PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định đã chia sẻ những kiến thức về bệnh hẹp van động mạch chủ, từ nguyên nhân đến cách điều trị, tại tọa đàm "Thay van động mạch chủ qua da - giải pháp ít xâm lấn cho người bệnh hẹp van động mạch chủ" livestream trên fanpage VnExpress. Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh kỹ thuật thực hiện thay van động mạch chủ qua da, những lưu ý khi thực hiện và những ưu điểm của phương pháp này.

PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định và MC Tuyết Vinh tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Minh
PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định cho biết, bệnh lý tim mạch là bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong vì bệnh tật. Bệnh liên quan đến tim mạch có thể kể đến bệnh mạch vành, bệnh van tim... "Hẹp van động mạch chủ khiến dòng máu từ tim phải co bóp nhiều để vượt qua cánh cửa van tim. Nếu máu không ra ngoài được để nuôi các cơ quan, khiến mạch vành thiếu máu có thể gây nhồi máu cơ tim, thiếu máu nuôi lên não thì gây tai biến mạch máu não...", PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định lý giải.
Do tuổi thọ con người ngày càng cao, tỷ lệ mắc bệnh hẹp van động mạch chủ cũng ngày càng gia tăng, bởi vì theo thời gian, van động mạch chủ bị vôi hóa, cản trở sự chuyển động của các lá van, làm van bị hẹp. Ngoài ra, hẹp van động mạch chủ còn có nguyên nhân do nhiễm trùng, bệnh van tim hậu thấp hoặc do bẩm sinh (người bệnh chỉ có hai lá van tim thay vì ba lá van tim động mạch chủ như người bình thường). Thường những người bị hai lá van tim bẩm sinh khi còn trẻ vẫn khỏe mạnh, nhưng từ 50 tuổi trở đi, tỉ lệ van sẽ bị hẹp hoặc hở là rất cao.
Bác sĩ cho biết, bệnh hẹp van động mạch chủ do nguyên nhân nhiễm trùng, bệnh van tim hậu thấp hiện đã có nhiều giải pháp để hạn chế, nhưng với nguyên nhân thoái hóa động mạch chủ hay bẩm sinh thì y học chưa có biện pháp nào.
Dẫn chứng phân loại từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ, PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định cho biết, bệnh nhân hẹp van động mạch chủ có thể trải qua bốn giai đoạn tiến triển của bệnh. Đầu tiên là có nguy cơ bị mắc bệnh. Thứ hai là hẹp van mạch chủ nhưng chưa có triệu chứng. Tiếp theo là hẹp nặng nhưng chưa có triệu chứng. Và khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng (khó thở, mệt mỏi khi gắng sức làm việc gì đó, đau tức ngực kéo dài) thì đã bước sang giai đoạn trễ. Theo bác sĩ, triệu chứng là một dấu mốc rất quan trọng, vì trước khi xuất hiện triệu chứng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân không cao, chỉ khoảng 2-3%. Khi triệu chứng xuất hiện, có nguy cơ tử vong cao hoặc xảy ra những biến cố nặng (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não) lên tới 25%.
Với bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nhẹ hoặc trung bình, có thể theo dõi, dùng một số thuốc nâng đỡ. Thậm chí, khi bệnh nhân đồng thời có những bệnh lý kèm theo khác thì ưu tiên điều trị những bệnh lý khác trước. Việc can thiệp điều trị có thể bắt đầu từ giai đoạn thứ ba. Theo bác sĩ, dù chưa có triệu chứng, bệnh nhân có thể phát hiện bệnh sớm thông qua siêu âm tim khi khám sức khỏe tổng quát, định kỳ.
Để tránh các biến chứng và tử vong, cách điều trị đối với những bệnh nhân hẹp van động mạch chủ chính là can thiệp ngoại khoa. Bác sĩ có thể thực hiện các phẫu thuật như thay van bị hẹp bằng van động mạch chủ nhân tạo, sửa chữa, hoặc cắt bỏ phần bị bệnh của van động mạch chủ, để cải thiện chức năng của van. Các phẫu thuật này có thể được thực hiện theo phương pháp mổ hở, nội soi. Đây là các phương pháp kinh điển được thực hiện hàng chục năm nay.
Năm 2002, kỹ thuật mới thay van động mạch chủ qua da (TAVI) lần đầu tiên được thực hiện thử nghiệm tại Pháp, với một bệnh nhân cao tuổi và nguy cơ tử vong nếu áp dụng phương pháp mổ thay van tim.
Với kỹ thuật TAVI, thay vì phải mổ bệnh nhân để lấy van hẹp ra, bác sĩ sẽ ghép vào đó một van nhân tạo (làm từ màng ngoài tim bò hoặc heo). Việc đưa van nhân tạo được thực hiện qua đường mạch máu ở ngoại vi - thường qua đường động mạch đùi. Cụ thể, bác sĩ sẽ đưa một ống thông chứa van nhân tạo đã được thu nhỏ lại để lắp vào vị trí của van động mạch chủ bị hẹp. Khi vào đúng vị trí và ở nhiệt độ cơ thể 37 độ C, van nhân tạo sẽ xòe ra để thực hiện chức năng của một van tim bình thường. Với những bệnh nhân van động mạch chủ hai lá bẩm sinh, kỹ thuật này cũng đã được ứng dụng thành công.

Van nhân tạo TAVI Evolut của hãng Medtronic được thả xuống vị trí van động mạch chủ hẹp. Ảnh: Hoàng Minh.
Sau nhiều thử nghiệm lâm sàng, phương pháp này đã trở nên phổ biến. Năm 2014, TAVI bắt đầu được ứng dụng tại Việt Nam. Hiện nay, Bệnh viện Đại học Y dược, Chợ Rẫy, Vimec, Bệnh viện Tim (TP HCM), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viên Đại học Y, Bệnh viện Tim (Hà Nội) đã làm chủ công nghệ này. Riêng bệnh viện Đại học Y dược TP HCM từ năm 2014 đến nay đã thực hiện thành công khoảng 70 ca, trong đó bệnh nhân lớn tuổi nhất là 91 tuổi và chỉ mất hai ngày nằm viện theo dõi sau khi thực hiện thủ thuật.
PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định cho biết, một bệnh nhân nếu có khả năng đáp ứng cả hai cách can thiệp (phẫu thuật và TAVI) thì kết quả thành công thu về là như nhau. Tuy nhiên, là phương pháp ít xâm lấn nhất, TAVI có nhiều ưu điểm như giảm thiểu đau đớn, bệnh nhân không cần gây mê, ít biến chứng trong và sau phẫu thuật so với mổ hở, thời gian phục hồi nhanh từ 2-3 ngày, cũng như không để lại sẹo mổ như mổ hở. Vì thế nhiều bệnh nhân lựa chọn phương pháp này. Đó cũng là lý do mà từ năm 2018, số bệnh nhân được áp dụng phương pháp này đã cao hơn phương pháp phẫu thuật.
Theo bà Ivy Yao, Giám đốc kinh doanh toàn cầu ngành hàng Cấu trúc tim Công ty Medtronic, hiện nay mỗi năm công nghệ TAVI của Medtronic đã cứu sống khoảng 100.000 bệnh nhân. Là công ty hàng đầu trên thế giới về công nghệ, dịch vụ và giải pháp y tế, Medtronic bắt đầu phát triển thương mại kỹ thuật TAVI từ năm 2024. Đây cũng là đơn vị tiên phong phối hợp với các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam để đào tạo và phát triển kỹ thuật ít xâm lấn thay van động mạch chủ qua da.

PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Minh
PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định cho biết thêm, những bệnh nhân có thể can thiệp TAVI là những bệnh nhân lớn tuổi, bị hẹp van động mạch chủ nặng, có giải phẫu học động mạch chủ và động mạch ngoại biên phù hợp với kỹ thuật. Phương pháp có thể áp dụng cho bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật cao, trung bình và nguy cơ thấp, kể cả những bệnh nhân đã từng mổ hở thay van động mạch chủ trước đó. Để thực hiện TAVI, bệnh nhân cần được đánh giá qua một ekip gồm bác sĩ nội tim mạch, bác sĩ ngoại tim mạch, bác sĩ tim mạch can thiệp và bác sĩ gây mê hồi sức.
Tỷ lệ thành công của TAVI cao. Theo dõi trong vòng 10 năm, các bệnh nhân sống tốt với chiếc van nhân tạo do kỹ thuật TAVI đạt tới 80-90%.
Phương pháp thay van động mạch chủ qua da được đánh giá là kỹ thuật ít xâm lấn hàng đầu thế giới hiện nay, với tỷ lệ thành công cao 95,6%, theo một nghiên cứu với 90 bệnh nhân từ năm 2017-2022 của nhóm 10 bác sĩ tại các bệnh viện TP HCM và Phân khoa Tim mạch, Trung tâm Y tế Tel Aviv, Israel, khoa Tim mạch, Bệnh viện Châu Âu George Pompidou, Paris, Pháp. Kỹ thuật này phù hợp cho các bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng ở mọi mức độ nguy cơ phẫu thuật, kể cả những người từng mổ hở. TAVI giúp giảm đau đớn, ít biến chứng, phục hồi nhanh trong 2-3 ngày và không để lại sẹo, mang lại chất lượng điều trị vượt trội so với phương pháp truyền thống.
Kim Anh