Theo phóng sự điều tra của đài KBS phát sóng hôm 18/2, để được nhận vào học viện tiếng Anh danh tiếng trong Big 3 và Big 10 (3-10 trung tâm tiếng Anh tốt nhất Hàn Quốc), trẻ nhỏ phải trải qua kỳ thi cạnh tranh gay gắt.
Chẳng hạn, 1.200 trẻ đến thi đầu vào ở một trung tâm tại Gangnam, trong khi nhiều em khác có nhu cầu nhưng đã hết chỗ. Kỳ thi này dành cho trẻ 5-6 tuổi, chuẩn bị vào tiểu học. Ở Hàn Quốc, bậc học này nhận trẻ từ 7 tuổi.
Đề thi gồm những đoạn văn dài đến một trang A4 bằng tiếng Anh, yêu cầu trẻ đọc hiểu, suy luận và trả lời 30 câu hỏi. Một giáo viên tiếng Anh với 29 năm kinh nghiệm nhận xét đề thi có cấu trúc tương tự bài thi tuyển sinh đầu vào đại học (CSAT).
"Bắt trẻ 5 tuổi suy luận ở mức độ này là một hình thức bạo hành trí tuệ", người này nói.
Giáo viên khác với 20 năm giảng dạy tại trường trung học, cũng kinh ngạc khi nhìn đề thi. Nhiều sinh viên Đại học Quốc gia Seoul - ngôi trường số 1 ở Hàn Quốc, cho biết nhiều câu hỏi vượt quá khả năng của họ, sau khi thử làm đề thi của trung tâm này.

Đề bài trong "kỳ thi 7 tuổi". Ảnh: KBS
Ở Hàn Quốc, học sinh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong học tập, đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh đại học. Khảo sát của Cơ quan Thống kê nước này cho thấy chi phí học thêm trung bình cho mỗi học sinh giai đoạn 2020-2023 đã tăng gần 44%, từ 302.000 won mỗi tháng lên 434.000 won. Mức chi cho giáo dục có thể chiếm khoảng 1/3 thu nhập trung bình của một hộ gia đình.
Gần đây, ở Hàn Quốc còn xuất hiện thuật ngữ "kỳ thi 4 tuổi", khi nhiều người cho rằng 7 tuổi là quá muộn.
Giáo sư khoa Nhi Kim Bung Nyun, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, nhấn mạnh hệ thần kinh của trẻ 4-7 tuổi đang trong giai đoạn phát triển quan trọng. Nếu chịu quá nhiều áp lực, trẻ có thể hình thành tâm lý lo âu, trầm cảm, có hành vi chống đối về sau.
Bác sĩ tâm lý Lee Sun Hwa tại Daechi-dong, Gangnam, nói nhiều bệnh nhân của bà đã tích tụ cơn giận dữ từ thời thơ ấu. Những cảm xúc này thường biểu hiện thành trầm cảm hoặc rối loạn lo âu nghiêm trọng.

Học sinh đến một trung tâm tiếng Anh ở Gangnam, Hàn Quốc. Ảnh: Brunch
Lâm Khanh (Theo KBS, EDaily)