Trẻ 2-3 tuổi cần ngủ ít nhất 11 tiếng mỗi ngày. Giấc ngủ trưa cũng cần thiết và kéo dài khoảng 1,5 đến 2 tiếng. Thông thường, trẻ ở độ tuổi này bắt đầu lên giường khoảng 19-21h tối và thức dậy lúc 6h30-8h sáng. Mặc dù có mô hình giấc ngủ gần giống như người lớn, nhưng trẻ tuổi này trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp giấc ngủ. Vì vậy, trẻ hay thức giấc hơn người lớn và bạn phải rèn trẻ cách tự dỗ mình ngủ lại.
Dưới đây là một số phương pháp và lưu ý khi rèn trẻ 2-3 tuổi tự ngủ:
Kỹ thuật rút lui từ từ giúp trẻ cách tự trấn an và ngủ lại
Đây là một quá trình gồm 6 bước. Bước đầu là tạo thói quen ngủ, gồm có việc đọc truyện cho bé nghe. Nên cho trẻ xem những cuốn sách có chủ đề về giờ ngủ.
Bước hai là mang tới cho bé những thứ cần thiết khi ngủ như một chiếc chăn êm ái, nhạc du dương hay một vật gì đó, để trẻ không nhất thiết phải có mặt bố, mẹ ở bên vào ban đêm.
Bước ba là vỗ về bé và bạn có thể nằm xuống giường với trẻ hay đơn giản là ngồi cạnh cho tới khi con buồn ngủ.
Bạn có thể tiếp tục bước này vài lần trong đêm khi dùng phương pháp "rút lui từ từ".
Trong bước 5, tiếp tục rút lui bằng cách chuyển đi xa hơn trẻ trong khi vẫn có mặt ở trong phòng bé.
Bước cuối cùng, rút lui hẳn bằng cách đơn giản hôn con, chúc bé ngủ ngon và để trẻ buồn ngủ mà không cần mẹ vỗ về.
Kỹ thuật "Vắng mặt chốc lát"
Kỹ thuật này rất tốt cho trẻ 2-3 tuổi đã có thể tự ngủ tương đối và cần thêm một chút vỗ về. Kỹ thuật bao gồm ngồi với trẻ một thời gian ngắn, tốt nhất là dưới một phút rồi rời đi. Đến lại và ngồi một lúc cho đến khi con buồn ngủ và rời đi. Giảm dần thời gian bạn ở lại phòng để giúp bé tự túc. Để trẻ nhận biết việc bạn rời đi và khi bạn trở lại phòng, giúp bé thấy yên tâm khi nằm trên giường.
Theo sát thói quen giờ ngủ
Các thói quen trước giờ đi ngủ cần nhất quán và duy trì đơn giản. Điều này không nên thực hiện như các việc vặt mà cần biến thành một khoảng thời gian dễ chịu cho trẻ và tốn càng ít thời gian càng tốt. Thói quen tốt nên duy trì là cho bé ăn nhẹ hay uống sữa, tắm, đọc truyện, hôn chúc ngủ ngon trước khi đặt một vật quen thuộc với trẻ như chú gấu bông lên giường. Bạn có thể tạo lịch cho các thói quen này. Trong quá trình thực hiện, có thể có một số điều không giống như bạn mong đợi nhưng cuối cùng trẻ sẽ dần dần tuân theo.
Dành cho trẻ sự củng cố tích cực
Củng cố tích cực khuyến khích trẻ tự ngủ và bạn có thể thưởng cho trẻ bằng các hình dán ngộ nghĩnh hay món quà nhỏ. Những món quà đơn giản thường hiệu quả hơn và tất nhiên chúng cần phù hợp với lứa tuổi của trẻ, chẳng hạn một hộp bút màu, đồ chơi, đồ vật nhỏ để chơi hóa trang, dán hình hay những thứ khác. Tặng thưởng cho bé vào buổi sáng để chứng nhận bé đã ngủ ngoan. Đừng hy vọng con lúc nào cũng hoàn hảo.
Giúp trẻ xây dựng một đồng hồ sinh học cố định
Bạn cũng có thể giúp bé thiết lập thời khóa biểu sinh học để đưa bé lên giường đúng giờ vào mỗi tối. Để trẻ thức tới khi chúng tự buồn ngủ khiến trẻ mệt, hoóc môn gây căng thẳng như cortisol và adrenalin tăng, làm trẻ sẽ thức lâu hơn nữa. Điều này càng làm trẻ khó ngủ và dẫn tới gián đoạn giấc ngủ thường xuyên. Dễ dàng đưa bé vào giấc ngủ bằng cách giảm ánh sáng và thực hành các thói quen nhẹ nhàng để tinh thần thư giãn, lắng dịu. Kết hợp điều này với các thói quen trước giờ ngủ.
Giữ giường ngủ thoải mái, ấm áp
Trẻ em có nhiều giai đoạn ngủ và chuyển tiếp hơn. Trẻ thức dậy vài lần mỗi đêm. Vì thế, cần tạo một chiếc giường thoải mái giúp trẻ dễ ngủ lại khi thức giấc. Bạn có thể đặt những máy móc có âm thanh êm dịu trong phòng ngủ và đảm bảo rèm cửa che sáng tốt. Sự ấm áp tốt cho giấc ngủ. Vì trẻ hay đạp chăn ra, nên cần đảm bảo cho bé mặc đồ ngủ đủ ấm.
Để trẻ năng động suốt ngày
Hãy đảm bảo là bé hoạt động suốt ngày, có nhiều thời gian dưới bầu không khí trong lành và ánh mặt trời càng tốt. Những hoạt động thể chất này chỉ nên diễn ra vào ban ngày và không thực hiện buổi tối. Tiếng cười rất tốt cho bé và bạn có thể tạo một vài trò chơi vui nhộn trước bữa tối để bé giải tỏa hết những lo lắng trong ngày. Nên duy trì trò chơi đơn giản để trẻ lắng dịu hơn trước giờ đi ngủ.
Học cách xử lý khi trẻ khóc
Trẻ hay khóc trong giai đoạn đầu được bố mẹ rèn ngủ theo nếp và bạn cần thừa nhận tiếng khóc của con. Bạn có thể vỗ về, ôm con. Bạn cũng có thể ở gần con để bé ngủ tốt hơn. Nếu trẻ đang trong giai đoạn mệt mỏi, đau ốm thì không phải thời điểm tốt và bạn có thể rèn trẻ về sau. Đừng ép buộc trẻ, hãy thay đổi dần dần.
Điều tiết giấc ngủ ngày
Điều tiết giấc ngủ ngắn ban ngày có thể giúp trẻ ngủ tốt hơn vào ban đêm. Trẻ tuổi chập chững cần ngủ ban ngày khoảng 1-2 tiếng trong tổng 12-14 tiếng cả ngày lẫn đêm. Bạn có thể cho con ngủ hai giấc ngắn thay vì chỉ một giấc, tùy thuộc vào việc bé ngủ bao nhiêu tiếng suốt cả ngày hay thời gian ngủ trưa thế nào. Đừng để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày vì điều này sẽ làm giảm lượng thời gian bé ngủ buổi đêm.
Vương Linh (theo Kids-center.org)