Nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Mới của Anh, ra ngày 17/5, mô tả trường hợp một người đàn ông bị mất phần trên của ngón tay cái trong một tai nạn do máy gây ra. Để phục chế lại ngón tay này, các bác sĩ ở Đại học Y Massachusetts (Mỹ) đã lấy các tế bào của chính bệnh nhân tiêm vào một chiếc khung làm từ san hô (được đẽo gọt theo hình ngón tay cái). Sau đó, người ta ghép khung này vào chỗ ngón tay bị cắt cụt. Bước cuối cùng là dùng da ở phần bụng của bệnh nhân để phủ lên trên.
3 tháng sau, người đàn ông này đã có thể quay trở lại công việc làm vườn của mình. 10 tháng sau cấy ghép, sinh thiết (lấy tế bào để làm xét nghiệm) cho thấy khu vực này chứa 5% xương mới, trong khi san hô chiếm 30% và phần còn lại là mô mềm.
Các chuyên gia đánh giá kết quả này còn chưa ổn định, ngón tay còn yếu. Theo họ, công nghệ mô chỉ thực sự thành công nếu cơ thể tái tạo lại toàn bộ mô, đồng thời cấu trúc và chức năng của chúng cũng được phục hồi hoàn toàn. Họ cho rằng, nhiều bác sĩ ngoại khoa có thể thấy phương pháp này quá phức tạp, mất thời gian một cách không cần thiết, trong khi có thể áp dụng phương pháp cấy ngón chân thay cho ngón tay. Nhưng các tác giả bài báo lại cho rằng, mặc dù phương pháp này chưa thể phổ biến rộng rãi, nhưng cũng đã mở ra một tiềm năng mới cho ngành phẫu thuật tạo hình.
Thu Thủy