Bấy giờ mốt là để tóc dài mặc quần loe, áo chẽn đi dép sapo đế dày. Tôi không rõ theo văn bản nào, chỉ nhớ bấy giờ Hà Nội thành lập những đội “thanh niên cờ đỏ”. Đây là những thanh niên được giao nhiệm vụ đi vây bắt xử lý những người vi phạm chuẩn mực nếp sống trong đó có đầu tóc và ăn mặc không đúng quy định. Không thiếu những cảnh đuổi bắt trên đường phố.
Cách xử lý mới là điều kỳ cục. Để được vào rạp Tháng 8 xem phim, tôi từng phải chấp nhận một nhát kéo cắt nham nhở tóc phía gáy, đưa cả chứng minh thư quân đội ra thanh minh cũng không thoát. Chưa hết, những thanh niên cờ đỏ còn cắt ống quần loe của những người bị “vây bắt” rất thô bạo. Chỉ xoẹt vài đường kéo, là đi tong cái quần lúc đó là tài sản không nhỏ của người dân.
Trong công viên hoặc những nơi vắng người, các thanh niên cờ đỏ rình rập những đôi tình nhân. Không ít người bị bắt đưa về đồn công an kiểm tra giấy tờ khi có những cử chỉ yêu thương nhau bị cho là quá đà, vi phạm chuẩn mực sống. Không chỉ bị xử lý trực tiếp mà còn bị cơ quan, khối phố bêu tên nhắc nhở. Thậm chí còn bị mang ra tổ dân phố giáo dục.
Tôi là người từng bị kiểm điểm như thế. Đúng sai, thôi chẳng bàn. Chỉ biết đó là một sự xâm hại danh dự đến mức nặng nề. Tận bây giờ, đôi khi nhớ lại tôi vẫn bị ám ảnh về chuyện đó.
Tôi cho rằng đó là một dạng kỳ thị danh dự. Khái niệm “kỳ thị” thường đi với các đặc tính cụ thể như giới, sắc tộc, tầng lớp xã hội, và là loại hành vi bị thế giới bài xích. Nhưng khi người ta “đóng mác” lên danh dự một con người bằng một nhát kéo lên đầu tóc, quần áo, bằng một lần giáo dục công khai, thì nó cũng nhằm tạo ra sự kỳ thị với anh ta.
Và đó cũng là điều không thể được khuyến khích.
Ám ảnh xưa trở lại khi tôi đọc đến điều khoản khen thưởng kỷ luật trong bộ “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Một văn bản đã được thảo luận rộng rãi và được dư luận mong chờ. Bộ quy tắc ứng xử này ra đời cũng không ngoài mục đích xây dựng những chuẩn mực văn hóa để Hà Nội tiến tới là một thành phố văn minh. Duy chỉ trong điều 13 khen thưởng, kỷ luật có chi tiết nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng khiến tôi băn khoăn.
Sẽ lại là một dạng kỳ thị danh dự khác. Thật sự là vậy. Một hộ lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, một cô gái ăn mặc hở hang hay một lái xe vi phạm luật giao thông... Có đầy đủ những chế tài để chính quyền xử lý những thí dụ vừa nêu. Có cần thiết phải bêu tên? Tôi nghĩ là không. Chúng ta đang sống trong một xã hội có kỷ cương pháp luật. Tại sao không sử dụng pháp luật để nghiêm trị những vi phạm? Nếu chưa đến mức phải dùng đến pháp luật, cũng không thiếu gì cách thức xử lý đạt được kết quả: Phạt tiền, cưỡng chế, vận động, tuyên truyền giáo dục thay vì bêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng. Một thành phố văn minh có những xử sự chuẩn mực văn hóa sao có thể lại ưu tiên sử dụng cách thức nói đúng tên là kỳ thị danh dự này. Một việc làm tôi nghĩ là không văn minh.
Bộ Quy tắc ứng xử này cũng là một cố gắng một việc làm tốt của lãnh đạo thành phố với mong muốn xây dựng một Hà Nội văn minh, lịch sự tiêu biểu về văn hóa.
Một cách công bằng, Hà Nội đã làm được nhiều việc: Hè đường dần phong quang, Hồ Tây đã dần loại bỏ những nguồn gây ô nhiễm như tàu nổi, cống thải... cây xanh đang mọc lên mỗi ngày trên các tuyến phố. Giao thông có những cải thiện đáng kể. Lãnh đạo Hà Nội đang làm được nhiều việc tồn đọng từ lâu trước đấy thành phố không làm được.
Là một công dân Hà Nội, một nhà văn, tôi đã hưởng ứng một cách công bằng và nhiệt thành bằng những bài viết với những gì mà thành phố Hà Nội đang làm để chỉnh trang đô thị.
Nhưng trong bức tranh đang đẹp dần lên ấy, có nên giữ lại điều khoản nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng kia không? Hy vọng câu trả lời của lãnh đạo thành phố là không.
Tôi vừa đọc được tin Vũng Tàu cũng dùng biện pháp "bêu tên" những người lấn chiếm vỉa hè. Đừng để việc kỳ thị danh dự này thành hiệu ứng lan truyền trong các thành phố trên cả nước.
"Lá cờ đầu" nên thận trọng trong mọi ứng xử của mình, với người dân.
Phạm Ngọc Tiến