Sáng 9/9, sau hơn ba tháng được điều trị, chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bé đã ổn định sức khỏe, nặng 1,8 kg, chuẩn bị được xuất viện.
"Đây là em bé non tháng nhất Việt Nam được cứu sống, là một kỳ tích trong ngành điều trị sơ sinh, nhất là trẻ non tháng", Phó giáo sư Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết.
Ba tháng trước, sản phụ sinh năm 1997 ở Yên Thành, Nghệ An, được chuyển từ bệnh viện tỉnh đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương vì tiền sản giật. Kiểm tra thai suy, các bác sĩ chỉ định đình chỉ thai kỳ sớm, xác định cứu người mẹ.
Ngày 1/6, sản phụ sinh mổ. Em bé chào đời nặng 400 gram vẫn có dấu hiệu của sự sống, lập tức được các bác sĩ cấp cứu với hy vọng "còn nước còn tát".
"Khi ấy bé chỉ nhỏ như một chiếc xi lanh 50 ml, lọt thỏm trong lòng bàn tay của nhân viên y tế", Tiến sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh, nhớ lại.
Sau mổ, người mẹ ổn định, không thể gặp con bởi em bé đang được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp. Cả bác sĩ và gia đình đều xác định tâm lý rằng em bé khó có thể qua khỏi. Mẹ được xuất viện về nhà ít ngày sau đó. Mọi công việc chăm sóc, điều trị bé phụ thuộc hoàn toàn vào các bác sĩ ở Trung tâm.
Bác sĩ Trác cho biết, sau sinh, bé suy dinh dưỡng nặng, teo đét, phải thở máy ngay. Tất cả các cơ quan như gan, thận, não, phổi, tuần hoàn... vô cùng non yếu. Với một em bé nặng 400 gram, chân nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn, việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn.
Khi mới sinh, em bé được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Đến ngày thứ 15, bữa ăn đầu tiên qua đường miệng, bé chỉ ăn 1,5-2 ml/bữa. Sau 23 ngày, bé ăn 5 ml sữa/bữa, tần suất ăn 16 bữa một ngày, các y bác sĩ nhỏ sữa từng giọt cho em bé.
"Sau 3 tháng 9 ngày, hiện tại em bé đã nặng 1.800 gram, tự thở khí trời, ăn sữa 200 ml/ngày. Đây là sự tăng trưởng kỳ tích của trẻ, với mức tăng trưởng 15% cân nặng một tuần", bác sĩ Trác thông tin.
Là người chăm sóc cho bé từ những ngày đầu, bác sĩ Nguyễn Thu Hoa, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh, cho biết khoảng 20 ngày đầu, bụng bé chướng căng, thâm đen lại, hầu như không ăn được gì. Các bác sĩ đưa một ống xông nhỏ vào hậu môn của bé để bơm nước muối, hút phân su ra bởi bé không có sức để đại tiện.
"Người mẹ ở trong vùng dịch nên không thể ra Hà Nội với con, đã từng nhờ các bác sĩ lo hậu sự cho bé nếu điều xấu xảy ra. Không ngờ từ nỗ lực của các y bác sĩ và sự kiên cường của em bé, sự sống vẫn được tiếp nối đến hôm nay", bác sĩ Hoa nói.
Bác sĩ Hoa cho biết, em bé vượt qua, lớn lên từng ngày nhờ chính những giọt sữa mẹ mà nhân viên y tế xin của các sản phụ, và hoặc từ những hộp sữa bột mà các y bác sĩ tự gom tiền mua cho bé. Ngoài các biện pháp điều trị trẻ non tháng theo phác đồ, bé được các bác sĩ sử dụng liệu pháp massage ngay trong lồng kính.
Người mẹ sáng nay được ấp con trong lòng, truyền hơi ấm cho con, nói rằng "như một giấc mơ". "Nàng biết mỉm cười, mút tay, khóc đòi ăn, có ngày ăn được hơn 300 ml sữa", người mẹ trẻ chia sẻ.
Ông Cường cho biết, tình trạng tiền sản giật là bệnh lý khủng khiếp nhất trong xử lý thai nghén cấp cứu. Vì thế, trong quá trình chẩn đoán, nếu có yếu tố đe dọa tính mạng, thai phụ sẽ buộc phải đình chỉ thai kỳ. Song, ông khuyên những người mẹ không may nguy cơ sinh non, bé được 27-28 tuần thai, nặng dưới 1.000 gram, đừng từ bỏ, đừng vội buồn bã buông xuôi, hãy quyết tâm và cùng bệnh viện chăm sóc để tìm cơ hội sống cho em bé.
"10 năm trước, một em bé sinh non nặng 500 gram đã được cứu sống, nay một kỳ tích mới đã xảy ra, khẳng định sự phát triển của y học, đặc biệt trong ngành sơ sinh", ông Cường nói.