Gần đến ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968), cựu thanh niên xung phong Trần Thị Thông ở TP Vinh (Nghệ An) lại bận rộn chuẩn bị tư liệu, tiếp đón các đoàn khách. Người phụ nữ 70 tuổi bảo không bao giờ quên những năm tháng đối mặt với mưa bom bão đạn ở chiến trường Truông Bồn.
Là chị cả trong gia đình đông anh em ở huyện Yên Thành (Nghệ An), năm 1965 khi tròn 17 tuổi, Trần Thị Thông làm đơn gia nhập Thanh niên xung phong. Được kết nạp Đảng một năm sau đó, chị Thông nhận nhiệm vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 (hay còn gọi là Tiểu đội cảm tử; Tiểu đội thép) Đại đội 317, Đội 65, thuộc Tổng Thanh niên xung phong Nghệ An tham gia bảo vệ Truông Bồn.
Những năm 1960-1970, quốc lộ 1A qua cửa ngõ Quân khu 4 liên tục bị giặc Mỹ ném bom khiến việc vận chuyển quân lương, đạn dược cho chiến trường miền Nam bị hạn chế. Quốc lộ 15A với chiều dài khoảng 200 km nối với quốc lộ 1A ở tỉnh Thanh Hóa và đi qua Nghệ An được chọn làm tuyến đường thay thế.
Nhằm hủy diệt các nút giao thông quan trọng trên tuyến 15A, tháng 3/1967 Mỹ điều máy bay F8A, F4, F11 từ căn cứ quân sự Utapao (Thái Lan) và đảo Guam (Philippines) thực hiện hàng nghìn lượt ném bom. Truông Bồn - dãy đèo dốc dài khoảng 5 km ở huyện Đô Lương (Nghệ An) là điểm bị đánh phá ác liệt nhất bởi để vào miền Nam bắt buộc phải qua đây.
Có ngày, máy bay Mỹ quần thảo hàng chục lần, tiếng bom không lúc nào ngớt. 14 thanh niên xung phong do Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông chỉ huy được giao nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm, hễ máy bay rút là lập tức mang cuốc, xẻng san cào lấp hố bom càng nhanh càng tốt để kịp xe thông qua.
"Ban đêm, 12 cô gái và 2 chàng trai còn đứng làm cọc tiêu giơ khăn màu trắng hoặc xé bẹ cây chuối có màu trắng lát thành đường dẫn xe qua. Vui nhất là những lúc lấp xong hố bom, nhìn thấy các anh bộ đội lái xe chạy qua. Chị em còn ngân thêm vài câu hát để động viên chiến sĩ hành quân...”, bà Thông kể.
Tranh thủ những giờ không bận việc, anh chị em trong Tiểu đội lại quây quần học văn hóa, giúp bà con nhân dân địa phương tăng gia sản xuất, cùng ăn ở với nhau như người một nhà. Nhưng những ngày tạm bình yên ấy đã không thể kéo dài bởi trận bom sáng 31/10/1968.
Sáng hôm đó, sau khi lót dạ bằng mì bột vắt cục, Tiểu đội nhận lệnh san lấp hố bom để kịp cho tốp xe sắp qua. Khi họ đang cặm cụi đào đất thì nghe báo động máy bay tới. Khác với những lần trước, máy bay thường bay qua rồi mới vòng lại để thả bom, lần này chúng thả luôn khi bay tới.
Chỉ 4 tiếng buổi sáng 31/10/1968, giặc Mỹ đã điều ba tốp máy bay, ném khoảng 200 quả bom các loại xuống dải đất chỉ rộng khoảng 50 m, dài 120 m ở Truông Bồn, ông Nguyễn Tâm Cớn (79 tuổi), cựu Đội trưởng phá bom ở Truông Bồn, cho biết.
Trên trời máy bay chằng chịt, bom rơi như vãi thóc. Bom xới tung mặt đất, vùi lấp Tiểu đội thanh niên xung phong. Ngoài những quả bom đã nổ thì còn một lượng lớn bom nổ chậm, bom từ trường nằm rải rác khiến việc cứu hộ, tìm kiếm người bị chết và mất tích rất khó khăn.
Tiểu đội trưởng Thông chỉ kịp giơ khẩu súng lên trời ra hiệu cho đồng đội rồi nhảy vào cửa hầm gần đó, nơi có hai người đã nhảy xuống trước. Sau câu nói "giờ chịu nằm đây chứ chạy cũng không kịp nữa", lúc tỉnh dậy bà thấy mình nằm ở trạm xá.
Chính nhờ một phần nòng súng nhô lên khỏi mặt đất, lực lượng cứu hộ mới phát hiện ra bà Thông. 13 đồng đội của bà đã hy sinh, có người chỉ tìm được vài mảnh thi thể. Họ mới mười bảy, đôi mươi, có người nhận được giấy báo đậu đại học, chỉ vài ngày nữa lên đường...
“Thương nhất là anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm có tình cảm với nhau nhưng không dám công khai. Tối hôm trước, anh Hòa tâm sự với tôi nếu sau này chúng em cưới thì sẽ mời chị và đồng đội tới dự. Tôi gật đầu đồng ý...”, cựu thanh niên xung phong bỏ dở câu nói, mắt đỏ hoe.
Từng hai lần hành quân qua Truông Bồn, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 đã chứng kiến những cô gái, chàng trai làm việc. Chuyến hành quân giữa năm 1967, là cán bộ Đại đội của binh chủng Tăng thiết giáp, ông Hưởng cùng đồng đội lái xe tới Truông Bồn thì trời tối, nhưng hàng chục thanh niên xung phong vẫn san lấp hố bom, hướng dẫn xe qua.
“Trong lúc ác liệt, nhưng tiếng nói tiếng cười của các anh chị vẫn rộn ràng. Tôi xúc động nhất là các anh chị lúc đó không có giày vải, chỉ đi chân trần, đầu đội mũ rơm hoặc không có mũ. Đây là minh chứng cho tinh thần quả cảm của thanh niên xung phong lúc bấy giờ”, ông Hưởng nhớ lại.
Theo tướng Hưởng, việc Mỹ trút trận bom xuống Truông Bồn sáng 31/10/1968 chỉ ít giờ trước khi thực hiện ném bom hạn chế miền Bắc là nhằm gửi thông điệp tới quân đội Việt Nam rằng lực lượng của địch rất mạnh, nếu cần chúng có thể quay trở lại đánh phá ác liệt như vậy...
Từ năm 1964 đến 1968, tuyến đường 15A hứng chịu hơn 18.930 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 làng dọc tuyến đường. 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã bị thương.
Năm 2008, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc Đại đội 317. Năm 2015 tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn với tổng diện tích 21,7 ha, tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng...