Trên blog cá nhân, Windy nói ban đầu cô khá bối rối khi làm việc từ xa. Nhưng sau vài tuần, mọi thứ trở nên dễ chịu. Đến tháng thứ hai, Windy tính toán lại chi phí sinh hoạt trong một tháng làm việc tại nhà và bắt đầu suy nghĩ đến việc tìm nơi nào đó lý tưởng hơn Thung lũng Silicon để tiếp tục công việc.
"Mọi người đều biết chi phí ở đây rất đắt đỏ. Nếu không cần đến công ty, làm ở Thung lũng Silicon hay ở quê cũng như nhau", Windy viết về lý do cô quay về nhà ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Đến nay việc lập trình của cô vẫn diễn ra suôn sẻ. Hàng tuần cô vẫn họp trực tuyến với đồng nghiệp ở rải rác khắp các vùng quê ở Mỹ, thậm chí, một số người cũng đang ở Ấn Độ. "Tôi nghĩ về quê là một quyết định đúng đắn. Nếu bạn không thể ra đường trò chuyện với mọi người, không thể đến văn phòng, thì Thung lũng Silicon cũng chẳng còn gì hấp dẫn", Windy nói.
Làn sóng "di cư công nghệ"
Windy chỉ là một trong hàng nghìn kỹ sư "di tản" khỏi Thung lũng Silicon khi các công ty lớn như Google, Facebook... cho nhân viên làm việc từ xa. "Đối với những người đi thuê nhà như tôi, làm việc tại nhà sẽ mang lại lợi ích tài chính lớn. Tôi có thể tiết kiệm đáng kể chi phí thuê nhà ở đây", một nhân viên Google nói với The Verge. Một số người nói họ đã chủ động rời Mountain View mà không cho "sếp" biết. "Tôi yêu công việc của mình nhưng tôi không thích San Francisco", một kỹ sư giấu tên của Google nói.
Một giám đốc kỹ thuật của Google nói với The Verge rằng anh có kế hoạch chuyển đến Hawaii, nếu công ty cho phép. Nếu không, anh sẽ cân nhắc chuyển việc. "Tôi đã trao đổi cởi mở vấn đề này với quản lý của mình. Thậm chí nếu Twitter đến gặp tôi và nói sẽ trả 80% mức lương hiện tại nhưng cho phép làm việc ở nhà mãi mãi, tôi sẽ đồng ý", người này nói.
Khảo sát hồi đầu tháng 8 trên ứng dụng Blind cho thấy, 15% trong tổng số 3.300 kỹ sư công nghệ ở San Francisco đã dời đi khi Covid-19 bùng phát. "Không phải ai cũng đủ tiền mua căn nhà ở đây. Hầu hết chúng tôi đi thuê nhà - những căn hộ chật chội nhưng đắt đỏ. Hầu hết số tiền tôi kiếm được đều để trả tiền nhà, dịch vụ, ăn uống. Tôi muốn tìm nơi nào đó có chi phí thấp hơn. Tôi nên đi đâu bây giờ?", một kỹ sư đang làm việc tại Thung lũng Silicon đặt câu hỏi trên MarketWatch.
Không riêng các kỹ sư, ngay cả những công ty khởi nghiệp nhỏ cũng tính đến chuyện "tháo chạy" khỏi Thung lũng Silicon. Melissa Hanley, Giám đốc điều hành của Blitz, đối tác thiết kế của Google, Skype, Microsoft nói với Business Insider: "Chúng tôi không muốn duy trì văn phòng ở đây khi mọi thứ đều có thể giải quyết được từ xa". Theo Hanley, ngay cả trước đại dịch, công ty đã tính đến việc rời khỏi vùng này. Nhân viên của họ luôn than phiền về chi phí sinh hoạt ở đây ngày càng tăng.
Kết quả khảo sát thị trường của công ty San Jose-Colliers International cho thấy từ khi Covid-19 bùng phát, không ít công ty ở Thung lũng Silicon phải đóng cửa. Số lượng các toà nhà văn phòng trống ở đây cũng tăng đáng kể. Nhiều văn phòng treo biển cho thuê lại.
Thung lũng Silicon còn lại gì sau cuộc "di tản"
Sau làn sóng thất nghiệp do Covid-19, Thung lũng Silicon lại chứng kiến cuộc "di tản" của hàng nghìn kỹ sư công nghệ. Khi đại dịch xuất hiện, các chuyên gia đã dự đoán rằng làm việc từ xa sẽ định hình lại "bộ mặt" của Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, làm việc từ xa không phải môi trường lý tưởng của ngành công nghệ. Apple và Google từ lâu đã xác định giá trị của văn phòng. Họ đầu tư hàng nghìn USD cho khuôn viên, trụ sở để thành nơi làm việc đáng mơ ước nhất thế giới, để giữ chân nhân viên tại văn phòng nhiều giờ nhất có thể.
Những người có chung tầng kiến thức, hoài bão, ý tưởng đổi mới, sáng tạo khi được đặt gần nhau sẽ tạo ra những giá trị kinh tế khổng lồ. Đó chính là tinh thần xuyên suốt gây dựng nên danh tiếng của Thung lũng Silicon. Với đội ngũ kỹ sư, nhà thiết kế, nhà khoa học và nhà đầu tư chuyên sâu, khu vực này đã sản xuất gần 20% tổng số bằng sáng chế tại Mỹ năm 2015. Tổng GPD của khu vực trong năm 2017 là 838 tỷ USD.
Covid-19 xuất hiện và làm xáo trộn mọi thứ, đe doạ nhiều giá trị cốt lõi của Thung lũng Silicon. Theo Bloomberg, giá bất động sản ở San Francisco không ngừng tăng những năm qua nhưng đã giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái, kể từ tháng 3 năm nay. Trong khi đó, giá thuê nhà ở những vùng "vệ tinh" như Sacramento, Reno, Boise lại tăng nhẹ.
Susan Wachter, Giáo sư bất động sản và tài chính tại trường Wharton thuộc tiểu bang Pennsylvania, tin rằng đại dịch đang làm thay đổi sâu sắc diện mạo Thung lũng Silicon, cũng như cách các công ty công nghệ vận hành. Giá thuê trung bình một phòng ngủ ở San Francisco đã vượt mức 3.700 USD một tháng. Đây là gánh nặng cho những tài năng công nghệ lẫn công ty tuyển dụng. Apple, Facebook, cùng Alphabet, Mitcrosoft gần đây phải cam kết hàng tỷ USD để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng của khu vực.
"Các công ty hầu như không giữ được tài năng trẻ tham gia vào lực lượng lao động ở đây bởi chi phí sinh hoạt quá cao mà mức lương trả không tương xứng. Nhưng mô hình làm việc mới của đại dịch sẽ giúp Thung lũng Silicon tăng quy mô, không phải theo nghĩa về địa lý mà là quy mô về mạng lưới", Wachter nói.
Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người lo ngại hơn cả là điều gì sẽ mất đi khi các công ty không còn tập hợp hàng trăm nghìn kỹ sư về một địa điểm, kích thích những bộ óc sáng tạo trao đổi, thậm chí "chiến đấu" với nhau mọi lúc, mọi nơi, từ bàn cà phê đến phòng họp.
Trong khi làm việc từ xa mang lại hiệu suất công việc tốt cho các công ty, cũng không ít đơn vị chịu tổn thất vì không thể tập trung nhân viên. "Một rủi ro tiềm ẩn khác là những kỹ sư mới không có cơ hội va chạm, trao đổi và học hỏi từ những người đi trước khi họ chỉ làm việc trực tuyến. Đây là rủi ro dài hạn mà các công ty công nghệ phải suy xét cẩn trọng", Wachter nói với Bloomberg.
Đại dịch qua đi, một số người đã có thể kiếm đủ tiền để mua nhà, định cư ở một vùng nông thôn. Khi đó, sẽ rất khó thuyết phục họ quay lại San Fransisco để trọ trong những căn phòng với chi phí thuê đắt đỏ và không gian thiếu tự do.