Năm 2011, sau 4 năm làm việc trong ngành phần cứng máy tính theo chuyên môn đã học tại Đà Nẵng, Lê Quốc Thạch xuôi vào TP HCM. Tại đây, anh gặp Huỳnh Thị Kiều Hạnh, người bạn đời và người cùng gầy dựng sự nghiệp về sau. Du học Australia về, Hạnh và Thạch quyết định thuê một mặt bằng trên đường Quách Văn Tuấn (Tân Bình) để mở quán cà phê kiêm bánh mỳ kebab.
4 tháng sau, họ sang nhượng quán vì kinh doanh thua lỗ. Hạnh nhận việc tại một công ty truyền thông còn Thạch thuê mặt bằng đường Nguyễn Thái Bình (Tân Bình) để bán bánh mỳ kebab, lấy tên Kebab Turki.
Làm bánh mỳ kebab đối với chàng kỹ sư IT cũng không đơn giản. Thạch mất 1,5 năm nghiên cứu, điều chỉnh để hoàn thiện công thức tẩm ướp thịt cho hợp khẩu vị thị trường. "Bước đầu cơ bản đã có sản phẩm tốt. Có khách hàng hỏi mua nhượng quyền nhưng thực sự lúc đó cái tôi khá lớn nên tôi chưa nghĩ tới", Thạch kể lại.
Lúc ấy, anh có kiến thức công nghệ còn Hạnh tận dụng am hiểu về truyền thông, tiếp thị để hoàn thiện thương hiệu. Kebab Turki đổi tên thành Kebab Torki để đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Xe bánh mỳ có website, truyền thông online lẫn offline, từ mạng xã hội đến các sự kiện cộng đồng của giới trẻ.
Khi cặp đôi làm ăn khấm khá cũng là lúc có người đến đặt xe bánh mỳ ngay cạnh bên, chủ nhà thì tăng tiền thuê mặt bằng. Xe bánh mỳ của đôi bạn trẻ phải ‘dạt’ đi nhiều nơi nhưng không ổn định. Những tưởng quyết định đặt chân vào một khu ăn uống tập trung gần chợ Bến Thành thì sẽ tươi sáng. Thế nhưng, cả hai chấp nhận lỗ 50 triệu đồng để trả mặt bằng sau một tuần kinh doanh. Thạch nói tiền mặt bằng làm giá mỗi chiếc bánh quá cao, không hấp dẫn thực khách.
"Chúng tôi lại khủng hoảng. Vẫn là chuyện nhiều người hỏi nhượng quyền nhưng tôi chưa chịu. Trong khi tự phát triển và muốn đưa thương hiệu lên giá trị cao hơn thì đều thất bại, thậm chí nặng nề", Thạch kể lại sau một lần tham dự sự kiện về nhượng quyền thì mới ‘thông tư tưởng’. Nhờ thế, 6 cửa hàng nhượng quyền ra đời.
Bước chập chững nhảy vào nhượng quyền của Thạch đúng thời điểm phong trào khởi nghiệp dâng cao, anh đăng ký và được Vietnam Silicon Valley (VSV) đào tạo miễn phí về xây dựng mô hình kinh doanh. VSV trợ giúp thành lập Torki Food và nắm 10% cổ phần đổi bằng công tư vấn, phần còn lại là vốn của hai vợ chồng.
Việc nhượng quyền bắt đầu từ năm 2016 và cũng thay đổi dần về hình thức, hợp đồng, quy trình và kể cả chi phí. Hiện nay, tùy theo quy mô (xe đẩy hay tiệm bánh) mà giá nhượng quyền sẽ dao động từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng, bao gồm thiết bị. Đối tác của Thạch sẽ đóng phí nhượng quyền 3 năm đầu và miễn phí về sau nếu tuân thủ theo đúng các cam kết trong hợp đồng nhượng quyền như dùng bánh, nguyên liệu tẩm ướp của hệ thống và không mở thêm cửa hàng khác ngoài hợp đồng.
Đến nay, hệ thống bánh mỳ kebab của Thạch đã có hơn 100 điểm bán tại 36 tỉnh thành Việt Nam, vận hành theo mô hình nhượng quyền và hợp tác kinh doanh. Với những địa bàn xa, anh triển khai mô hình nhượng quyền phân cấp, nhượng quyền cho tổng phụ trách khu vực (Master Franchise). Các Master Franchise đầu tư lò làm bánh cung cấp cho hệ thống nhượng quyền thứ cấp tại khu vực của họ.
"Mạng lưới Master Franchise rất quan trọng. Trước đây, tôi muốn nhượng quyền ra Huế, Đà Nẵng, phía Bắc thì không được vì vỏ bánh mỳ đưa đến Đà Lạt thôi đã hỏng. Giờ tôi chia khu vực cho đối tác làm. Họ đầu tư lò làm vỏ bánh, chỉ lấy nguyên liệu và gia vị của tôi", Thạch chia sẻ.
Thạch nói rằng, thị trường bánh mỳ kebab tại Việt Nam có đến 50% là kinh doanh đơn lẻ, tự phát. Một số chuỗi khác có quy mô nhỏ hơn. Thạch khẳng định thương hiệu của anh vẫn là hệ thống lớn nhất. Anh khá lạc quan vì phí nhượng quyền của anh không chênh lệch quá nhiều so với chi phí mà nhà đầu tư tự bỏ ra nếu muốn kinh doanh bán bánh mỳ kebab trong khi thương hiệu, quy trình, nguyên liệu, hỗ trợ tiếp thị đã có sẵn.
"Giai đoạn này tôi không phát triển quá nhanh mà chậm lại, tìm giá trị cộng thêm. Tôi đã nghĩ ra mô hình kết hợp bán cà phê. Tại sao là cà phê? Vì cà phê có tỉ lệ lợi nhuận cao, mình tăng giá trị cho mình, tăng lợi ích cho nhân viên", Thạch phân tích và nói rằng hiện đã có 3 điểm bán thí điểm mô hình này.
Ông chủ thương hiệu bánh mỳ kebab nhượng quyền nói rằng, hai kinh nghiệm lớn rút ra trong quá trình khởi nghiệp là tập trung vào thứ mình giỏi nhất và tiết kiệm. Thạch thừa nhận mình giỏi về kebab nhưng làm cà phê phải kết hợp với người khác.
Còn chuyện tiết kiệm với anh là một đức tính ‘sống còn’. "Chỉ ví dụ việc làm thiết kế thôi, tôi thấy một số startup chết lâm sàng sau một, hai năm đầu vì vung tiền. Họ mang tiền đi thuê nhân viên đồ họa, thuê truyền thông. Trong khi, tôi tự làm hết, từ thiết kế đến quản lý fanpage, SEO..., những gì trong khả năng thì tự vận động.
Ngoài ra, theo anh, tính tham lam tồn tại trong máu người làm startup. "Nên kiềm hãm cái đó xuống. Không có năng lực thì đừng làm thêm, không thôi thêm cái mới lại mất luôn cái cũ", Thạch nói. Theo anh, không còn làm trong ngành công nghệ nhưng việc am hiểu về công nghệ thông tin đã giúp anh tiết kiệm và thành công.
Viễn Thông