Tại họp báo Chính phủ chiều 7/9, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với "quy mô, tính chất rất mới".
Ông Thưởng đánh giá, đây là "việc hệ trọng", bởi ngoài đáp ứng tiêu chí gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém, kỳ thi cần cung cấp dữ liệu đủ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.
Bộ đã công bố phương án thi vào cuối năm ngoái. Cấu trúc, định dạng đề thi cũng được ban hành. Hơn 3.000 giáo viên cốt cán được tập huấn về phương pháp, kỹ năng ra đề, kiểm tra đánh giá.
Theo ông Thưởng, dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 đang được lấy ý kiến, dự kiến ban hành vào tháng 11, sớm hơn ba tháng so với mọi năm. Ngoài ra, Bộ xây dựng đề mẫu để giáo viên và học sinh có định hướng dạy và học.
Cách đây 3 ngày, trong Chỉ thị về năm học 2024-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đầy đủ để kỳ thi đảm bảo chất lượng, an toàn, nghiêm túc và hiệu quả, đồng thời giảm áp lực cho học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong hai ngày 26-27/6/2025.
Đây là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới (chương trình 2018). Học sinh phải thi bốn môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học ở THPT, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
So với hiện nay, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một. Đề thi Ngữ văn vẫn giữ hình thức tự luận. Các môn còn lại theo dạng trắc nghiệm với các câu hỏi chọn phương án đúng, đáp án đúng/sai và trả lời ngắn.