Xạ trị, cùng với phẫu thuật và hóa trị (liệu pháp điều trị toàn thân), là một trong ba trụ cột chính của điều trị ung thư. Xạ trị trong bối cảnh hiện đại có thể chữa khỏi một số loại ung thư, bao gồm ung thư phổi. Phương pháp này cũng được sử dụng để điều trị giảm nhẹ khi cần giảm triệu chứng cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Brendan Chia, chuyên gia xạ trị ung thư tại Bệnh viện Raffles Singapore, tầm quan trọng của xạ trị trong điều trị ung thư là rất lớn. Gần 50% bệnh nhân ung thư sẽ cần phương pháp này trong quá trình điều trị.
Mới đây, bác sĩ Chia đã có buổi trò chuyện cùng VnExpress, chia sẻ chi tiết về vai trò, tác dụng và hiệu quả của xạ trị trong điều trị ung thư, nhất là ung thư phổi. Theo đó, nhiều công nghệ mới đang được bệnh viện Raffles Singapore áp dụng cũng được chia sẻ, giúp độc giả có thêm góc nhìn về việc điều trị căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu thế giới này.
- Theo bác sĩ có những tiến bộ công nghệ nào giúp cải thiện tỷ lệ hiệu quả và độ chính xác của phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư?
- Những tiến bộ khoa học công nghệ trong việc xử lý hình ảnh chẩn đoán bệnh án là một trong những bước ngoặt mang tính quyết định và ý nghĩa to lớn của phương pháp xạ trị. Chẳng hạn như PET/CT, một trong những kỹ thuật phát hiện tổn thương ung thư chính xác hàng đầu hiện nay.
Đã có nhiều tiến bộ về kỹ thuật hình ảnh dùng trong xạ trị. Bất kỳ tiến bộ nào bạn thấy trong y học hạt nhân chẩn đoán cũng sẽ được áp dụng. Tại Trung tâm Ung thư thuộc bệnh viện Raffles Singapore, chúng tôi không chỉ chụp PET với Fluoride, mà còn dùng FAP PET để chụp não. Bác sĩ sẽ dùng các kỹ thuật cộng hưởng từ (MRI) khác nhau trong xạ trị để có hình ảnh tốt hơn của khối u.
Một tiến bộ khác là chụp cắt lớp 4 chiều (CT 4D). Phương pháp giúp tính đến biên độ di động của khối u. Khối u có thể di chuyển nhiều, cao nhất có thể thay đổi vị trí khoảng 1,5-2 cm khi bệnh nhân thở. Vì vậy chúng phương pháp này khá hữu ích trong giai đoạn lập kế hoạch xạ trị, giúp định vị chính xác khối u, gia tăng hiệu quả điều trị.
- Trí tuệ nhân tạo tác động như thế nào đến quá trình tạo đường viền và lập kế hoạch trong xạ trị?
- Đây là vấn đề quan trọng mà tôi, với tư cách là bác sĩ xạ trị ung thư, hy vọng có thể đóng góp nhiều hơn trong lĩnh vực này. Trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng trong y học để chẩn đoán từ lâu. Hiện nay, nó còn được ứng dụng trong điều trị và hỗ trợ quyết định xạ trị.
AI giúp giảm đáng kể thời gian, công sức đội ngũ xạ trị bao gồm bác sĩ, kỹ thuật viên và kỹ sư vật lý hạt nhân. Ví dụ, trong việc dựng hình, các quy trình có thể được tự động hóa. Khi đó, chúng thường được cải thiện nhờ tính đồng nhất, cho hiệu quả cao hơn. Điều này cho phép chúng ta tạo ra các kế hoạch điều trị tốt hơn trong thời gian ngắn hơn. Đồng nghĩa với việc bệnh nhân được điều trị nhanh chóng, chính xác hơn.
- Lợi ích của xạ trị định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy-SBRT) so với các phương pháp xạ trị truyền thống là gì?
- Theo tôi, xạ trị định vị thân (SBRT) đang giữ vai trò lớn trong lĩnh vực xạ trị ung thư. Đây là phương pháp chiếu liều bức xạ rất cao trong thời gian rất ngắn, tương tự tạo một "cú sốc" và gây tổn thương diện rộng cho chính khối u.
Tuy nhiên, điều trị xạ trị định vị thân cần tuyệt đối chính xác. Vì liều xạ trị được sử dụng rất cao và phải tập trung đúng vào khối u. Điều này đòi hỏi việc lập bản đồ định hình vùng xạ trị phải được thực hiện rất cẩn thận và chính xác.
- Liệu pháp proton khác với xạ trị thông thường thế nào và mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em?
- Xạ trị proton là bước đột phá so với xạ trị truyền thống (còn gọi là xạ trị photon). Đây là kỹ thuật sử dụng bắn các hạt tích điện vào cơ thể bệnh nhân với tốc độ rất cao. Khi hạt tích điện (như proton) đi vào bên trong cơ thể, liều bức xạ tại điểm vào sẽ thấp hơn rất nhiều so với xạ trị truyền thống, giúp giảm lượng bức xạ tại điểm tiếp xúc đầu tiên phía trước khối u.
Lợi ích khác của liệu pháp proton là nó tích tụ năng lượng rất cao tại vị trí mong muốn, ở độ sâu mà chúng ta nhắm đến. Ví dụ, nếu khối u nằm sâu 5 cm, chúng ta có thể kiểm soát proton dừng chính xác tại vị trí 5 cm và tạo ra liều bức xạ mạnh tại đó, không có liều nào vượt ra ngoài vị trí. Đây là điểm nổi bật của xạ trị proton. Trong khi đó, nếu sử dụng xạ trị truyền thống, liều bức xạ sẽ xuyên qua toàn bộ quãng đường phía trước khối u. Bệnh nhân vẫn phải nhận liều bức xạ đáng kể ở sau khối u ở vị trí 5 cm.
Xạ trị proton mang lại một lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân vì có thể bảo vệ nhiều cơ quan khỏe mạnh khỏi tác động của bức xạ, từ đó giảm thiểu tác dụng phụ. Đặc biệt, với bệnh nhân nhi, liệu pháp này giúp giảm nguy cơ mắc ung thư thứ phát và các tác dụng phụ lâu dài.
Với lợi ích thứ hai, ví dụ khi điều trị u cột sống, xương của bệnh nhân được bảo tồn vì có thể tập trung bức xạ tại ống sống mà không ảnh hưởng đến thân đốt sống. Nhờ đó, bệnh nhân nhi có thể phát triển xương bình thường hơn vì xương không nhận liều bức xạ cao. Điều này mang lại cơ hội phát triển tối ưu cho trẻ em. Đây là ví dụ điển hình về cách mà bệnh nhân nhi hưởng lợi từ liệu pháp proton.
- Những tiến bộ trong công nghệ quản lý chuyển động, như hệ thống theo dõi điểm chuẩn và giám sát bề mặt quang học đã góp phần cải thiện kết quả điều trị như thế nào?
- Các công nghệ quản lý chuyển động như theo dõi điểm đánh dấu (fiducial tracking) và hệ thống giám sát bề mặt quang học (optical surface monitoring systems) giúp theo dõi chuyển động của khối u. Giám sát bề mặt là một cách sử dụng dấu hiệu bên ngoài để xác định chuyển động của khối u.
Điều này có ích vì khi theo dõi chuyển động, việc chiếu xạ có thể được thực hiện chính xác; nghĩa là không cần phải chiếu xạ vùng lớn khi điều trị khối u, cho phép thực hiện việc điều trị ở vùng chiếu nhỏ và chính xác, qua đó cải thiện kết quả điều trị. Vùng chiếu nhỏ hơn cũng đồng nghĩa với việc có thể hạn chế chiếu xạ vào các mô lành, nhờ các kỹ thuật quản lý chuyển động.
- Xin bác sĩ vui lòng giải thích chi tiết về sự cộng hưởng giữa xạ trị và liệu pháp miễn dịch, đặc biệt trong bối cảnh các nghiên cứu và chiến lược điều trị mới nổi.
- Đây là đề tài lớn đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Hiện có một số thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đang được tiến hành. Chúng ta biết rằng có sự cộng hưởng giữa xạ trị và liệu pháp miễn dịch, nhưng mức độ và cách sử dụng hiệu quả thì chưa rõ ràng.
Ví dụ, một thử nghiệm giai đoạn 2 Pembrolizumab kết hợp với xạ trị (RT), cho thấy rằng ở những bệnh nhân ung thư phổi có khối u PD-L1 âm tính hoặc thấp. Khi bệnh nhân được điều trị miễn dịch với Pembrolizumab kết hợp với xạ trị định vị thân (SBRT) hoặc xạ trị, họ có xu hướng sống lâu hơn và thời gian kiểm soát bệnh dài hơn.
Điều này là do bức xạ có thể tự kích hoạt phản ứng miễn dịch. Khi kết hợp với liệu pháp miễn dịch, phản ứng này trở nên bền vững hơn. Đây là lý thuyết cơ bản, tất nhiên, cần có thêm các nghiên cứu giai đoạn 3 để làm rõ hơn.
Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp. Chẳng hạn như chúng ta chưa biết thời điểm tối ưu để kết hợp liệu pháp miễn dịch với xạ trị, cũng chưa nắm được liều lượng bức xạ tối ưu nên được áp dụng là bao nhiêu, hay khu vực cụ thể nào cần chiếu xạ. Do đó, vẫn còn nhiều nghiên cứu cần được thực hiện, nhưng lĩnh vực này có rất nhiều tiềm năng phát triển.
- Những thách thức nào vẫn tồn tại trong lĩnh vực xạ trị mặc dù đã có những đổi mới về công nghệ, làm thế nào giải quyết trong tương lai?
- Lĩnh vực xạ trị vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức mặc dù đã có nhiều đầu tư vào công nghệ. Một trong những thách thức lớn là việc kết hợp xạ trị với liệu pháp miễn dịch, hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Một thách thức lớn khác trong lĩnh vực xạ trị là khả năng tiếp cận dịch vụ này. Đây là vấn đề lớn vì khả năng tiếp cận cơ bản không đồng đều trên thế giới. Vẫn còn nhiều nơi bệnh nhân chưa thể tiếp cận xạ trị dù cần thiết. Ngoài ra, một lĩnh vực khác đang được nghiên cứu là cách quản lý và dự đoán hiệu quả tác dụng phụ, xác định tình huống nào có thể giảm liều hoặc tăng liều xạ trị.
Dù biết xạ trị rất hiệu quả song câu hỏi đặt ra là không phải mọi bệnh nhân đều giống nhau và mỗi khối u đều có tính chất riêng biệt. Vì vậy, trong tương lai, cần nghiên cứu kỹ hơn về liều lượng và phương pháp thực hiện xạ trị.
- Những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực xạ trị đã ảnh hưởng thế nào đến trải nghiệm và kết quả điều trị của bệnh nhân, nhất là về thời gian điều trị và tác dụng phụ?
- Có thể nhận thấy các tiến bộ có tác động lớn đến bệnh nhân từ kinh nghiệm cá nhân của tôi khi so sánh giữa xạ trị 3D, sau đó là xạ trị cung điều biến thể tích (VMAT) và hiện tại là liệu pháp proton. Ví dụ, với ung thư đầu và cổ, có thể thấy sự khác biệt rõ rệt về những gì bệnh nhân trải qua trong quá trình điều trị.
Trước đây, bệnh nhân thường gặp nhiều tác dụng phụ như tổn thương da, khô miệng, ảnh hưởng đến giọng nói và nuốt, gây khó khăn lớn trong sinh hoạt. Những tác dụng phụ dài hạn từ các kỹ thuật xạ trị truyền thống hoặc phương pháp cũ thường gây xơ hóa nhiều, làm cổ bị cứng và kém linh hoạt.
Khi chuyển sang các kỹ thuật như VMAT và xạ trị điều biến cường độ IMRT, tình trạng này đã được cải thiện. Bệnh nhân ít bị cứng da và khô miệng hơn. Song vẫn còn một số tác dụng phụ như viêm niêm mạc miệng, loét miệng và khó nuốt.
Giờ đây, với liệu pháp proton, mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Bệnh nhân ít gặp tình trạng loét miệng hơn và có thể chịu đựng điều trị tốt hơn. Tôi có một bệnh nhân rất thích leo núi, cô ấy mắc một loại u não gọi là u thần kinh đệm (Glioma). Đây là một khối u lớn. Theo cách điều trị truyền thống với xạ trị, bệnh nhân thường sẽ rất mệt mỏi, nôn ói và gặp nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
Nhưng với liệu pháp proton, khi tôi điều trị xạ trị kết hợp với hóa trị, cô ấy vẫn có thể tiếp tục leo núi. Gần cuối liệu trình, cô ấy cảm thấy hơi mệt mỏi nhưng đã hồi phục rất nhanh sau đó. Một tuần sau khi kết thúc, bệnh nhân đã quay lại leo núi. Đây là điều rất hi hữu với trường hợp bị glioma.
Bác sĩ Brendan Chia chuyên khoa Xạ trị Ung thư, tốt nghiệp cử nhân Y khoa tại Đại học Quốc gia Ireland trước khi tham gia đào tạo cao học chuyên khoa về xạ trị ung thư tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore và các viện trường danh tiếng tại Singapore, Anh.
Bác sĩ Chia đã được đào tạo chuyên sâu và thực hành về Cyberknife, xạ trị áp sát, các loại ung thư lâm sàng tổng quát, tiền liệt tuyến, phụ khoa, vú và phổi. Ông cũng được đào tạo về xạ trị proton để điều trị một số bệnh ung thư tại Italy và Nhật Bản. Lĩnh vực chuyên môn của bác sĩ Chia bao gồm sử dụng liệu pháp tia xạ điều trị nhiều loại ung thư. Ông có kinh nghiệm và thành thạo nhiều kỹ thuật xạ trị tiên tiến như xạ trị proton, xạ phẫu định vị lập thể, xạ phẫu định vị thân và xạ trị cung điều biến thể tích để tăng cường kết quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Thy An
Raffles Medical Group thành lập tại Singapore năm 1976. Đơn vị cung cấp dịch chăm sóc sức khỏe toàn diện với hệ thống phòng khám đa khoa Raffles Medical và các bệnh viện tuyến đầu, có mặt tại 14 thành phố châu Á ở 5 quốc gia (Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Việt Nam).
Tháng 10/2023, Raffles Medical Group tại Singapore trở thành đối tác chiến lược với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Mỹ Mỹ, Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tại TP HCM, cùng cam kết thúc đẩy, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Việt và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Đặt lịch hẹn với bác sĩ Brendan Chia tại Bệnh viện Raffles Singapore theo thông tin sau:
TP HCM
Điện thoại: 0912175162 - 0947815338
Email: hcm@rafflesmedical.com
Hà Nội
Điện thoại: 0941978228 - 0936328588
Email: hanoi@rafflesmedical.com
Singapore
Điện thoại: (+65) 65111111
Email: vietnam@rafflesmedical.com