Trương Quang Huy quê Bình Định. Từ ngày còn là một cậu bé, anh đã luôn bị lôi cuốn bởi các loại thiết bị máy móc. Không ngạc nhiên khi anh rời quê đến TP HCM với quyết tâm học ngành kỹ thuật. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chuyên ngành Tự động hóa vào năm 2010, Quang Huy bắt đầu gia nhập vào CFT Vina Cooper (thuộc Tập đoàn Toyota). Sự khởi đầu này đã cho anh nhiều cơ hội bổ sung kiến thức chuyên môn, tiếp cận phong cách làm việc trách nhiệm hiệu quả của người Nhật.
Năm 2013, từ những kinh nghiệm đã tích lũy, Quang Huy mạnh dạn thử sức ở một môi trường mới, nổi tiếng về sự chuyên nghiệp đó là Công ty Khí Cà Mau, thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas). Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Quang Huy vì môi trường mới chuyên nghiệp, năng động, giúp trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, phát huy sáng kiến cải tiến đúng với khẩu hiệu của PV Gas "chuyên nghiệp - trách nhiệm - sáng tạo - kết nối".
Chàng kỹ sư của PV Gas cho biết, khi con người hăng say trong lao động, đam mê cháy bỏng trong công việc sẽ tạo ra những giá trị lớn. Có những đợt anh làm việc liên tục 16 giờ mỗi ngày. Hết giờ, ngoài công trường, anh cùng đồng nghiệp còn nghiên cứu, cải tiến công nghệ cũ và đưa công nghệ mới vào vận hành.
Với phương châm "Không cần biết quá nhiều điều, chỉ cần biết nhiều về một điều cụ thể", không có gì ngạc nhiên khi chàng kỹ sư trẻ năm nào giờ đã là Đốc công quản lý nhóm kỹ sư điều khiển trẻ tuổi (hầu hết mọi người trong nhóm đều dưới 30 tuổi), đảm nhiệm công việc một cách hiệu quả. Quang Huy phụ trách chính về công tác bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý các hư hỏng, sự cố, cải hoán, nâng cấp hệ thống điều khiển và thiết bị đo lường công nghệ tại Nhà máy xử lý khí Cà Mau và các trạm phân phối khí PM3 - Cà Mau cho các hộ tiêu thụ thuộc cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau.
Quang Huy chia sẻ, một trong những đam mê của anh là không ngừng sáng tạo trong công việc, luôn nghiên cứu các công nghệ, kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất để đem lại lợi nhuận cho công ty, ngành dầu khí. Với niềm đam mê của mình, Quang Huy đã cùng đồng nghiệp có những sáng kiến được công nhận ở cấp tổng công ty, và đề xuất cấp tập đoàn.
Các sáng kiến của Quang Huy có thể kể gồm "Thiết kế hệ thống điều khiển Local cho cụm Heater Fuel Gas cấp khí máy nén tại trạm LFS". Sáng kiến này giúp làm tăng tính dự phòng cho hệ thống điều khiển máy nén tại trạm tiếp bờ LFS, trong trường hợp lỗi từ hệ thống điều khiển chính gây dừng máy nén. Hiệu quả kinh tế của sáng kiến đem lại uớc tính khoảng 450 triệu đồng mỗi lần dừng máy.
Đặc biệt, năm 2016 sáng kiến "Đồng bộ hóa phiên bản Database để đưa 2 Bus V-net nội trạm của hệ thống Safety ra Mimic Panel" của Quang Huy và đồng nghiệp đem lại cho công ty 1,22 tỷ đồng, đã được trao "Giải thưởng sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 10".
Năm 2018, Quang Huy đã phát huy tốt, tận dụng toàn bộ kiến thức và kinh nghiệm sau nhiều năm lao động và học tập để tạo ra một loạt các sáng kiến hay. Sau khi nhà máy xử lý Khí Cà Mau đi vào hoạt động (khoảng 11/2017), Quang Huy tham gia nhiều sáng kiến, cải tiến nhằm hoàn thiện và hợp lý hóa sản xuất. Trong đó có thể kể đến sáng kiến "Thiết kế, lắp đặt, cài đặt chế độ điều khiển Web Server cho các Heater H-1741/H-1781/H-1782 dự phòng trong điều kiện thời tiết mưa bão hoặc không điều khiển được từ màn hình Local", ước tính hiệu quả kinh tế đem lại 3,5 tỷ đồng mỗi lần dừng Heater.
Quang Huy còn tham gia sáng kiến "Giải pháp lập trình DCS Honeywell thu thập dữ liệu giám sát và tự động hóa các quá trình tính toán để tối ưu công nghệ nhà máy GPP Cà Mau", đem lại cho công ty khoảng 5 tỷ đồng. Chàng kỹ sư 8x này còn đem lại cho công ty nhiều sáng kiến khác góp phần cải hoán, tăng tuổi thọ của thiết bị, đảm bảo thiết bị luôn trong trạng thái sẵn sàng, nâng cao độ tin cậy của cụm cấp khí cho khách hàng của nhà máy xử lý Khí Cà Mau.
Với những kết quả tích cực trên, vừa qua, Quang Huy đã được Công đoàn Dầu khí Việt Nam tuyên dương "Người lao động Dầu khí tiêu biểu".
(Nguồn: PV Gas)