Làng biển Mân Thái nằm giữa bán đảo Sơn Trà và công viên Biển Đông, gắn với nghề đánh bắt cá gần bờ. Chiều muộn ghe tàu xuất bến, rạng sáng hôm sau về. Nếu trời yên biển lặng, những chuyến biển thường kéo dài đến 28-29 Tết.
Trước kia cứ 6h ngày giáp Tết, làng Mân Thái huyên náo khi chủ tàu gọi người tới nhà mổ heo. "Lũ trẻ bị đánh thức bởi tiếng người lớn, tiếng heo kêu, cũng í ới rủ nhau đi xem", anh Nguyễn Quang, 40 tuổi, nhớ lại.
Khi ấy, anh Quang 10 tuổi thường nép sau lưng bố, vớ lấy tà áo còn nguyên vị mặn của biển để dụi mắt cho tỉnh ngủ. Bố anh là ngư dân đi làm cho một chủ ghe trong làng nên được chia một phần thịt heo.
Thịt làm xong được đặt lên chiếc nia, dưới lót lá chuối. Chủ ghe chia phần bằng cách xâu từng miếng thịt vào dây lạt hoặc dây cước, dùng mắt để ước lượng từng phần đều nhau, đều có thịt nạc, ba chỉ, mỡ đến xương để các bạn nghề mang về ăn Tết. Lòng heo thì nấu tại chỗ để mọi người ăn chung bữa cơm tất niên.
Người làng Mân Thái không nhớ tục chia thịt heo sau chuyến biển cuối năm bắt đầu từ khi nào. Trong ký ức của ông Huỳnh Văn Mười, 58 tuổi, khi còn thanh niên, ông được bố giao nhiệm vụ mang thịt heo đi biếu họ hàng và những ngư dân lớn tuổi trong làng không còn đi biển để "giữ chữ tình". Bố ông Mười là chủ ghe nên năm nào nhà ông cũng mổ heo.
"Tôi đặt một tợ (một khổ) thịt trên đĩa như lời ba dặn, đến nhà ngư dân thì thưa trình: Năm nay ba có phần chia thịt heo, ba cho con đến đây trước thưa sau kính ông bà một tợ thịt để cúng 3 ngày Tết", ông Mười thuật lại. Với người miền biển, ngày xuân không biết quà to hay nhỏ nhưng quý nhất vẫn là miếng thịt heo.
Mỗi ghe thường có một chủ và 12 thuyền viên, người địa phương gọi là bạn nghề. Ông Trần Văn Thanh, 60 tuổi, Việt kiều Australia, kể 40 năm trước làm bạn nghề cho một chủ ghe trong làng. Tết ông được chia 3-4 kg thịt heo thì mang về cho mẹ. Gia đình có nhiều anh em cùng đi biển thì ai cũng được chia phần, nhiều thịt heo treo trong nhà nên ăn Tết cũng to hơn những nhà khác.
Sau khi chia phần thịt cho bạn nghề, chủ ghe giữ lại cái thủ, cổ, 4 móng heo và cái đuôi. Sáng mùng 1 Tết, tất cả bạn nghề tập trung, người hợp tuổi với chủ ghe sẽ đến nhà xông nhà với mong muốn mang đến cho gia chủ và gia đình sự may mắn, tài lộc, những người còn lại sau đó vào chúc Tết.
Chủ ghe dùng đầu heo và các phần thịt để dành cúng tổ nghề biển, cầu cho năm mới làm ăn được mùa rồi xẻ ra, rót rượu mời mọi người. Sau đó, họ cùng nhau đến nhà 12 bạn nghề chúc Tết và mừng tuổi nhau. Nhà có rượu thì uống vài ly, nhà khó khăn hơn thì uống trà, nhưng luôn rộn rã tiếng cười.
Khoảng 30 năm trước, thịt heo với dân miền biển rất giá trị. "Không dễ gì được ăn lát thịt heo vì cơm còn chưa đủ no lấy gì làm thức ăn cho heo", ông kể. Ngư dân thường ăn cá, vì được chủ tàu chia phần mang về sau chuyến biển. Ngoài chợ, cá cũng rẻ nhiều lần so với thịt heo nên thường họ chỉ ăn thịt vào dịp Tết.
Chưa có tủ lạnh, tủ đông, ngư dân tự nghĩ ra nhiều cách để trữ thịt. Thường ngư dân chiên thịt ba chỉ cho vàng cạnh rồi ngâm nước mắm nhỉ cá cơm, mỡ rán lên rồi cất vào hũ, còn thịt nạc thì thái mỏng, trộn với tiêu, mì chính và lá đinh lăng rồi gói lại bằng lá chuối làm nem, vài ngày sau nướng lên ăn...
Nhà ông Thanh thường dùng thịt tươi để nấu cà ri hoặc nấu hon (gần giống món giả cầy ngoài Bắc), phần còn lại ủ muối hột để dành ăn dần hoặc luộc lên ngâm mắm. "Thịt ngâm mắm xắt ra ăn với bánh tét rất ngon", ông nhớ lại.
Còn mẹ anh Quang thường dùng phần thịt được chia để kho rim hoặc ngâm mắm. Bây giờ dù có tủ lạnh, ngày Tết bà vẫn làm hai món này vì "ăn vừa ngon vừa tiện lợi, chỉ cần hâm nóng lại là dùng ngay".
Anh Quang cho biết tục chia thịt của bạn nghề cũng là lúc người dân miền biển nghỉ ngơi, tận hưởng thành quả mình làm ra. Những năm biển mất mùa, cái Tết không được trọn vẹn. Nhưng được hay mất mùa, tục chia thịt heo vẫn phải duy trì. Nhà nào không đi biển thì phải đi chợ mua thịt heo.
Ngày Tết, các bạn nghề cũng được chủ ghe chia tiền công sau những ngày lênh đênh trên biển. Số tiền này được dùng sắm áo quần cho con cái. "Với dân miền biển, quần áo đi học không sắm vào dịp khai giảng mà vào Tết. Đó là món quà thực sự với những đứa như chúng tôi ngày đó", anh Quang nói.
Tục chia thịt heo đã mai một khoảng 20 năm nay khi đời sống người dân khấm khá, tiện nghi hơn và nhiều người đã chuyển đổi nghề. Thi thoảng mới còn chủ ghe giữ tục cũ. Nhưng trong ký ức của anh Quang, ông Thanh, đó là một ngày vui. "Hồi xưa nghèo khó, nhưng khi ngồi chung với nhau, chia từng phần thịt heo thấy rất thân thương. Ngư dân đoàn kết, xóm làng yên vui", ông Thanh nói.