Chiều tháng 10, trong khoảng một giờ cửa hàng ở quận Đống Đa của anh Đinh Thanh Phong, 38 tuổi, đã tiếp 5 lượt khách tới đánh giày, bảo dưỡng túi hàng hiệu. "Sau gần bốn năm, tôi nhận thấy quyết định bỏ nghề IT đi đánh giày là đúng đắn", anh nói.
Từ bé, Phong đã có niềm đam mê đặc biệt với những đôi giày. Bà Nguyễn Thuận (mẹ anh) kể hồi con trai 5 tuổi lần đầu tiên được mẹ mua cho đôi giày. Cậu bé nâng niu như một báu vật, chỉ xỏ chân đi lại trên giường. 'Nó nhất định không đi xuống đất vì để dành đến Tết mới diện'', bà kể.
Ngày sinh viên, mẹ cho 1,5 triệu đồng mua quần áo cho cả năm học, Phong dành 1,2 triệu mua một đôi giày. Sau này đi làm IT, anh luôn xuất hiện ở mọi nơi với quần tây, áo sơ mi và giày da.
Không yên tâm giao những đôi giày mình quý cho thợ ngoài phố, Phong đặt mua các loại xi, xà phòng, bàn chải từ nước ngoài về, tự mày mò học cách chăm sóc.
Thời đó, Phong xem giày da đơn thuần là thú chơi còn IT mới là nghề nuôi sống mình. Nhưng công việc lương cao không khiến anh hạnh phúc.
"Công việc căng thẳng nên 25 tuổi mà tóc tôi bạc trắng", anh nói. Chàng trai lên kế hoạch đổi nghề khi có cơ hội. Bước đầu tiên là chuyển sang công ty IT của Singapore để được nghỉ thứ 7, chủ nhật.
Có nhiều thời gian rảnh, Phong hay ra quán cà phê ngồi. Chủ quán biết anh mê giày da nên gợi ý khởi nghiệp. "Chú ấy khuyên tôi bán giày, nhưng tôi nghĩ đến nghề bảo dưỡng vì công việc này hiếm người làm chuyên nghiệp", anh nói.
Năm 2017, những ngày cuối tuần, anh Phong mang giày đến quán cà phê ngồi đánh. Có người tò mò đến hỏi, anh đề nghị "đưa giày đây em chăm sóc cho". Kể từ đó, ngày đi làm, tối Phong đánh giày để hôm sau mang đến quán trả khách, không lấy tiền công. Mọi người mách nhau, khách lạ bắt đầu tìm đến. Chàng trai Hà Nội bắt đầu nghiêm túc nghĩ đến đánh giày như một công việc kiếm tiền nên tìm đến các trang web nước ngoài nghiên cứu bài bản.
Anh thường xuyên quay video, chụp ảnh sản phẩm mình bảo dưỡng, đăng lên mạng xã hội. Lượng khách online chủ động tìm đến đủ giúp anh tự tin mở cửa hàng tại nhà ở Long Biên trong khi vẫn duy trì công việc IT. Phong cũng hợp tác với một cửa hàng đồ hiệu có tiếng ở Hà Nội, nhận bảo dưỡng sản phẩm cho khách của họ.
Năm 2019, anh quyết định nghỉ hẳn, dành toàn thời gian cho nghề đánh giày. Thời điểm đó, mốt "mặc vest đánh giày" phát triển rầm rộ ở Hà Nội. Để tìm thị trường cho riêng mình, Phong hướng đến nhóm khách hàng tiềm năng: Những người dùng hàng hiệu. Anh đóng cửa hàng, đề nghị làm sân sau cho các cửa hàng đồ hiệu, nhận lương hàng tháng để học hỏi thêm.
Từ một kỹ sư trưởng, hàng tuần được nghỉ thứ 7, Chủ nhật, giờ anh Phong làm không có ngày nghỉ. ''Tôi thấy bức bối nên cứ mỗi tháng đi phượt một lần'', anh kể.
Chăm sóc những sản phẩm có giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng khiến anh căng thẳng. Có lần anh cắt sai kích thước dây da chiếc túi Gucci, hay làm lỗi chiếc túi xách Chanel của khách nên phải đền tiền. ''Tôi khủng hoảng đến mất ngủ. Nếu có ngủ, đêm vẫn mơ về sai sót của mình'', Phong nhớ lại.
Tuy nhiên, anh chấp nhận đánh đổi vì "cái gì cũng cần học phí". Phong vẫn nhớ một lần nhận yêu cầu của khách VIP muốn sơn cạnh cho chiếc túi Louis Vuitton. Do chưa hiểu rõ cấu trúc túi, anh phải mài và sơn trong suốt một tháng. Sau này thạo nghề, Phong chỉ mất một, hai ngày.
Ba năm học nghề spa đồ hiệu giúp anh có kinh nghiệm về sửa, bảo dưỡng giày, túi da và được học cách vận hành một cửa hàng, biết gu của những người yêu đồ hiệu, cách marketing để thu hút khách.
Từ tháng 4 đến tháng 9/2020, Đinh Thanh Phong đến làm thuê cho một cửa hàng đồ da handmade vì muốn tìm hiểu sâu hơn về chất liệu này.
Gần bốn năm vừa học vừa làm giúp Phong tự tin khởi nghiệp. Đúng lúc đó, Covid-19 bùng phát, cửa hàng mở ra, chủ và nhân viên ngồi cả ngày không có khách. ''Không ai ra đường thì lấy đâu ra người cần đánh giày'', anh kể.
Áp lực cơm áo nhắc Phong không được ngồi yên. Khi các chỉ thị giãn cách được nới lỏng, anh cùng nhân viên ra quán cà phê của người quen trong một khu chung cư cao cấp ngồi đánh giày.
Hoàng Thế Mạnh, 34 tuổi, nhân viên của anh Phong, kể: "Tôi còn thấy hơi xấu hổ nhưng anh ấy rất bình thản và kiên trì''.
Mức giá đánh giày 100 nghìn đồng mỗi đôi của Phong, đắt gấp 10 lần người đánh dạo khiến khách đã ít, nay càng hiếm hoi. Nhưng cuối tuần nào Phong và nhân viên cũng đến, ngồi tỉ mỉ "lột xác" những đôi giày cũ thành như mới, khách bắt đầu tìm đến. "Dần dần, nhiều người còn đánh ôtô về nhà mang giày đến cho tôi bảo dưỡng'', anh kể.
Những ngày trong tuần, anh nhận đơn online. Có khách gọi anh đến tận nhà sửa giày, đi gần 20 km đến nơi, Phong nhận ra đôi giày hỏng quá nặng không sửa được nữa. Họ để anh về, không lời cảm ơn, không hỗ trợ phí đi lại. Có khách tan ca lúc nửa đêm mới gọi Phong đến nhà nhận giày về sửa. Đêm mùa đông, đang trong chăn ấm, anh vẫn bật dậy đi nhận hàng.
Nhìn con trai nghỉ công việc lương cao, ổn định, để theo công việc không mấy ai làm, bà Thuận vừa thương, vừa lo lắng. ''Nhưng tôi hiểu thành công nào cũng cần trả giá nên luôn ủng hộ con'', bà nói.
Covid qua đi, nhu cầu của khách hàng dần trở lại, thậm chí như một cú hích cho sự nghiệp của Phong. Năm 2022, mạng xã hội Tiktok phát triển, anh Phong tích cực làm video quảng cáo dịch vụ, hướng dẫn cách vệ sinh giày bài bản, thu hút lượng khách lớn. Tết năm 2023, anh có doanh thu bùng nổ, làm không hết việc.
Hiện tại, anh mở hai cửa hàng, tạo việc làm cho hơn 10 nhân viên, doanh thu mỗi tháng khoảng 400 triệu đồng.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Đinh Thanh Phong cho rằng đam mê là yếu tố quan trọng, giúp mỗi người tìm ra ý tưởng và có động lực trong hai, ba năm đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, muốn đi một chặng đường dài, cần sự kiên nhẫn và tích lũy đầy đủ các kỹ năng qua trải nghiệm thực tế.
Bà Thuận chưa từng nói ra, nhưng thâm tâm mừng vì con trai dám từ bỏ sự ổn định để theo đuổi đam mê. ''Vợ chồng tôi theo nếp cũ là nỗ lực học hành, tìm một công việc ổn định, chưa bao giờ dám bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng con làm được điều đó'', bà Thuận nói.
Bây giờ, thi thoảng vẫn có những vị khách ở quán cà phê thời Covid chủ động tìm đến cửa hàng của con trai bà Thuận nhờ bảo dưỡng hàng hiệu. Nhưng thay vì ''thằng đánh giày'', họ gọi Phong là ''nghệ sĩ''.
Phạm Nga