Trong xTalk, chương trình kết nối sinh viên học lập trình trực tuyến với các chuyên gia hàng tuần do FUNiX - đơn vị đào tạo trực tuyến thuộc FPT tổ chức, quản lý kỹ thuật tại MoMo cho biết, khác với lĩnh vực gia công phần mềm (outsource), các công ty công nghệ làm sản phẩm (product) có đặc thù riêng.
Tuy nhiên, dù ở môi trường nào, bản chất công việc của một kỹ sư phần mềm vẫn là giải quyết vấn đề, kỹ năng code, kiến thức kỹ thuật chỉ là công cụ. Nếu chỉ sử dụng công cụ một cách máy móc, kỹ sư phần mềm khó có thể đạt hiệu quả cao và phát triển sự nghiệp.
"Càng ngày càng có nhiều người được đào tạo để viết code, do đó, người có thể giải quyết vấn đề rõ ràng, hiệu quả sẽ thành công hơn. Điều này càng thể hiện rõ rệt trong môi trường làm sản phẩm, vì bản chất bài toán và vấn đề cần giải quyết thường rộng hơn so với làm outsource", anh Đạt khẳng định.
Theo anh Đạt, hầu hết công ty không có chức danh kỹ sư sản phẩm, nhưng đây là một bộ kỹ năng mà các doanh nghiệp làm sản phẩm ở Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới đánh giá cao và có nhu cầu tuyển dụng lớn. Các ứng viên trang bị tốt về tư duy sản phẩm sẽ có lợi thế cạnh tranh trong quá trình ứng tuyển ở tất cả các vị trí.
Anh Nguyễn Tiến Đạt cũng cho biết, trong lĩnh vực làm sản phẩm, lập trình viên phải yêu thích sản phẩm mình đang phát triển; luôn tập trung vào mục tiêu cuối cùng là làm ra sản phẩm. Theo anh, một sản phẩm thành công cần có ba yếu tố: Feasible - khả thi về mặt kỹ thuật, Desirable - người dùng có muốn sử dụng không và Viable - khả thi trong kinh doanh.
Từ những yếu tố trên, đội ngũ phát triển cũng sẽ bám theo các bước cần thiết để ra mắt sản phẩm như xây dựng ý tưởng, thiết kế hay quản lý. Sau khi hoàn thành chu trình này và chuyển giao cho khách hàng, đội ngũ tiếp tục tham gia vào vòng tuần hoàn phát triển sản phẩm gồm liên tục đánh giá chức năng, khảo sát thị trường... để nâng cấp, tạo những thay đổi mới.
Tư duy công việc cần thiết với kỹ sư sản phẩm
Quản lý kỹ thuật của MoMo cho biết, tư duy quan trọng với kỹ sư sản phẩm là tìm hiểu vấn đề, không ngừng đặt câu hỏi. Nhiều kỹ sư công nghệ có thói quen bắt tay vào làm ngay khi nhận yêu cầu, bỏ qua việc phản hồi cũng như đánh giá tác động của mình đến sản phẩm.
Thay vì cách làm máy móc này, kỹ sư sản phẩm có tư duy công việc tốt sẽ tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, phản hồi và thậm chí nhận định tính khả thi của yêu cầu, gợi ý hướng tiếp cận hiệu quả hơn... "Để làm được điều đó, product engineer cần phải có tính tò mò trong công việc, đặt câu hỏi "tại sao", truy đến cùng vấn đề", anh nói thêm.
Kỹ sư sản phẩm còn cần biết giao tiếp với các phòng ban khác. Khả năng giao tiếp tốt với cả người làm cùng lĩnh vực và đồng nghiệp khác chuyên môn sẽ giúp đội nhóm biết thông cảm, hiểu cho cái khó của nhau, vận hành công việc trơn tru hơn.
Anh Tiến Đạt cho biết thêm, một product engineer cần có trách nhiệm toàn diện với sản phẩm của mình, dù đôi khi yêu cầu này rất tốn thời gian. Ngoài ra, một kỹ sư sản phẩm có trình độ cao phải nhìn được bài toán lớn của sản phẩm, có khả năng chấp nhận đánh đổi, tức là có thể thay thế một tính năng khó, tốn công sức về mặt kỹ thuật mà không mang lại nhiều giá trị cho người dùng bằng một tính năng khác đơn giản hơn nhưng giá trị mang lại vẫn tương đương.
"Khi đã chọn con đường này, mục tiêu cuối cùng là phải đưa đến sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng, xã hội. Điều đó cũng giúp công việc, tính năng, dòng code các kỹ sư viết ra hàng ngày có thêm nhiều ý nghĩa" - anh Đạt chia sẻ.
Anh Tiến Đạt cũng khẳng định, với những kỹ năng, khả năng tư duy tốt về mặt sản phẩm, lập trình viên có thể giải quyết bài toán tốt, mang lại nhiều giá trị hơn, qua đó, phát triển sự nghiệp, hướng đến những vị trí cao hơn trong tổ chức như trưởng nhóm, quản lý các bộ phận... "Đặc biệt, nếu có ý định khởi nghiệp, các bạn càng không nên bỏ qua các kỹ năng này" - anh Tiến Đạt chia sẻ thêm.
Độc giả có thể xem toàn bộ nội dung chia sẻ tại đây hoặc kênh Youtube: FUNiX - Học lập trình trực tuyến.
Quỳnh Anh