, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 4 đã tiêu diệt 1.875 địch và thu được 566 khẩu súng. Trong vòng khoảng một tháng Lữ đoàn có tiến hành làm một bản thống kê về cái gọi là "cơ cấu tổ chức quân sự địch bị phá hủy", nhưng rồi sau đó lữ đoàn lại hình như không hứng thú gì với bản thống kê này nữa, bởi vì con số "3.128 tổ chức quân sự bị phá hủy" trong vòng hơn một tháng thể hiện bằng biểu đồ treo trong lều giao ban chỉ huy, về sau chẳng được tiếp tục cập nhật. "Chúng tôi ngừng việc thống kê ngay sau tháng đầu tiên", viên sĩ quan nói.
Một sĩ quan cao cấp tỏ ra lo lắng sâu sắc về tình hình hai huyện Đức Phổ, Mộ Đức. Khi tôi hỏi điều gì xảy ra với dân chúng sống trong hai huyện này, ông nói:
- Chúng tôi ước tính có 100.000 dân đang sống ở Đức Phổ. Trong số đó, khoảng 10.000 người đang sống trong các trại tị nạn, và 28.000 nữa đang sống trong các thị trấn dọc Quốc lộ 1, đây là khu vực an toàn của chúng ta. Như vậy có nghĩa là có khoảng 52.000 người vẫn đang sống trong các vùng mà chúng tôi vẫn bắn đại bác suốt đêm. Và không có cách gì để bảo đảm an ninh cho bất kỳ làng nào ở đó. Chúng tôi thường sục vào một làng, rồi lại rút khỏi làng đó chỉ mấy giờ hoặc mấy ngày sau đó. Chỉ trừ các thị trấn Mộ Đức và Đức Phổ và một dải ven biển từ đây về phía Nam - khu vực này bị phá hủy mất khoảng một nửa - phần còn lại của hai huyện này đã bị phá nát. Câu hỏi đặt ra là từ đây chúng ta sẽ làm gì nữa? Quân Việt Nam Cộng hòa được dự kiến sẽ làm công tác Bình định - tức là đi vào những làng sau khi chúng tôi đã sục vào - nhưng họ chẳng làm được việc này. Họ có ở đây đâu? Nhưng đừng nghĩ rằng chúng tôi là những kẻ duy nhất làm việc này đâu nhé. Anh đã đến tỉnh Bình Dương chưa? Sư đoàn Kỵ binh 1 đã xóa sạch mọi ngôi làng có súng bắn tỉa nhằm lên trực thăng của họ. Bọn tôi cứ phải làm cái trò đếm xác chết tiệt này. Nếu người ta có thể quên điều đó đi một lúc và để ý đến con số 400 người đào ngũ, mới thấy đó mới chính là điều quan trọng. Nhưng tôi cũng muốn nói với anh điều này: Chúng ta chưa hề giành được con tim và khối óc nào của dân, đó là sự thực.
Nét mặt viên sĩ quan bỗng trở nên khắc khổ, anh ta lắc đầu:
- Thỉnh thoảng chúng tôi thu hồi lệnh bắn phá bởi vì có đàn bà và trẻ con ở đó. Theo tôi nghĩ, việc cho rằng đàn bà và trẻ con đều là Việt Cộng thật không ổn. Cách đây mấy tháng, chúng tôi dùng trực thăng chở nhiều người dân đi nơi khác trước khi đốt làng mạc của họ. Nhưng khi đưa họ đến Đức Phổ thì người phụ trách tị nạn ở đây kêu là không thể thu xếp cho họ được vì số người ở đây quá đông, hiện đã không đủ lương thực và nhà tôn cho họ, nên không thể giữ những người mới đến. Thế là họ lại quay về quê cũ và chui xuống hầm mà ở.
Tôi hỏi viên sĩ quan liệu Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 đã tìm được cách thức nào có hiệu quả để thực hiện các mục tiêu chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam chưa.
Thay vì trả lời, viên sĩ quan lại đặt cho tôi câu hỏi:
- Nếu anh được giao nhiệm vụ này với một lực lượng cỡ này, trong khu vực này thì anh sẽ xoay trở như thế nào?
Một sĩ quan Tâm lý chiến từng công tác ở Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 kể lại:
- Anh có thể cho là tôi nói đùa, nhưng chuyện sau đây là có thật. Thỉnh thoảng trước khi chúng tôi định oanh kích một ngôi làng, thì ngay trước hôm đó, hoặc một tuần trước đó, đại khái như vậy, máy bay FAC sẽ bay trên khu vực đó và cảnh báo cho dân chúng quanh đó. Anh biết không, đó là khu vực đã được báo trước là không ai được ở lại đó cả. Họ không được có mặt ở đó. Bởi vậy bọn tôi chỉ việc cho một trực thăng bay đến đó một giờ trước khi oanh kích và báo cho mọi người đi ra khỏi khu vực. Và anh sẽ nhìn thấy bọn họ đặt đòn gánh lên vai, rồi dắt trâu ra khỏi làng. Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 quả thật có làm tốt việc này. Nhưng nhiều khi sự việc diễn ra không phải như vậy. Nhiều đơn vị Mỹ chỉ có việc phán "Khu vực không dân, quần nát nó đi" rồi oanh kích ngay. Nhưng như tôi đã nói, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 thì khá hơn - đã biết thông cảm với người dân, chỉ thế thôi. Quy luật hoạt động là phải cho một máy bay Tâm lý chiến bay trên một làng trước khi đánh vào làng đó, trừ khi bị bắn lên thì có thể trả đũa ngay lập tức, không phải xin lệnh bất cứ ai. Cố nhiên điều thỉnh thoảng xảy ra là lính bộ binh mỗi khi sục sạo càn quét thường đốt phá vài ba ngôi nhà. Đáng ra là không được làm thế, nhưng điều đó xảy ra mọi nơi. Cũng dễ hiểu thôi, đi sục sạo thường hay nổi cáu, khó mà lên án chúng nó được. Đây là cuộc chiến tranh khắc nghiệt đáng nguyền rủa mà chưa bao giờ chúng ta trải qua. Hầu hết chúng ta cứ việc càn qua, gặp gì bắn nấy. Nhưng ở đây chúng ta không xác định được mục tiêu. Không biết được ai là bạn, ai là thù.
Có một đêm, tôi đến thăm Trung tâm Điều khiển Hỏa lực của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4, và được biết rằng tại căn cứ Đức Phổ này, Lữ đoàn có tới ba đại đội pháo binh với mười tám khẩu lựu pháo, và một đại đội với hai khẩu 8 inch (203,2 ly) và hai khẩu 175 ly. Đêm đó một thiếu tá trực ban cho tôi biết rằng có nhiều cách xác định mục tiêu. Bộ binh có thể yêu cầu nã pháo bất cứ khi nào, và các yêu cầu này được ưu tiên cao nhất. Nhưng cho đến nay, loại hỏa lực phổ biến nhất là hỏa lực quấy rối và đánh chặn (harassment and interdiction) viết tắt là hỏa lực "h và i", mà viên thiếu tá miêu tả là "một loại hỏa lực tình báo". Anh ta giải thích:
- Không cần thiết phải bắn phá một địa điểm suốt đêm, do đó chúng tôi chỉ bắn cầm canh. Thỉnh thoảng có xác định được một mục tiêu nào đó cho hỏa lực "h và i", nhưng thông thường thì bộ binh chỉ xác định cho chúng tôi mỗi ô tọa độ mỗi chiều năm đến mười cây số. Có khi chúng tôi cùng một lúc được cung cấp các ô như vậy ở khắp mọi nơi trong huyện, trừ một số nơi dọc Quốc lộ 1.
Dừng một lát, viên thiếu tá nói thêm: - Chúng tôi không bao giờ bắn bừa bãi mà không quan sát. Chúng tôi có khả năng bắn một quả đạn pháo qua cửa sổ nhà anh nếu chúng tôi muốn. Nhưng tôi muốn anh biết là trước khi bắn chúng tôi đều xin ý kiến ông tỉnh trưởng.
Tôi hỏi anh ta quy trình xin ý kiến được thực hiện như thế nào. "Ông tỉnh trưởng đánh dấu những khu vực mà chúng tôi không được bắn phá nếu không được phép đặc biệt của ông ta", anh ta trả lời, nói đến từ "tỉnh trưởng" với vẻ hết sức nghiêm nghị. Sau đó anh ta dẫn tôi đến xem bản đồ hai huyện Đức Phổ, Mộ Đức và hướng sự chú ý của tôi vào ba dải đất dọc theo quốc lộ 1, mỗi dải rộng khoảng ba cây số, được khoanh lại bằng mực đỏ. Cả ba dải này cộng lại khoảng bốn mươi tư cây số vuông trong tổng số khoảng năm trăm cây số vuông diện tích vùng đất bằng phẳng đông dân nằm giữa bờ biển và dãy núi, thuộc hai huyện trong tầm bắn của pháo binh.
- Đây là điều thực sự quan trọng, là điều mà tôi muốn anh biết. - Viên thiếu tá nói. - Đây là khu vực cần bảo vệ thường dân Việt Nam đứng về phía ta. Trừ phi binh sĩ ta bị bắn, còn không thì chúng ta không được nã pháo vào ba dải đất nói trên nếu không được phép đặc biệt của ngài tỉnh trưởng người Việt.
Còn tiếp...