Nếu so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng ở những năm học trước thì kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm đổi mới. Tuy nhiên, không phải bất kỳ sự đổi mới nào cũng đưa đến sự phát triển, mà đôi khi đổi mới chỉ đơn thuần là sự thay đổi làm khác đi so với những gì đã làm trước đó nhưng kết quả chưa hẳn đã tốt hơn. Với góc nhìn của một nhà quản lý, tôi nhận thấy kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã đạt được những thành công nhất định, nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập cần phải được tiếp tục cải tiến ở những năm tiếp theo.
Một trong những thành công rõ nét nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là thực hiện được mục tiêu giảm bớt số lượng kỳ thi chung trong cả nước, từ đó góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước do chi phí tổ chức một kỳ thi ít tốn kém hơn tổ chức bốn kỳ thi như những năm trước đây (một kỳ thi tốt nghiệp THPT, hai kỳ thi tuyển sinh đại học và một kỳ thi tuyển sinh cao đẳng).
Tuy nhiên, việc gộp bốn kỳ thi thành một cũng đem đến nhiều điều bất lợi cho thí sinh. Nếu như trước đây mỗi kỳ thi thí sinh chỉ làm 3 hoặc 4 bài thi thì năm nay nhiều em phải làm 8 bài thi trong 4 ngày liên tục. Điều đó gây căng thẳng, mệt mỏi và làm cho thí sinh dễ bị đuối sức ở những ngày thi sau. Chúng ta biết bộ não con người hoạt động có giới hạn, nó cần được nghỉ ngơi, thư giãn mới có thể tiếp tục hoạt động tốt hơn. Với cách dạy và học như Việt Nam hiện nay, vẫn đòi hỏi học sinh phải học thuộc lòng, ghi nhớ một lượng kiến thức rất lớn cho kỳ thi quan trọng này. Vì thế, có thể nói kỳ thi quốc gia năm nay chưa thực sự giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh.
Mặt khác, với mục tiêu tổ chức kỳ thi hai trong một, nghĩa là thí sinh chỉ tham gia một kỳ thi quốc gia nhưng kết quả được dùng cho hai việc: xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì kỳ thi THPT quốc gia năm nay khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều đó thể hiện qua những điểm còn hạn chế trong các đề thi mà các nhà chuyên môn đã phân tích rất nhiều trong thời gian vừa qua, cũng như là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận có một vài sai sót trong đề thi. Thực tế cho thấy không dễ dàng gì có thể dùng một mũi tên mà có thể bắn trúng hai đích nhắm không cùng một hướng.
Ngoài ra, việc tổ chức thi tập trung theo cụm (gồm hai hay nhiều tỉnh, thành) như năm nay vẫn còn gây ra nhiều khó khăn, tốn kém cho phụ huynh, học sinh trong việc di chuyển đến các điểm thi xa nhà và tìm chỗ ăn nghỉ trong những ngày thi. Không những thế, việc lựa chọn thời điểm tổ chức thi vào đầu tháng 7 làm cho các giáo viên dạy lớp 12 chịu thiệt thòi hơn các giáo viên dạy lớp khác vì thời gian nghỉ hè bị rút ngắn lại do phải dạy ôn thi cho học sinh.
Đó là một số bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Để tiếp tục cải tiến kỳ thi quốc gia, tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau đây:
Vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo chất lượng dạy và học, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tin tưởng giao quyền tổ chức kỳ thi cho các Sở. Bộ xây dựng các tiêu chuẩn tốt nghiệp THPT và cấu trúc đề thi tốt nghiệp cho từng môn học, trong đó có ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi có thể thay đổi theo hàng năm do Sở Giáo dục quyết định.
Trên cơ sở đó, các Sở Giáo dục thiết kế đề thi và tổ chức thi tại các trường THPT hoặc thi theo cụm trường (gồm 2-3 trường gần nhau) với các giám thị coi thi là những giáo viên đến từ các trường khác trong tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát chặt chẽ các kỳ thi thông qua việc tổ chức đoàn thanh tra đến địa phương. Điều đó sẽ góp phần làm giảm tải cho Bộ, tăng quyền tự chủ cho các Sở Giáo dục, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và giảm được áp lực thi cử cho học sinh.
Đối với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, nên thành lập Trung tâm khảo thí đại học, cao đẳng với sự chủ trì của Đại học Quốc gia và sự cộng tác của các chuyên gia về kiểm tra, đánh giá đến từ các trường đại học khác. Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực của các thí sinh. Các đề thi nên được thiết kế trên phần mềm chuyên dụng và thí sinh làm bài thi trực tiếp trên máy tính như là cách tổ chức thi của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ở mỗi tỉnh, thành sẽ có ít nhất một trường đại học, cao đẳng được chọn làm đơn vị đại diện tổ chức kỳ thi này để thí sinh không phải di chuyển quá xa. Mỗi năm tổ chức nhiều đợt thi để thí sinh có thêm cơ hội cải tiến điểm thi, từ đó tạo động lực phấn đấu học tập không ngừng của học sinh.
Bên cạnh việc xem xét kết quả kỳ thi của Trung tâm khảo thí đại học, cao đẳng, các trường đại học, cao đẳng có thể đưa thêm một số yêu cầu xét tuyển cần thiết sao cho phù hợp với từng ngành nghề đào tạo. Việc đó muốn làm được trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc quyết định phương thức tuyển sinh sao cho đảm bảo chất lượng của nhà trường. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép các trường đại học, cao đẳng tổ chức tuyển sinh mỗi năm ít nhất hai đợt theo từng học kỳ để các thí sinh không phải chờ đợi quá lâu cho lần tuyển sinh tiếp theo.
Với vai trò quản lý cấp trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giảm bớt việc tham gia trực tiếp vào công tác tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng như hiện nay. Thay vào đó, Bộ cần tập trung làm tốt vai trò định hướng, chỉ đạo, giám sát và mạnh dạn giao quyền tự chủ trong việc tổ chức các kỳ thi theo đúng với chức năng và nhiệm vụ của các Sở Giáo dục và các trường đại học, cao đẳng.
ThS. Lê Thị Ngọc Nhẫn