Tốt nghiệp Khoa Khai thác mỏ, Đại học Mỏ - Địa chất, năm 2007, anh Phong, trú xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, lên Lào Cai làm việc cho một công ty nhà nước chuyên về khai khoáng, sau đó chuyển về chi nhánh ở Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, lương tháng hơn 10 triệu đồng.
Được giao giữ vị trí trưởng ca sản xuất cùng mức thu nhập khá vào thời điểm đó, nhưng anh không hài lòng. Nhiều lúc về thăm nhà, thấy bố cặm cụi bên xưởng cơ khí sản xuất lưỡi cưa cho làng nghề mộc, anh từng nghĩ "hay mình sẽ phát triển nghề truyền thống của gia đình, tạo thương hiệu riêng".
Thanh Bình Thịnh có làng mộc Thái Yên nổi tiếng nhất nhì Hà Tĩnh, sản xuất bàn ghế, tủ... với mẫu mã đẹp, thị trường tiêu thụ rộng lớn ở trong nước, đôi lúc còn bán ra nước ngoài. Xưởng cơ khí nhỏ đặt tại nhà ở thôn Bình Tiến A của ông Nguyễn Minh Quê (66 tuổi, bố Phong) thường chế tạo các lưỡi cưa, mũi xoi bằng sắt phục vụ nghề mộc, đem bán cho các cơ sở làm mộc trong xã.
Chưa từng và cũng không dám hỏi ông Quê về mức thu nhập hàng tháng, tuy nhiên chàng kỹ sư trẻ nhận thấy nghề này "chắc là có tiềm năng". Bởi nếu không thì làm sao bố có tiền xây nhà mới, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, nuôi ba anh em ăn học đầy đủ.
Suy nghĩ chuyển hướng nghề nghiệp luôn thường trực trong đầu Phong, từ công trường khai thác mỏ cho tới những bữa ăn, hay lúc chuẩn bị chìm vào giấc ngủ. Tìm hiểu qua mạng và thăm dò thị trường, thấy nghề cơ khí có tiềm năng, không chỉ làng nghề ở trong xã cần mà còn rất nhiều nơi khác nữa. Nhưng khi đặt lên bàn cân so sánh, Phong rất trăn trở vì còn liên quan đến vốn khởi nghiệp.
Anh phân tích, với các mô hình nông nghiệp, số tiền đầu tư ban đầu không nhiều, có thể áp dụng chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Nhưng với cơ khí, kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị lớn hơn gấp bội.
Nâng lên đặt xuống suốt một năm, cuối cùng Phong quyết định "liều một phen" vào cuối năm 2015. Lúc này, anh mới kết hôn với cô giáo mầm non trong xã, ý định trở về quê vun vén tổ ấm nhỏ càng thôi thúc chàng trai. "Vợ nói anh suy nghĩ cho kỹ, em ủng hộ. Riêng bố mẹ thì không đồng tình, sợ tôi lao động chân thay không quen. Bạn bè nhiều người bất ngờ, cho rằng tầm nhìn như vậy là hạn hẹp. Nhiều hàng xóm lại bàn tán vì tôi vi phạm kỷ luật nên bị đuổi, chứ ai dại gì bỏ việc nhà nước về quê mạo hiểm thế này", Phong kể.
Năm 2016, xưởng cơ khí rộng vài chục m2 ở trước sân nhà được chia đôi. Ông Quê vẫn làm công việc sản xuất thường ngày như mọi khi, con trai tự túc riêng. Cơ sở trước đây chỉ làm thủ công, với hai máy cắt tay, 6 tháng đầu Phong không hợp, bắt nhịp chậm, thu nhập không bằng ngày còn làm kỹ sư mỏ.
"Tôi bị bố mắng suốt vì làm không như ý", Phong nhớ lại. Đôi lúc ngồi một mình, anh rất buồn song vẫn nghĩ kế hoạch của mình là đúng, chỉ là chưa "tìm thấy ánh sáng". "Cần có kế hoạch, không để suy nghĩ vô định", Phong nhớ lại lời trấn an bản thân lúc chán nản.
Chàng trai sau đó nhận thấy cần chuyên môn hóa, nâng cấp máy móc. Anh ra ngân hàng đặt vấn đề vay gần 500 triệu đồng về đầu tư, thuê thêm người, sắm các máy dập răng cưa, máy mài cưa, máy rửa cưa, máy hàn tự động, lưỡi cưa đa năng cùng nhiều thiết bị phụ trợ khác...
Nhờ có khách hàng truyền thống của bố cộng thêm việc thu hút trên mạng, đến năm 2017, sản phẩm tại xưởng của Phong bán ra đều, cho mức thu nhập ổn định 20 triệu đồng một tháng. Phong chia sẻ, việc được đào tạo qua đại học và từng là kỹ sư giúp ích rất nhiều cho nghề cơ khí. Vốn tiếng Anh khá, với những máy móc hiện đại nhập từ nước ngoài, anh thường lên mạng tìm hiểu cách vận hành rồi áp dụng. Sau hai năm đầu thấy Phong quyết tâm, có thu nhập đủ lo cho gia đình, ông Quê hài lòng, nhiều đêm thức trắng truyền nghề cho con.
Đầu năm 2022, xưởng cũ chật chội, an toàn lao động thấp, ảnh hưởng khu dân cư, Phong quyết định thuê cơ sở mới ở cụm công nghiệp Thái Yên, xã Thanh Bình Thịnh để mở rộng quy mô. Bố cũng ra làm cùng, vợ nghỉ việc ở trường mầm non về phụ giúp. Xưởng rộng hàng trăm m2, có 10 công nhân làm việc thường xuyên. Hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư hơn một tỷ đồng.
Xưởng cơ khí của Phong hiện tại sản xuất cưa vanh gỗ, cưa cắt trầm hương, cưa thực phẩm, bán phụ kiện, linh kiện cho ngành mộc. Cưa có kích thước đa dạng, dài một mét trở lên. Một ngày 8 tiếng, gia công chế tạo được 200 chiếc cưa các loại. Thị trường tiêu thụ trong tỉnh ổn định với khách hàng ở huyện Đức Thọ, Hương Khê, ngoại tỉnh có huyện Nông Sơn và Tiên Phước (Quảng Nam). Ngoài ra còn nhiều cơ sở trong nước khác cũng đặt vấn đề mua.
"Tổng doanh thu hàng tháng khoảng 150 triệu đồng. Công nhân hưởng lương 5-8 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, khấu hao máy móc, một năm tôi lời nửa tỷ đồng", anh Phong nói, chia sẻ những người ngày xưa hoài nghi giờ trở nên thân thiện, nói rất vui khi anh chọn hướng đi đúng. Vợ chồng anh hiện có ba con (hai trai, một gái), kinh tế khá, những khoản vay đã trả hết, có tích lũy. Anh dự định sắp tới đi tham quan thêm nhiều mô hình lớn, làm một xưởng to hơn hiện tại.
Ông Đoàn Minh Cẩn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình Thịnh, đánh giá Phong là người tiên phong, có những bước đi đột phá. "Tiềm năng của quê hương còn rất nhiều, quan trọng là khả năng biết tận dụng. Phong đã biết dựa vào thương hiệu làng mộc Thái Yên để đưa sản phẩm cơ khí của mình vươn xa, đó là bài học cho những bạn trẻ theo đuổi lý tưởng khởi nghiệp", ông Cẩn nói.
Hồi tháng 12/2021, Phong được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn (tôn vinh thanh niên nông thôn đạt thành tích xuất sắc trong phát triển ngành nghề, xây dựng nông thôn mới). Người đàn ông 35 tuổi mỉm cười, chia sẻ rất vinh dự, mong câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên về quê lập nghiệp. "Mình nghĩ con người giống chiếc xe, chọn đúng làn để đi thì sẽ phát huy được hết công năng, sai làn sẽ hỏng", Phong cho hay.