Tại buổi thảo luận về ngành công nghiệp ôtô trong kỷ nguyên số tuần này, ông Nguyễn Đức Kính, Tổng giám đốc FPT Automotive, đánh giá lĩnh vực này đang thay đổi mạnh mẽ khi các hãng chạy đua về kiểm soát chi phí cũng như thời gian ra mắt sản phẩm. Trong bối cảnh đó, phần mềm trở thành một trong những yếu tố quyết định đến thành công của một hãng xe. Việt Nam với lợi thế về nhân lực phần mềm, có thể tận dụng thời cơ này.
"Phần mềm định nghĩa nên một chiếc xe"
Theo ông Kính, xu hướng của thị trường ôtô xoay quanh từ khóa CASE, viết tắt của bốn xu hướng gồm Kết nối (Connected), Xe tự lái (Autonomous driving), Phần mềm tạo nên chiếc xe (Software defined vehicle) và Xe điện (Electric vehicle).
Trong bốn xu hướng này, phần mềm đều đóng vai trò quan trọng. Đại diện FPT Automotive cho biết một chiếc xe hiện nay hoạt động có thể cần 150 triệu dòng lệnh chạy trên đó, nhiều gấp 7 lần một máy bay hiện đại. Trong khi đó, thống kê tại thị trường Mỹ cho thấy đang thiếu khoảng 27.000 kỹ sư phần mềm cho ngành ôtô.
Một trong những nền tảng nổi bật về ở lĩnh vực này là Autosar, một chuẩn kiến trúc hệ thống mở, được nhiều hãng xe lớn trên thế giới công nhận và sử dụng. Ví dụ với tác vụ đơn giản là bật cần gạt mưa, chuẩn sẽ quy định từng bước quy trình và được điều khiển bởi hệ thống máy tính. Khi dùng chung một chuẩn, hệ thống có thể gắn vào bất cứ xe của hãng nào cũng có thể hoạt động.
Theo ông Kính, từ 2018, ông cùng các nhân sự FPT đã đầu tư mạnh vào chuẩn kiến trúc này sau khi nhận lời đề nghị từ một hãng xe lớn của Hàn Quốc. Hãng này muốn đi theo hướng Autosar thay cho giải pháp cũ để có thể phát triển nhanh hơn.
"Họ đặt hàng một công ty khác nhưng không thành công. Đến khi làm việc với FPT Automotive, sau ba năm sau chúng tôi đã làm được", ông Kính nói, cho biết FPT Automotive hiện có hơn 1.000 nhân sự trong mảng Autosar. "Đây là công nghệ lõi. Nắm được công nghệ này có thể 'nói chuyện' được với tất cả hãng ôtô".
Cơ hội cho kỹ sư phần mềm Việt trong ngành ôtô
Ngành sản xuất xe hiện có thể chia thành ba tầng chính, gồm: các hãng sản xuất OEM như VinFast, BMW, Toyota; các nhà cung cấp linh kiện trực tiếp (Tier 1 supplier) như Bosch, Magna, Denso; và các nhà sản xuất chip như Nvidia, Qualcomm, NXP.
Một công ty bên thứ ba có thể cung cấp giải pháp, phần mềm và phần cứng cho cả ba tầng trên. Theo đại diện FPT, đây là cơ hội cho nhà phát triển trong nước. Công ty hiện có hơn 4.500 nhân sự, 10% làm về thiết kế và mô phỏng cơ khí trong xe, 90% còn lại chuyên cho phát triển giải pháp và dịch vụ phần mềm ôtô.
"Nhu cầu trong lĩnh vực này rất lớn. Từ nay đến 2025, chúng tôi cần tuyển 1.000 nhân sự", ông Kính nói.
Theo chuyên gia này, một nhân sự trong ngành Automotive cần các kiến thức với nền tảng Toán và Vật lý cùng tư duy logic, ngoại ngữ. Ngôn ngữ lập trình được sử dụng chính là C++ thay vì Java hay .Net như các ngành khác.
Để có đủ nhân lực, công ty cho biết đã phải tìm kiếm ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có việc thuê chuyên gia từ các nhà cung cấp linh kiện. Ngoài ra, họ kết hợp cùng các cơ sở đào tạo để tuyển sinh, hoặc chuyển đổi kỹ sư IT truyền thống sang Automotive trong khoảng 4-5 tháng.
"Nhân sự Việt Nam vẫn là cốt lõi", ông nói. "Kỹ sư Việt Nam đang làm rất tốt. Họ không chỉ học, mà còn trao đổi, thảo luận trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu thế giới".
Từ cuối 2023, FPT Automotive được thành lập tại Mỹ, với nền tảng là bộ phận chuyên về phần mềm ôtô của FPT. Công ty hiện có 150 khách hàng, 17% là các hãng ôtô, 60% là nhà cung cấp Tier 1, còn lại là các hãng chip. Mảng mang lại doanh thu chính là hệ thống giải trí trên ôtô và nền tảng Autosar, chiếm 70%, trong khi mảng xe tự lái dưới 5%. Đơn vị này của FPT đặt mục tiêu đến 2030 có doanh số một tỷ USD đầu tiên.
Lưu Quý