Theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y Emory, Atlanta, ký ức của con người, hay những thông tin được thế hệ trước tiếp nhận, có thể được truyền lại cho thế hệ sau thông qua những thay đổi hóa học xảy ra ở ADN. Từ đó cho phép con cháu kế thừa được những kinh nghiệm của tổ tiên.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học tiến hành luyện tập cho các con chuột sợ ngửi mùi hoa anh đào và sử dụng sốc điện nhẹ trước khi chúng sinh sản. Sau thí nghiệm, các con chuột cái đều có những biểu hiện sợ hãi khi ngửi mùi hoa anh đào so với các mùi hương khác, Telegraph cho hay.
Khi quan sát những con chuột ở thế hệ sau, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện các hành vi tương tự. Hiệu ứng này vẫn tiếp tục xảy ra ngay cả khi những con chuột được sinh ra bởi thụ tinh nhân tạo. Tiến hành phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện bộ não của những con chuột thế hệ trước và con cái của chúng đều có những thay đổi về cấu trúc ở khu vực nhận diện mùi hương.
Kết quả này cho thấy bằng cách nào đó, những kinh nghiệm của thế hệ trước đã được truyền từ não vào hệ gene cho thế hệ sau. Giáo sư Marcus Pembrey, một nhà di truyền học tại đại học London, cho biết phát hiện mới này cung cấp một bằng chứng thuyết phục về sự truyền tải sinh học của trí nhớ.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu làm thế nào để những thông tin lưu trữ được trên ADN và mở rộng nghiên cứu về các phản ứng của gene ở người.
Các nghiên cứu trước đây đều cho rằng những ký ức và kinh nghiệm của một cá thể chỉ có thể được truyền lại bằng kinh nghiệm cá nhân hoặc thông qua sự truyền đạt từ thế hệ trước.
Đức Huy