Ngoài thời gian trên, căn cứ diễn biến Covid-19 và đề nghị của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Bộ sẽ xem xét tổ chức đợt thi bổ sung cho những thí sinh không thể dự thi theo lịch, do ảnh hưởng của dịch.
Như vậy, lịch thi năm nay diễn ra vào khoảng thời gian tương tự năm 2021. Năm ngoái, do Covid-19 bùng phát mạnh, kỳ thi được tổ chức thêm một đợt vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch không thể tổ chức đợt thứ hai, phải đặc cách tốt nghiệp THPT cho hàng nghìn thí sinh.
Kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2021, được thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và triển khai của Bộ và các địa phương.
Các bài thi được giữ nguyên như những năm gần đây với ba bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Nội dung thi vẫn nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Về hình thức, trừ môn Ngữ văn thi tự luận, đề các môn khác dưới dạng trắc nghiệm khách quan. Tối 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề tham khảo của các môn thi tốt nghiệp THPT để các nhà trường, học sinh có định hướng ôn tập.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của khoảng 900.000 đến một triệu thí sinh mỗi năm. Kết quả kỳ thi chủ yếu được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Hầu hết đại học, cao đẳng cũng sử dụng điểm kỳ thi này như phương thức chính để xét tuyển đầu vào, bên cạnh nhiều phương thức khác.