Linh cẩu trưởng thành là động vật săn mồi thành công nhất châu Phi, nhưng linh cẩu đốm non lại là món ăn khoái khẩu của sư tử. Vì lý do đó, linh cẩu non thường lẩn tránh những con mèo lớn, dành phần lớn thời gian gần hang của bố mẹ. Đấy là trừ khi linh cẩu non bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii. Con non mang ký sinh trùng thường tới gần sư tử hơn và nhiều khả năng bị mèo lớn giết chết gấp hơn 4 lần so với đồng loại khỏe mạnh, theo dữ liệu thu thập trong nhiều thập kỷ ở khu bảo tồn tự nhiên Masai Mara tại Kenya.
"Tôi bị sốc khi chứng kiến khác biệt lớn về khoảng cách lại gần sư tử giữa con non nhiễm bệnh và không nhiễm bệnh", Kay Holekamp, nhà sinh thái học hành vi ở Đại học Michigan, đồng tác giả nghiên cứu mới công bố hôm 22/6 trên tạp chí Nature Communications, cho biết.
Toxoplasma là ký sinh trùng đơn bào lây nhiễm cho ít nhất 1/3 người dân trên thế giới. Nó nổi tiếng với khả năng điều khiển vật chủ như chuột hành động liều lĩnh trước mèo. Nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận ảnh hưởng như vậy ở động vật có vú lớn trong tự nhiên.
Nghiên cứu cũng hé lộ ký sinh trùng gây bệnh toxoplasmosis ở nhiều loài động vật này có tác động lớn hơn tới cách động vật hoang dã cư xử so với suy đoán trước đây. "Toxoplasma gondii không chỉ ảnh hưởng tới mèo nhà và con mồi là chuột, mà còn có khả năng là hiện tượng quy mô rộng hơn nhiều", Holekamp, người nghiên cứu linh cẩu từ năm 1988, cho biết. Ký sinh trùng Toxoplasma có thể lây nhiễm cho nhiều vật chủ, bao gồm chuột, chim và nhiều con mồi nếu chúng tiêu hóa thịt hoặc phân chứa mầm bệnh. Nhưng ký sinh trùng chỉ sinh sản hữu tính ở ruột loài mèo.
Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, họ hàng xa của ký sinh trùng sốt rét đã phát triển một mánh khóe nhanh gọn. Chuột nhiễm toxoplasmosis không thể kháng cự lại sự hấp dẫn từ mùi nước tiểu mèo, khiến chúng tới gần con mèo đang đói mồi hơn. Điều này có lợi ích là không chỉ xáo trộn hệ gene của ký sinh trùng mà còn dẫn tới sản sinh những bào tử ổn định trong môi trường hơn, có thể lây nhiễm cho nhiều vật chủ hơn, theo đồng tác giả nghiên cứu Zach Laubach, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Đại học Colorado, Boulder, chia sẻ.
Do ký sinh trùng sinh sản trong ruột sư tử và linh cẩu là vật mang Toxoplasma, Laubach và Holekamp muốn biết liệu ký sinh trùng này có điều khiển vật chủ linh cẩu cư xử khác đi hay không. Nhóm nghiên cứu tham gia Dự án linh cẩu Mara trong nhiều thập kỷ, chuyên ghi chép dữ liệu về vị trí của cá thể linh cẩu, bao gồm khoảng cách của chúng với các động vật khác cũng như độ tuổi, giới tính và mẫu máu của con non, giúp xác định liệu chúng có bị nhiễm Toxoplasma hay không.
Phân tích của nhóm nghiên cứu hé lộ 1/3 linh cẩu non, 71% cá thể nhỏ tuổi và 80% con trưởng thành từng nhiễm Toxoplasma. Trong khi linh cẩu non không nhiễm bệnh ở cách sư tử trung bình hơn 90 m, con non mang kháng thể Toxoplasma trong máu lang thang trong phạm vi 43 m từ chỗ động vật săn mồi, một khoảng cách rất nguy hiểm. Sự khác biệt biến mất khi con non một tuổi, có thể bởi những kẻ sống sót nhận biết được không nên tới quá gần loài mèo lớn.
Theo Holekamp và Laubach, một trong những hạn chế của nghiên cứu là không thể biết chắc linh cẩu non có táo bạo hơn với các động vật săn mồi khác hay không. Đây là vấn đề họ đang tìm cách giải đáp. Stefanie Johnson, chuyên gia ở Đại học Colorado, người không tham gia nghiên cứu, nhận định phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng bởi kết quả xác nhận Toxoplasma có ảnh hưởng mạnh tới hành vi của động vật có vú.
An Khang (Theo National Geographic)