Các kỹ sư và thợ thủ công đang làm việc không ngừng nghỉ để xây dựng lại phần mái của nhà thờ Đức Bà bị phá hủy hoàn toàn trong trận hỏa hoạn. Họ chọn kỹ thuật thời Trung Cổ nhằm phục dựng phần mái về trạng thái ban đầu một cách chính xác. Theo Peter Henrikson, một trong số những thợ mộc, sử dụng rìu tay để lắp ráp nhiều dầm gỗ sồi giúp tạo ra khung gỗ chuẩn xác rất khó khăn đối với công nhân xây dựng thời nay, Interesting Engineering hôm 1/6 đưa tin.
Nhà chức trách quyết định sử dụng kỹ thuật thời Trung Cổ dù có sẵn nhiều giải pháp công nghệ hiện đại nhằm tưởng nhớ tay nghề xuất sắc của thợ xây nhà thờ ban đầu và đảm bảo duy trì nghệ thuật đóng gỗ có niên đại hàng thế kỷ.
Thợ mộc và kỹ sư được giao thời hạn phục dựng phần mái nhà thờ vào tháng 12/2024. Họ cũng sử dụng mô hình máy tính để đẩy nhanh công tác tái xây dựng. Máy tính hỗ trợ các thợ mộc tạo ra bản vẽ chi tiết. Điều này đặc biệt hữu ích nhằm đảm bảo những thanh dầm đục đẽo thủ công khớp hoàn toàn với nhau.
Nhóm thợ xây đạt cột mốc quan trọng hồi tháng 5/2023 sau khi lắp ghép khung gỗ tại nhà xưởng ở thung lũng Loire phía tây nước Pháp. Các kiến trúc sư cũng tiến hành kiểm tra độ khớp của bộ khung. Hiện nay, kết cấu này đã sẵn sàng để lắp đặt bên trên nhà thờ. Tổng cộng 1.200 cây gỗ bị đốn để tạo ra bộ khung. "Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục về tình trạng ban đầu cấu trúc khung gỗ biến mất trong trận hỏa hoạn ngày 15/4/2019", kiến trúc sư Remi Fromont chia sẻ. "Bộ khung xây lại có cùng cấu trúc với khung gỗ ở thế kỷ 13. Chúng tôi sử dụng cùng loại vật liệu là gỗ sồi và công cụ là rìu".
Hồi tháng 4/2019, một trận hỏa hoạn lớn không rõ nguyên do thiêu rụi nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ cao 32 m là một trong những công trình cao nhất thế kỷ 12. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu phát hiện những thanh kẹp bằng sắt được sử dụng trong quá trình xây nhà thờ ban đầu, giúp cố định cột đá. Phát hiện hé lộ nhà thờ Đức Bà có thể là nhà thờ cổ nhất thế giới sử dụng gia cố bằng sắt.
An Khang (Theo Interesting Engineering)