Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chiến trường được gọi bằng các phiên hiệu. Hậu phương miền Bắc là A, chiến trường miền Nam bên kia vĩ tuyến 17, ranh giới sông Bến Hải (Quảng Trị) chia hai miền Nam Bắc được gọi là B. Sau hiệp định Genève năm 1954, phần lớn lực lượng vũ trang và cán bộ cách mạng phía Nam tập kết ra Bắc. Trong khi đó chính quyền Ngô Đình Diệm mở nhiều chiến dịch khủng bố, có những chi bộ không còn đảng viên.
Vấn đề chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam Việt Nam được đặt ra cấp thiết. Cán bộ miền Bắc được bổ sung cho miền Nam, gọi là đi B. Ban đầu đi B là lực lượng vũ trang, sau mở rộng tất cả ban ngành, gồm y bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, do Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý. Việc đi B hoàn toàn bí mật, cán bộ phải gửi lại tư trang, hồ sơ, kỷ vật và toàn bộ sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, số Đoàn, ảnh gia đình, nhật ký.
Ông Nguyễn Việt Anh là một trong những cán bộ được tuyển chọn đi B. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông tốt nghiệp ngành sư phạm và trở thành thầy giáo dạy Văn. Năm 1969, khi mới 26 tuổi, ông làm Hiệu phó Trường cấp 2 Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (Hà Nội ngày nay).
"Không phải ai cũng được chọn, tiêu chí rất khắt khe. Điều đầu tiên tôi cảm nhận là vinh dự, tự hào với gia đình, đồng nghiệp", ông Việt Anh, 80 tuổi, nhớ lại.

Ông Nguyễn Việt Anh chụp ảnh cùng vợ khi cả hai đang hoạt động trong chiến trường miền Nam, năm 1975. Ảnh: Sơn Hà
Theo quy định, cán bộ đi B thời điểm đó phải là đảng viên, lý lịch gia đình trong sạch, đảm nhiệm chức vụ và đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe. Sau khi duyệt hồ sơ, ứng viên trải qua ba vòng khám, người bị tật ở tay chân, hay bệnh về mắt, tim, phổi đều bị loại.
Tháng 7/1969, sau khoảng 2 tháng đào tạo lý luận, đoàn cán bộ ngành giáo dục được đưa đến Trường bồi dưỡng T105 ở Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên học kỹ chiến thuật. Buổi sáng, mọi người leo núi với balo gạch nặng 30 kg, học tháo lắp, bắn súng; buổi chiều học chính trị. "Nhiều cán bộ trong Nam ra đào tạo chúng tôi về kinh nghiệm ứng phó, cách tiếp xúc với người dân rồi giúp hiểu sự khốc liệt của cuộc chiến ở đó", ông Việt Anh nhớ lại.
Đêm cuối tháng 12/1969, đoàn đi B của ông Việt Anh lên đường. Từng đoàn xe quân sự nối đuôi nhau chờ trước cổng Trường bồi dưỡng T105. Mỗi xe chở 20 cán bộ cùng quân trang đến ga Hàng Cỏ. Từ đó, ông Việt Anh cùng đồng đội lên tàu đến tỉnh Quảng Bình để bắt đầu chuyến đi bộ vượt Trường Sơn.
"Hôm đó trời đông, bố mẹ, anh em chẳng ai biết, chúng tôi cũng chẳng kịp viết thư về cho gia đình. Mọi thứ diễn ra vội vã và bí mật", ông Việt Anh hồi tưởng.

Bức ảnh gia đình ông Nguyễn Việt Anh được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Ảnh: Sơn Hà
Luyện tập gian khổ, nhưng ông cùng đồng đội không nghĩ chặng đường vào Nam khốc liệt như vậy. Gạo, muối không đủ ăn, nước không đủ uống, người khỏe mạnh nhất cũng đổ bệnh vì sốt rét hoặc bị rắn, côn trùng độc cắn. Mỗi người được phát 2 bộ quần áo dài, 2 bộ ngắn, võng, màn, một cái tăng và chăn chiên. Nhưng chăn đều mất hết do dùng lót đường lúc trời mưa, đường trơn trượt. Những hôm trời lạnh, mọi người lấy một nửa võng làm chăn đắp.
Nửa năm hành quân, người này ốm thì nhờ người khỏe vác quân trang hộ. Ai không thể đi thì đồng đội thay nhau cáng. Người ốm nặng phải ở lại bệnh xá, chờ khỏe để giao liên dẫn đi tiếp hoặc nhập với đoàn đi sau. "Đoàn tôi 37 người, nhưng khi đến nơi chỉ còn 10 người. Phần lớn ốm dọc đường, có những người hơn một năm mới vào đến nơi. Cũng có người mất do bệnh nặng", ông nói.
Nói về những lần chết hụt, ông Việt Anh vẫn không thể quên ngày đầu tháng 4/1970. Đi qua trạm giao liên H4 ở dãy Trường Sơn, đoàn của ông bị quân Mỹ pháo kích. Chiến sĩ đặc công nhanh chóng kéo ông và một cán bộ nữa vào hầm trú ẩn. Quả pháo khoan xuyên qua lớp đất, trúng vị trí ba người đang ẩn nấp. Pháo không nổ nhưng khoan trúng đầu chiến sĩ đặc công. Vết thương quá nặng, máu chảy nhiều, chiến sĩ ấy đã hy sinh.
Trận pháo kích kết thúc, giao liên ra hiệu cho hai người nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp khác kiên cố hơn. "Hỏi đồng đội mới biết chiến sĩ đặc công quê Hà Nam. Anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, chỉ mười tám, đôi mươi. Tôi ghi tên anh vào cuốn sổ tay luôn để trong người. Nhưng sau nhiều năm chiến tranh, cuốn sổ đã thất lạc", ông Việt Anh kể.
Những lần cận kề cái chết như thế rất nhiều, đến mức thành quen thuộc đối với cán bộ đi B trên suốt chặng đường vào Nam. Giờ nhớ lại, ông Việt Anh vẫn tự hỏi: "Sao mình có thể sống được đến giờ này. Nếu quả bom khoan năm đó phát nổ thì mình đã không còn được chứng kiến ngày đất nước thống nhất".
Ông Nguyễn Việt Anh nói về cảm nhận khi được tuyển chọn làm cán bộ đi B. Video: Sơn Hà
Là thầy giáo dạy Văn, ông Việt Anh ban đầu nghĩ vào Nam là "mở lớp, truyền tải kiến thức cho học sinh". Nhưng thực tế chỉ hơn 30 người làm tại cơ quan của Bộ Giáo dục, số còn lại được phân công nhiệm vụ khác như làm thông tấn, văn hóa, văn nghệ, nông vận, binh vận. Ông Việt Anh cùng một người nữa được điều sang làm trợ lý văn hóa của Trung đoàn 180, đóng ở Tây Ninh. Đây là cơ quan an ninh có nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Cục miền Nam.
Trung đoàn 180 kết hợp Bộ Giáo dục mở khóa đào tạo cho cán bộ tiểu đội. Đến năm 1975, sau khi có chủ trương mở lớp cải tạo giáo chức của chính quyền Sài Gòn cũ, ông Việt Anh được điều động giảng dạy tại các lớp học này. Thời điểm này, ông gặp bà Trần Phương Nga, sau một năm trở thành vợ ông. Khi đó bà mới 21 tuổi, vừa tốt nghiệp khoa Sinh - Địa, Đại học Sư phạm.
Cuối năm 1976, hoàn thành nhiệm vụ, vợ chồng ông bà trở lại Hà Nội và tiếp tục công tác trong ngành giáo dục. Nhớ lại năm tháng đi B, ông tự hào: "Nếu được chọn lại, tôi vẫn tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Đó không chỉ làm nhiệm vụ được giao phó mà còn là vì đồng bào miền Nam ruột thịt".
Đại tá PGS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, nhìn nhận chủ trương đi B thể hiện quan điểm lớn "Bắc Nam một nhà, miền Nam là máu thịt", đáp ứng kịp thời yêu cầu kháng chiến, bổ sung lực lượng cho cách mạng miền Nam. Đây là lực lượng nòng cốt xây dựng quân giải phóng miền Nam và cơ sở chính quyền cách mạng ở những vùng giải phóng.
"Đến nay chưa cơ quan nào thống kê đầy đủ số người đi B, nhưng có thể khẳng định con số rất lớn", đại tá Long nói.
Riêng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Bộ Nội vụ) lưu giữ 72.000 hồ sơ của cán bộ dân sự đi B giai đoạn 1969-1975, trong đó 55.000 hồ sơ chưa tìm được chủ nhân. Ngoài số cán bộ này, còn rất nhiều người đi theo diện quân sự mà Trung tâm không quản lý.